Nhiều người mẫu ngập sâu trong gánh nặng nợ nần vì đam mê nghiệp ánh đèn, sàn catwalk.
Nghề người mẫu không toàn hào quang |
Theo tổ chức bảo vệ quyền người mẫu Model Alliance thì ngoại trừ một số người mẫu hàng đầu, các chân dài ít tên tuổi hầu hết đều dễ lâm vào nợ nần khi tham dự các tuần lễ thời trang lớn. Họ phải tốn một khoản lớn cho tiền ăn ở, đi lại tại các thành phố, phí môi giới cho đại lý… trong khi thu nhấp thì càng ngày càng thấp do sự cạnh tranh trực tiếp từ lứa người mẫu mới. Model Allicance nhấn mạnh người mẫu nước ngoài là các đối tượng càng dễ lún sâu vào vũng bùn nợ nần bởi họ phải kham quá nhiều chi phí.
Một người mẫu Việt Nam từng "chinh chiến" tuần lễ thời trang thế giới là Trang Khiếu tiết lộ cô tiêu tốn chừng 50 triệu đồng cho 3 tuần sống tại London.Trong đó 20 triệu là tiền vé máy bay, còn lại chủ yếu tiền ăn uống. Trang Khiếu tiết kiệm được tiền ở do tá túc được tại nhà một người bạn.
Bên cạnh đó, thu nhập của họ cũng rất bấp bênh. Người mẫu chắc chắn không phải nghề kiếm tiền "dễ nhất quả đất" như nhiều người lầm tưởng. Bạn nghĩ rằng họ chỉ uốn éo tạo dáng trong phút chốc và lướt chừng dăm chục giây trên màn hình là đã có thể bỏ túi một đống tiền? Điều này hoàn toàn không đúng.
Họ kiếm tiền không dễ dàng |
Khoản thu của người mẫu từ ít nguồn. Họ có thể xuất hiện thường xuyên trên mặt báo như Elle hay Vogue nhưng một sự thật là nó không giúp các chân dài giàu có hơn. Theo tiết lộ của người mẫu Crystal Renn, thì 99% tạp chí thời trang không trả tiền thù lao chụp hình cho người mẫu. Tuy bất công như vậy nhưng các mẫu trẻ vẫn phải chịu đựng bởi đổi lại, họ sẽ có những bức ảnh hoàn hảo và dòng ghi chú đẹp đưa vào hồ sơ.
Nếu như cách đây chừng 2 thập kỷ, những siêu mẫu như Linda Evangelista hay Christy Turlington đã có thể kiếm được hơn 1 tỷ đồng cho một show diễn thì hiện tại các chân dài chỉ được trả khoảng trên dưới 10 triệu. Không chỉ thế, nhiều nhà mốt thay vì trả tiền lại trả bằng hiện vật như cái quần hay chiếc áo cho người mẫu để tiết kiệm chi phí tổ chức.
Quay lại trường hợp của Trang Khiếu. Khi dự tuần lễ London, cô phải bỏ ra chi phí bỏ ra không nhỏ nhưng với mỗi show, quán quân Next Top chỉ nhận được thù lao chừng 7 triệu, đó là còn chưa kể phải trích 20 - 45% cho công ty quản lý.
Sự chênh lệch ở thù lao người mẫu trong quá khứ với hiện tại là do số lượng người mẫu ngày càng đông đảo, thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng. Tuổi thọ nghề nghiệp của các chân dài theo đó cũng bị rút ngắn dần. Ước tính trung bình một người mẫu loại thường chỉ duy trì được 3 mùa thời trang.
Thu nhập của người mẫu nam rất thấp |
David Grandy – gương mặt lâu năm của Dolce&Gabbana cảm thấy vô cùng bức xúc khi trong cùng một chiến dịch thời trang, dù vai trò của người mẫu nam và nữ ngang nhau nhưng người nam chỉ nhận thù lao bằng 1/4 so với người nữ.
Cũng theo Ashley, dựa trên nghiên cứu của cô tại một đại lý người mẫu lớn, có khoảng 20% trên tổng số chân dài đầu quân cho công ty này rơi vào vũng lầy nợ nần vì phải trả đủ thứ chi phí, từ tiền vé máy bay tới địa điểm trình diễn cho tới chi phí chụp hình để đưa vào hồ sơ. Chỉ có một số ít kiếm được trên 2 tỷ đồng mỗi năm nhưng rất nhiều người khác trĩu cổ gánh món nợ vài trăm triệu trong ngân hàng. Khi chưa kịp “kéo cày trả nợ” thì họ đã bị ngành công nghiệp khốc liệt này đào thải. Ashley khẳng định nghề người mẫu là nghề đầy tính rủi ro.
Người mẫu hầu như không thu được đồng nào từ việc chụp hình tạp chí |
Sự cạnh tranh trong nghề ngày càng cao do đó, người mẫu cần phải thức thời và biến mình thành thứ thị trường khao khát. Một trong những yếu tố giúp họ trở nên đặc biệt và được đánh giá cao hơn, không phải là sắc vóc mà chính là tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Kendall Jenner |
Người mẫu phải khiến mình trở nên đặc biệt trong mắt các thương hiệu không chỉ nhờ nhan sắc mà còn ở cá tính |
Theo Thu Hương (Dân Việt)