Mới đây, khi cùng nhiều đồng nghiệp tố đơn vị tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) chậm trả cát-xê dù sự kiện diễn ra từ tháng 4, người mẫu Thúy Nguyễn bức xúc: “Mong công ty hiểu nỗi khổ người mẫu, tất cả model đã cháy hết mình, chạy hết sức ăn dầm nằm dề 5-6 ngày tại nơi ghi hình chương trình”.
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thường diễn ra trong 4 ngày. Trong những ngày đó, dàn người mẫu hầu hết có mặt từ 7h để bắt đầu casting, tập luyện, tổng duyệt sau đó bước vào trình diễn khi trời đã tối. Họ trở về nhà sau khi hoàn thành đêm diễn lúc tối muộn.
Khổ cực đi trước, hào quang đến sau
Bất kể ngành nghề đều đòi hỏi công sức, sự nỗ lực và chăm chỉ. Với những người mẫu tham gia tuần lễ thời trang, vài phút ngắn ngủi sải bước trên sàn diễn là thành quả sau một ngày làm việc khoảng 14 tiếng đồng hồ. Casting (tuyển chọn), chờ đợi đến lịch tập luyện, tổng duyệt, trang điểm, thử trang phục, rồi lại chờ đợi để được lên sàn catwalk.
Phần lớn thời gian trong khoảng thời gian 14 tiếng của người mẫu có thể dành để chờ đợi - "công việc vô hình" tưởng nhẹ nhàng nhưng thực tế khiến không ít người mệt mỏi.
“VIFW tập chương trình từ sáng sớm rồi chờ đợi tới tối. Suốt một ngày, người mẫu phải đợi casting show khác, đợi tập chương trình, đợi trang điểm. Ăn ngủ vật vờ và nhiều khi bỏ cả bữa”, người mẫu Kim Phương mô tả. Tại hậu trường, cô nhiều lần chứng kiến đồng nghiệp của mình mệt mỏi đến ngất xỉu.
“Người mẫu thường tập trung lúc 7h, chuẩn bị cho cả ngày dài, vừa tập chương trình, vừa casting. Liên tiếp như vậy mấy ngày, từ sáng sớm đến 23h. Đôi khi, một ngày diễn 2-3 màn, phải thay đổi trang điểm, trang phục, chúng tôi chỉ có khoảng 30 phút nghỉ ngơi”, một người mẫu cho biết.
“Tóc và da người mẫu sau show ai cũng bị xấu đi”, cô nói thêm.
Khoảng 15h là thời điểm nhộn nhịp, tất bật nhất. Hàng chục người mẫu ngồi chen chúc ở khu vực hậu trường. Phòng trang điểm đôi khi quá tải, người mẫu dàn ra cả hành lang. Đó là hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong mỗi mùa tuần lễ thời trang.
Vài người tự trang điểm, chỉnh sửa đầu tóc, phụ kiện. Nhóm khác tụ tập, cùng bày đồ ra sàn và tranh thủ ăn lót dạ giữ sức cho đêm diễn. Tính thêm nhân viên trang điểm, phục trang, tình nguyện viên... có khoảng 100 người tụ tập trong hậu trường chật chội.
Ở một góc khác của khu vực hậu trường, nhà thiết kế cẩn thận kiểm tra trang phục trước giờ diễn. Các mẫu thiết kế được đánh số thứ tự và gắn tên từng người mẫu. Ê-kíp chuẩn bị sẵn sàng để khoảng 18h, sau khi đã trang điểm và làm tóc, người mẫu thay đồ.
Họ tiếp tục xếp hàng, chờ đợi - có khi hàng tiếng đồng hồ - trên những đôi giày cao gót. Họ chờ đến lượt biểu diễn, chờ thời khắc quan trọng nhất mà ai nấy đều mong mỏi sau một ngày dài.
Mòn mỏi chờ đợi cát-xê show diễn từ nửa năm trước
Theo tiết lộ của một “chân dài” nhiều lần hợp tác với đơn vị tổ chức VIFW, mỗi người mẫu được diễn tối đa 2 show một tối và khoảng 5-6 show trong cả mùa. Cát-xê cho người mẫu không phụ thuộc vào vị trí. Đơn vị tổ chức thường chi trả mức cát-xê chung là 2 triệu đồng cho mỗi người mẫu trong một show diễn.
Những gương mặt có tên tuổi sẽ nhận được nhiều hơn trong trường hợp họ được nhà thiết kế mời riêng.
Mỗi người mẫu kết thúc tuần lễ có thể nhận trên 10 triệu đồng. Những gương mặt mới hài lòng với mức thu nhập này. Khán giả thậm chí cho rằng đây là con số khá cao nếu so với mặt bằng chung.
Ngược lại, một người mẫu cho rằng nếu trừ hết chi phí đi lại, vé máy bay, ăn uống… thì thực tế số tiền còn lại không đáng kể. Chưa kể người mẫu mới có thể chỉ nhận được 1 triệu đồng cho một show.
“Bên chương trình sẽ chia ra mỗi người mẫu diễn khoảng 5-6 show, và người mẫu mới theo tôi biết sẽ có tầm 1 triệu. Gộp lại thì sẽ có một số tiền lớn, nhưng thực tế, nhiều bạn phải bỏ ra khá nhiều tiền vé máy bay, ăn uống, đi lại. Cuối cùng cũng chỉ hòa vốn thôi”, một chân dài từng thi Vietnam's Next Top Model cho biết.
Nhiều người mẫu nhấn mạnh tiền cát-xê mà tuần lễ thời trang chi trả là mức thấp nhất trong những show họ tham gia. Tuy nhiên, tất cả đều thực hiện trách nhiệm của mình với thái độ hợp tác, hài lòng cho đến khi đơn vị tổ chức chậm trả tiền.
Một lần nữa, họ phải chờ đợi để nhận được số tiền của mình chính mình, nhưng lần này, thời gian kéo dài tới nửa năm.
“VIFW phải đổi tên là lầy show, bởi trong nhóm mùa xuân hè tháng 4 vừa rồi, đòi tiền ròng rã mấy tháng trời. Cả người đứng đầu còn im lặng, thì hỏi người mẫu bắc thang lên đâu để nhận tiền của chính mình đây. Làm mà như đi ăn xin. Làm ra bao nhiêu chương trình rồi đẻ ra tiền mà không thèm trả nợ người mẫu, 2 triệu phải trừ thuế còn 1,8 triệu thôi đó”, người mẫu Phan Linh mới đây viết trên trang cá nhân.
Sau đó, nhiều đồng nghiệp chia sẻ bài viết của cô và bày tỏ thái độ đồng tình. “Từ bao giờ các anh chị tự tạo tiền lệ người mẫu diễn xong cả nửa năm, có khi ròng rã một năm trời mới trả tiền cát-xê. Ai cũng có cuộc sống, các anh chị cứ giữ cát-xê cả năm trời như thế mà được sao. Thành khẩn anh chị mau chóng thanh toán tiền”, Võ Thành An, đại diện một số người mẫu nam cũng bức xúc.
Phía đơn vị tổ chức khi giải đáp nỗi bức xúc của người mẫu cho biết họ đang “giải quyết vấn đề, mọi chuyện gần như đã xong”. Tuần lễ thời trang đã bước sang mùa thu - đông diễn ra cuối tháng 10 nhưng những ồn ào từ mùa xuân - hè hồi tháng 4 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trả lời chúng tôi, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa bức xức: "Nếu như bạn làm việc vất vả, mà lương bị chậm trễ dù chỉ vài ngày, hay nặng hơn là đến một tháng bạn nghĩ sao, riêng Hòa không bao giờ chấp nhận điều đó dù ở cương vị người trả hoặc nhận".
"Vậy việc trả cát-xê chậm trễ cho các người mẫu là không chấp nhận được. Chuyện trả trễ cát-xê cho người mẫu cũng không phải chuyện lần đầu được lên báo", anh cho biết.
"Nếu chuyện như vậy là thật, thì Hòa mong ban tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam sẽ giải quyết ổn thỏa hơn với những người mẫu từng cộng tác. Đối với Hòa nghề người mẫu rất vất vả, cát-xê không được cao", anh nhấn mạnh.
Theo Lan Phương - Thiên Minh (Tri Thức Trực Tuyến)