Khi nghệ sĩ “chuyên trị ảnh nude” Thái Phiên được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc cùng với 4 nghệ sĩ khác vào năm 2014, gần như báo chí chỉ nói về mình ông. Đây là tước hiệu cao nhất của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. “Tôi được quan tâm hơn có lẽ vì đây là lần đầu tiên ở VN, một nghệ sĩ được trao tước hiệu này nhờ ảnh khỏa thân”, Thái Phiên khi đó nói. Đã 24 năm chụp ảnh khỏa thân, cho tới giờ, ông Phiên chưa từng có một triển lãm ảnh nude. Tuy nhiên, ông đã ra sách ảnh nude, có trang mạng riêng đăng các tác phẩm nude mình sáng tác.
Chính vì thế, ông Phiên khá bình tĩnh dù không hài lòng với quy định mới về chụp nude. Điều 3, Thông tư 01 của Bộ VH-TT-DL ban hành, sẽ có hiệu lực từ 15.5.2016 quy định: người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cũng như người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện việc “chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông”.
Cũng theo Thông tư 01, chịu trách nhiệm kết luận, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi do người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang này sẽ do hội đồng thẩm định thành lập theo Thông tư số 15/2013/TT-BVHTTDL. Hội đồng này sau đó sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về việc người đẹp được giải mà chụp ảnh không trang phục hoặc trang phục phản cảm trước khi thi, song sau khi thi mới tung ảnh thì có bị tước danh hiệu không, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: “Những trường hợp đó phải làm chặt chẽ hơn. Nhưng mà quan trọng là xác định xem là bản thân cô ấy chủ động chụp hay là bị lừa”.
|
Ảnh nude của người mẫu Ngọc Quyên, người mẫu Chung Thục Quyên và ca sĩ Lê Kiều Như
|
Sao lại bắt phạt vì tài kém của ông chụp ảnh
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Huy Hoan cho rằng các nghệ sĩ, người mẫu, hoa hậu không phải đối tượng mà ông muốn chụp nude. Quan điểm về vẻ đẹp của ông rất khác. Tuy nhiên, theo ông cũng không nên “trói” những đối tượng này mãi mãi trong chính danh hiệu của họ. Chẳng hạn, cũng có những cuộc thi có thể quy định trong thời gian giữ danh hiệu, người liên quan không được chụp ảnh không quần áo để giữ hình ảnh. Song quy định này không nên kéo dài đến hết đời. “Tôi nghĩ người ta vẫn phải được chụp như thế nếu muốn. Chỉ có điều họ có sử dụng quyền đó hay không là chuyện khác”, ông nói.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn cũng bảo vệ quyền được chụp ảnh không quần không áo của nghệ sĩ biểu diễn, người mẫu và người đẹp có danh hiệu. Ông cũng biết những trường hợp chụp ảnh không quần áo bị kêu ca, chẳng hạn như Ngọc Quyên với bộ ảnh bảo vệ môi trường. “Tôi nghĩ khi đó họ là mẫu, họ cũng chả có tội tình gì khi ảnh xấu. Như bộ của Quyên là ảnh xấu. Quyên không có lỗi về điều đó. Khi Quyên đưa bộ đó ra công chúng thì Quyên có thể thẩm mỹ kém thôi chứ không phải là đồi bại. Sao lại bắt phạt vì tài kém của ông chụp ảnh kia”, nhiếp ảnh gia này đánh giá. Theo ông Sơn, chỉ có thể phạt người mẫu khi chụp và tung ảnh đó với mục đích xấu như bán dâm chẳng hạn. Việc này, lại thuộc điều chỉnh của luật Hình sự.
Riêng những bộ ảnh xấu, không thể gọi là ảnh nude nghệ thuật của người mẫu do tay nghề người chụp kém, ông Chương cho rằng: “Khi xử lý trường hợp như thế thì cơ quan quản lý phải xem xét thật kỹ, xem người ta bị oan hay cố tình rồi mới đưa ra hướng xử lý”.
Thế nào là ảnh nude nghệ thuật và ảnh không quần áo?
Theo quy định của Thông tư 01, việc xác định mức độ trái với thuần phong mỹ tục phụ thuộc rất nhiều vào nhận định của hội đồng thẩm định. Ông Na Sơn cho rằng chất lượng của hội đồng rất quan trọng, họ phải là những người nắm được xu hướng. “Những bộ ảnh chuyên nghiệp sẽ có quan điểm, ý tưởng riêng. Vì thế nếu không hiểu thì có thể thẩm định sai. Chưa kể thông tư còn đề cập đến cả việc ghi hình. Lĩnh vực như thế càng rộng, càng khó thẩm định. Quản lý đừng lấy hiểu biết hữu hạn của mình để nghĩ thay cho người khác”, ông nói.
Chưa kể, tư duy của nhà quản lý cho tới giờ về ảnh không quần áo cũng bị chính các nghệ sĩ nhiếp ảnh nghi ngại. Còn nhớ, nhiều nghệ sĩ xin cấp phép triển lãm ảnh nude đều về tay không. Đó là Lê Quang Châu, Thái Phiên, Dũng Art. Điều đặc biệt là họ đều được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh nhận bảo trợ nghệ thuật trong hồ sơ. Và cho tới bây giờ, chưa từng có một triển lãm ảnh nude nào được Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cấp phép. “Họ chỉ nói bây giờ chưa thích hợp”, nghệ sĩ Thái Phiên nói. Thậm chí, ông Châu còn cho biết, một bức ảnh của ông bị đặt vấn đề gây ảnh hưởng tới hình ảnh Quốc hoa khi... chụp khỏa thân gần hồ sen.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, xác nhận hiện chưa có quy định cụ thể về ảnh nude. Với những quy định về luật như vậy, việc xác định ảnh nude nghệ thuật và ảnh không quần áo trái với thuần phong mỹ tục sẽ càng khó khăn hơn. Thậm chí, theo ông Na Sơn, có thể coi đó là mập mờ. “Quy định của luật phải rõ ràng chứ không vậy được”, ông nói.
Có thể thấy, quy định của Thông tư 01, tuy có vẻ hướng tới môi trường nghệ thuật không scandal, song lại rất lỏng lẻo. Nó chẳng khác gì cấm chụp nude với nghệ sĩ biểu diễn, người mẫu và người đẹp có danh hiệu. Chưa kể, các nghệ sĩ nhiếp ảnh - đối tượng có liên quan lại hoàn toàn không được trao đổi về điều này.
“Chụp ảnh nude là việc của cá nhân nhưng nếu tung những bức ảnh đó ra công chúng mà đặc biệt là ảnh những người nổi tiếng thì rõ ràng là không nên. Nghệ sĩ, người mẫu, người đẹp phải chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình khi đưa lên mạng xã hội, viễn thông. Còn khi chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật thì tôi tin sẽ có hội đồng xét duyệt, cấp phép”. Siêu mẫu Xuân Lan
|
>> Người mẫu, người đẹp không được chụp và phổ biến ảnh nude
>> Mẫu nude Việt: Từng bị rượt đuổi khi chụp ngoài trời
>> Tiết lộ gây sốc của mẫu nude: "Tôi từng nhiều lần bị gạ tình"
Theo Trinh Nguyễn (Thanh Niên Online)