Từ ngày phát hành sản phẩm đầu tay, quyết tâm lấn sân âm nhạc, Chi Pu có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, tuy nhiên, ít nhất trong số đó cũng có một ý kiến đúng, đó là "Ở Hàn Quốc, các nghệ sĩ được phân chia theo ca sĩ và idol".
Tại Hàn Quốc, thần tượng và ca sĩ dù cùng hoạt động chung một lĩnh vực âm nhạc nhưng được hiểu theo 2 nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Trong đó, thần tượng tuy có lượng fan lớn với hình ảnh đa năng, hoàn hảo trên sân khấu nhưng trong mắt công chúng nói chung, họ mãi chỉ là những ngôi sao giải trí. Đánh giá này tuy có phần phiến diện và đánh đồng một số thần tượng tài năng, thế nhưng, nó là thực tế không thể phủ nhận tại thị trường giải trí nước này.
Làn sóng thần tượng phủ sóng Việt Nam
Hàn Quốc là đất nước đi đầu trong việc đào tạo các nhóm nhạc thần tượng. Ở đây, thần tượng mang nghĩa hoàn hảo nhất, đặc biệt là yếu tố ngoại hình và sự thu hút trên sân khấu. Họ phải là những hình mẫu lý tưởng mà người hâm mộ yêu thích, ngưỡng mộ, thậm chí tôn sùng trên mức bình thường.
Sự hoàn hảo, chuyên nghiệp của một thần tượng còn bao gồm cả hướng đào tạo và quảng bá. Cụ thể, thần tượng sẽ không chỉ hát hay, nhảy đẹp, biết làm chủ sân khấu mà còn phải diễn xuất tốt trước ống kính, để có thể gây ấn tượng với người hâm mộ.
Nắm bắt được tâm lý khán giả nên không mất nhiều thời gian, kể từ khi những nhóm nhạc đầu tiên như S.E.S, G.O.D, H.O.T, Shinhwa… ra mắt, các công ty giải trí Hàn Quốc đã đạt được tham vọng của mình, đó là “thâu tóm” thị trường trong nước lẫn châu Á.
Ở Việt Nam, âm nhạc Hàn Quốc cũng như văn hóa thần tượng bắt đầu phổ biến vào những năm cuối thập niên 2000, khi những nhóm nhạc như Wonder Girls, Super Junior, TVXQ, SNSD… ra mắt và tạo nên cơn sốt với âm nhạc trẻ trung, sôi động.
Theo thời gian và sự ra đời của nhóm nhạc được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn, Kpop càng có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam. Những hình ảnh như fan bật khóc, thậm chí phát cuồng khi đón thần tượng, chi tiền mua quà tặng ca sĩ mình yêu thích… chính là một phần để chứng minh sức hút của các ca sĩ Hàn Quốc tại nước ta.
Hiện tại, Kpop trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, tạm thời chưa có những ca khúc tạo nên cơn sốt toàn cầu như Sorry Sorry, Nobody, Gee, Gangnam Style… khi xưa. Nhưng, không vì thế, sức ảnh hưởng của những thần tượng nước này với khán giả Việt Nam giảm nhiệt.
Vpop chịu ảnh hưởng từ âm nhạc nước bạn
Nhiều trường hợp, từ những giọng ca nổi bật nhất Vpop hiện nay đến lứa ca sĩ mới ra mắt đều thừa nhận họ chịu ảnh hưởng từ những nền âm nhạc lớn, đặc biệt là Kpop.
Sơn Tùng khi được hỏi về việc có phong cách giống Kpop thì cho rằng đây là điều rất bình thường bởi anh lớn lên cùng âm nhạc nước bạn, đồng thời khán giả đang rất ưa chuộng dòng nhạc này.
Với Soobin Hoàng Sơn, nền công nghiệp âm nhạc đã thành công như Hàn Quốc đáng để những nghệ sĩ trẻ như anh học hỏi. Trong khi đó, nhóm nhạc Monstar khẳng định: “Đã là người nghệ sĩ thì họ học hỏi ở rất nhiều nước, không chỉ Kpop mà còn có US-UK, Nhật Bản”.
Ngoài hình ảnh, phong cách biểu diễn và âm nhạc giống Hàn Quốc rất dễ thấy ở nhiều giọng ca trẻ đang hoạt động, Vpop còn đi theo mô hình phát triển và quảng bá, đặc biệt là với các nhóm nhạc.
365 là nhóm nhạc đầu tiên áp dụng mô hình đào tạo kiểu Kpop. Theo quản lý của nhóm, khác biệt lớn nhất ở mô hình này là nghệ sĩ tách biệt với cuộc sống bên ngoài để dành toàn bộ thời gian tập trung cho việc học hát, vũ đạo, ứng xử,…
Với LipB, Unit5, công ty của Ông Cao Thắng và Đông Nhi còn sử dụng giảng viên nước ngoài để giảng dạy về khả năng tư duy, đàm phán, thuyết trình…
Gần đây, Vpop cũng chú trọng hơn đến yếu tố quảng bá, chẳng hạn việc thực hiện nhiều phiên bản cho một MV để thu hút khán giả, hay như Sơn Tùng tổ chức fansign - hình thức vốn chỉ phổ biến ở Hàn Quốc – để gặp gỡ, ký tặng những người hâm mộ đã mua album của anh.
Đa năng nhưng cũng phải đa tài
Sự du nhập của Kpop nhìn chung làm thay đổi bộ mặt của Vpop. Ít nhất về phần hình ảnh, ca sĩ nước ta đã trở nên đa dạng, nhiều màu sắc và cũng cuốn hút hơn trên sân khấu để đáp ứng bộ phận khán giả trẻ.
Nhưng, kéo theo đó cũng là sự thiếu cân bằng giữa yếu tố ngoại hình và tài năng mà trong nhiều trường hợp, phần nhìn được xem trọng hơn cả kỹ năng thanh nhạc. Câu chuyện Chi Pu với những tranh cãi xoay quanh giọng hát hay nhóm nhạc The Air mới ra mắt, gồm nhiều thành viên điển trai nhưng tài năng không nổi bật là một phần trong số đó.
Riêng với Chi Pu, từ ngày phát hành MV đầu tay, cô liên tục nhấn mạnh hướng đi của mình là nghệ sĩ đa năng. Trong showcase, cô tuyên bố "Ở Hàn Quốc, các nghệ sĩ được phân chia theo ca sĩ và idol. Còn Việt Nam, khi cầm mic lên hát thì đã gọi là ca sĩ rồi, không có một từ nào khác để nói về nghệ sĩ trình diễn cả".
Cộng thêm việc đầu tư lớn cho khâu hình ảnh, phục trang trong MV, có thể thấy thứ cô đang hướng đến là một hình tượng rất quen thuộc ở Vpop, ở Sơn Tùng, ở Monstar, Lime hay Uni5… đó chính là phong cách thần tượng vốn du nhập từ Kpop.
Tuy nhiên, đúng như cựu hot girl nói, khác Hàn Quốc, ở Việt Nam không có bất kỳ sự phân chia nào giữa thần tượng và ca sĩ. Họ hoạt động, quảng bá theo một cách thức và bởi thế, dù có đi theo hướng ca sĩ thần tượng hay không thì bất cứ ai cũng phải chịu đánh giá chung của công chúng về yếu tố giọng hát.
Tức, cô dù có hướng đến sự đa năng, nhảy tốt, ngoại hình sáng sân khấu, đầu tư cho khâu thời trang, hình ảnh trong MV… thì bản thân cũng phải chứng minh được năng lực cũng như giọng hát của mình.
Ngay ở thị trường Kpop, nơi văn hóa thần tượng phát triển mạnh, những giọng ca quá kém cũng vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ công chúng, và HyunA hay Twice là ví dụ rất điển hình.
Mỗi sự kiện biểu diễn của Twice đều vấp phải vô số ý kiến phê phán vì giọng hát yếu, kỹ năng thanh nhạc kém. Dù đã nỗ lực luyện tập và cải thiện đáng kể trong lần quảng bá mới nhất với Likey, thế nhưng một số thành viên của nhóm, đặc biệt là khả năng phát âm của Mina, Momo vẫn chưa thể làm hài lòng khán giả.
Giọng hát tỷ lệ nghịch với ngoại hình cũng là một phần lý do khiến Twice trở thành nhóm nhạc đông anti fan nhất hiện nay. Trong top những MV Kpop có lượt dislike (không thích) lớn nhất, nhóm nhạc nhà JYP chiếm trọn 5 vị trí đầu tiên.
Trở lại Chi Pu, khi nghe cô hát với chất giọng chênh, phô trên sóng truyền hình, Quốc Thiên, quán quân Vietnam Idol mùa đầu tiên nhận xét: "Tốt nhất nên rèn và cố gắng thêm 1, 2 năm nữa xem thế nào. Thế mới thấy, mọi bạn cứ nghĩ đẹp là đủ còn hát có phòng thu lo, nhưng đã đi hát không lẽ lipsync (hát nhép) hoài? Đến khi hát live thì ngã ngửa, vậy nên bản năng và tố chất không có thì tốt hết là tập trung vào thế mạnh của mình thôi".
Ngoại hình là yếu tố quan trọng trong văn hóa thần tượng, và khi nhu hầu của công chúng ngày một cao, nhất là phần trình diễn thì việc ca sĩ Việt đi theo con đường này hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, ngoại hình, kỹ năng trình diễn mãi chỉ là yếu tố đủ, còn giọng hát vẫn là điều cần nhất để một ca sĩ trước hết được công chúng nhìn nhận và sau là duy trì sự nghiệp của mình.
Theo T.Trí (Tri Thức Trực Tuyến)