Nghệ sĩ Trần Hạnh trong phim 'Ngõ lỗ thủng'
- Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đưa ông vào diện đặc cách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cảm xúc của ông ra sao?
- Tôi biết tin qua bạn bè, người thân, báo chí. Từ trước tới nay, tôi vốn không màng danh hiệu nên thấy bình thản. Thực sự, tôi không kỳ vọng, mong mỏi nhiều. Tôi là một trong những người đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định. Sau này, Nhà nước thay đổi quy chế, nghệ sĩ phải làm thủ tục xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tôi làm hồ sơ lần đầu từ hồi còn là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội. Thế nhưng lúc đó, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam khuyên tôi nên rút để nhường chỗ cho nhiều người lớn tuổi hơn. Vài năm trước, tôi làm lại một lần nữa nhưng lúc đó, NSND Hoàng Dũng - giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam lúc bấy giờ - thông báo hết hạn nộp hồ sơ. Tôi năm nay đã 89 tuổi, mắt kém đi nhiều nên rất ngại làm hồ sơ, thủ tục. Đợt này, con gái tôi lo liệu giấy tờ cho bố.
- Ông từng chia sẻ có vai diễn "sướng hơn được cho vàng". Thời gian gần đây, tần suất đi diễn của ông như thế nào?
- Tôi thích đi diễn lắm nhưng tôi già quá rồi, chẳng ai muốn mời. Hiện tại, thỉnh thoảng tôi tham gia các vai nhỏ trong phim truyền hình. Đất diễn của tôi gói gọn trong một, hai phân cảnh. Tôi quay nửa buổi hoặc một ngày là xong. Nếu có vai dài, tôi vẫn đóng được nhưng các đạo diễn bây giờ có nhiều lựa chọn tốt hơn. Họ chọn người 50-60 tuổi chứ ai chọn người gần 90 tuổi làm gì.
Trước Tết 2018, tôi tham gia phim hài Đại gia chân đất cùng Trung Hiếu, Quang Tèo. Tôi đi diễn một ngày ở tận Sơn Tây, Hà Nội. Năm 2015, tôi đóng vai phụ trong phim điện ảnh Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng. Sức khỏe tôi vẫn ổn nhưng tất nhiên không thể sung sức như thời trẻ. Tôi vẫn minh mẫn nhưng trong người dễ mệt hơn. Tôi thấy khỏe nhất là lúc được đi diễn. Hiện tại, tôi vẫn mong được đóng phim, hoàn thành một vai dài và có sức nặng.
- Ông được nhớ đến nhiều với các vai người nông dân khắc khổ trên truyền hình. Ông cũng từng chia sẻ “Đời tôi còn khổ hơn phim”. Giờ đây nhìn lại chặng đường đời đã qua, ông thấy thế nào?
- Tôi nói "Đời khổ hơn phim" bởi vì tôi thấy mình còn vất vả hơn các nhân vật. Nhưng nhiều mảnh đời trong xã hội còn khổ hơn tôi, vậy nên, tôi thấy bình thường. Trước khi bà nhà tôi mất, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc vợ ốm liệt giường. Thế nhưng khi tôi còn trẻ, bà ấy một tay chăm lo cho gia đình, nuôi nấng các con, giúp tôi yên tâm theo nghề. Ở tuổi gần đất xa trời, tôi vẫn khỏe mạnh, có thể phụ giúp con cái, thỉnh thoảng, tôi vẫn được đi diễn, thế là hạnh phúc rồi. Mỗi người một số phận. Tôi không tiếc nuối, ân hận điều gì.
Tôi vẫn nhớ nhất chặng đường làm nghề diễn viên sôi nổi. Sau thời kỳ là công nhân, tôi có chục năm theo nghề đóng giày. Sáng sáng, tôi làm lao động chân tay, tối lại sinh hoạt ở Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội cùng những người bạn như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Minh Ngọc. Sau này, chúng tôi mỗi người một ngả, tôi về Đoàn Kịch Hà Nội. Gia đình phản đối gay gắt tôi theo nghề diễn. Thế nhưng, tôi mê sân khấu lắm. Tôi còn nhớ có thời kỳ lương diễn viên được 47 đồng và mấy hào bồi dưỡng, vợ tôi cầm hết để lo cho con cái, gia đình sống chật vật. Tuy nhiên, nếu được làm lại, tôi vẫn nhất định chọn nghề này.
- Ông đã đóng hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ trên sân khấu, phim truyền hình. Vai nào vận vào số phận và tính cách của ông nhất?
- Tôi không nghĩ các vai diễn vận vào số phận, tính cách tôi. Tôi đặc biệt thích vai ông Thuật trong Kẻ không cầu may - một phim truyền hình đề tài chống tham nhũng, phát sóng năm 2000. Ông Thuật là cựu nhân viên một nhà máy xe đạp. Khi nhà nước cắt giảm biên chế, ông được phát cho một ít săm, lốp để sống. Ngày ngày, ông bơm vá xe đạp kiếm tiền. Một hôm, ông thích một vé xổ số nhưng lại thiếu hai hào. Ông dặn cô bán vé số chờ ông bơm nốt chiếc xe đạp này rồi quay lại mua. Thế nhưng, ông chưa kịp quay lại thì cô ta đã bán mất chiếc vé ấy. Đến tối, vé đó trúng độc đắc. Ông điên lên, vứt bơm xe đạp đi, gào thét và ngất. Mấy người xung quanh tưởng ông trúng giải cao nên xúm lại chăm sóc. Khi ông tỉnh lại, họ biết bị hớ và đuổi ông ra khỏi nhà trong lúc trời mưa gió. Ông bơ vơ trong lúc trời mưa to gió lớn rồi gặp nạn và qua đời. Tôi nghĩ vai ông Thuật gửi gắm thông điệp sâu sắc về sự an bài của số phận.
Ngoài ra, trên sân khấu, tôi thích vai nhạc công Mile trong vở Âm mưu và tình yêu của Sile. Dù xuất thân bình dân, ông luôn đấu tranh vì công lý.
- Hiện giờ, cảm xúc của ông mỗi lần đứng trước máy quay như thế nào?
- Khi đứng trước máy quay, tôi vẫn hồi hộp như ngày mới vào nghề. Lúc đó, tôi nghĩ mình là ông A, ông B chứ không phải Trần Hạnh nữa. Cảm giác đó sung sướng lắm. Tôi được sống nhiều cuộc đời khác. Việc nhập vai, nắm đường dây kịch bản với tôi không có nhiều khó khăn bởi cái nghề đã ăn sâu vào máu. Tôi gặp chút bất lợi vì mắt kém, nhiều lúc, tôi phải nhờ con dâu đọc giúp những trang kịch bản chữ nhỏ. Sau đó, tôi nhớ lại và diễn, nói chung, cách này khá vất vả.
- Chuyện thù lao đi diễn quan trọng với ông ra sao?
- Tôi không bao giờ đặt nặng chuyện thù lao. Ai mời tôi đi làm mà hỏi chuyện thù lao đầu tiên, tôi sẽ thẳng thừng từ chối. Tôi chỉ sợ mình làm không tốt chứ không sợ cátxê thấp. Sau khi tôi làm xong rồi, ai muốn đưa tôi bao nhiêu thì đưa. Tôi không mặc cả. Tôi cũng diễn tiểu phẩm, đóng video cho nhiều học sinh, sinh viên. Tôi gần như giúp đỡ các cháu.
- Ông từng được khen là một người rất lãng mạn trên sân khấu thời còn trẻ. Tính lãng mạn hào hoa ấy đi theo ông vào đời sống hàng ngày như thế nào?
- Trước đây, ông Lưu Quang Vũ có khen tôi diễn toát lên khí chất của người Hà Nội. Thực ra, trong cuộc sống, tôi không lãng mạn chút nào. Khi chưa lập gia đình, người khác giới nói chuyện bình thường với tôi thì được, nếu họ có ý định bày tỏ tình cảm, tôi sẽ né tránh. Tính cách tôi như vậy nên mẹ phải lừa tôi, mai mối cô hàng xóm. Hồi đó, tôi 23 tuổi, đang là công nhân thi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Một hôm, mẹ tôi đánh điện với nội dung: "Về ngay, mẹ sắp mất". Về đến nhà, gia đình bắt tôi lấy vợ. Kết hôn xong, ba ngày sau tôi lại đi công tác. Sau khi có gia đình, ai bày tỏ tình cảm tôi cũng tránh mặt ngay cho đỡ rách việc.
- Hiện tại, cuộc sống của ông thế nào?
- Tôi sống cùng vợ chồng con trai cả. 7h sáng, tôi ra trông cửa hàng cho con dâu ở ga Trần Quý Cáp (Hà Nội). 10h tối, hai bố con lại dọn hàng về. Nhiều năm trước, con trai út của tôi bị tai nạn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, phải nằm ở nhà. Gần đây, sức khoẻ cu cậu tốt hơn, chỉ thỉnh thoảng nhớ nhớ quên quên. Nó cũng hay ra bán hàng phụ giúp chị dâu.
Lương hưu của tôi được vài triệu, cộng với cátxê đi diễn là đủ dùng. Tôi hiếm khi kêu ca, cầu cạnh con cái. Chúng nó lớn cả rồi, phải lo cho cuộc sống riêng. Ngoài hai con trai, tôi còn ba cô con gái. Một cô ở Tạ Hiện, một cô định cư ở nước ngoài. Cô còn lại đã mất từ nhiều năm trước.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)