Người đi tiên phong
Cách đây vài hôm, ca sĩ Thanh Thúy, Phó đoàn Quân Khu VII có bảo tôi rằng bác Ánh Dương vào Sài Gòn thăm con gái, bị tai biến nằm viện. Tôi liên lạc với nghệ sĩ ưu tú Thu Giang, thì cô báo tin “bố em đã khỏe, đã về nhà”. Thu Giang nói: “Anh tới thăm, viết bài về bố em nhưng anh đừng nói là nhà báo nhé, vì từ lâu bố em không xuất hiện trên báo đâu”.
Nghệ sĩ ưu tú Thu Giang giờ là thượng tá, đoàn phó Đoàn nghệ thuật quân khu VII. Tôi biết Thu Giang từ những năm 1990, khi tôi thường tá túc trong khu tập thể của đoàn và Thu Giang là cô sinh viên thanh nhạc mới về đoàn. Nhạc sĩ Ánh Dương nguyên là trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật quân khu IV, nhưng lúc Thu Giang vào thi tuyển, ông không biết. Con gái rượu trúng tuyển với điểm số cao nhất, nhìn thấy tên, ông ngờ ngợ bảo với mọi người: “Chắc là cái Giang nhà mình!”.
Thu Giang học xong về Vinh thì bố cũng đã nghỉ hưu, song chúng tôi vẫn thường nghe mọi người dành những từ tốt đẹp nhất để nói về bác Ánh Dương mỗi ngày. Ngọn lửa nhiệt tình với công việc, với đồng nghiệp của bác vẫn luôn thôi thúc mọi người làm việc. Anh Văn Đồng, nghệ sĩ chơi guitar bass của đoàn nói với tôi rằng sở dĩ “Chào em cô gái Lam Hồng” đi vào lòng người là bởi vì âm điệu trong bài hát xuất phát từ thứ tiếng khu IV rất cổ, rất đặc biệt, nhấn nhá luyến láy độc đáo. Tính cách bác Ánh Dương cũng vậy, một con người mộc mạc và không màu mè.
Tôi được giới thiệu là bạn cũ tới thăm Thu Giang, bác đang nghỉ trên giường nhưng vẫn dậy tiếp chuyện. Câu chuyện cởi mở và bác như vẫn còn thấy quanh mình những kỷ niệm, những nhân vật, bạn bè một thủa chiến tranh.
Vẫn mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh và giọng nói điềm đạm, vui vẻ và cẩn trọng từng câu chữ, bác Ánh Dương bảo tôi: “Tôi đã đến lúc nghỉ, để cho người khác viết. Bạn bè của tôi lâu nay cũng không viết nữa”.
Nhạc sĩ Ánh Dương sinh năm 1935 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, trong một gia đình yêu văn nghệ. Anh rể của nhạc sĩ là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Minh Châu.
Lúc đi bộ đội, sinh hoạt văn nghệ trong đơn vị, anh chàng lính mới 18 tuổi nghe tin Triều Tiên đình chiến đã mừng rỡ viết một bài hát về đình chiến Triều Tiên để tập cho các bạn trong đơn vị sinh hoạt văn nghệ, từ đó được chuyển hẳn sang làm văn nghệ cho sư đoàn. Trưởng thành từ phong trào văn nghệ chống Pháp, năm 1955, ông được cử đi học về âm nhạc suốt 3 năm, do chuyên gia Triều Tiên trực tiếp giảng dạy, cho tới năm 1958 thì trở về phục vụ trong Đoàn Văn công quân khu IV - trải qua “10 năm sống trong khói lửa” để rồi viết nên bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” vào năm 1967.
Trong thời kỳ chống Pháp và thời kỳ đầu chống Mỹ, những người được học hành bài bản với chuyên gia nước ngoài không nhiều. Về Đoàn Văn công quân khu IV, mọi việc đều tới tay Ánh Dương, nào là ca sĩ giọng nam trầm hát đơn ca, tham gia hát bè, dàn dựng, phối khí, chỉ huy, sáng tác… ông đều làm cả.
Năm 1960, Ánh Dương viết bài “Hoa đào nở trên biên giới” được nhiều người yêu thích: “Kìa nghìn hoa đào đương đua nở/ Thắm khắp biên giới/ Có người bên suối nước trong/ Tiếng vọng bên rừng/ Nơi non ngàn...”. Ca sĩ Thu Giang cho tôi xem bản thảo của tác phẩm với nét chữ viết tay của bố và nói: “Đến giờ, khi đi biểu diễn, em hát bài này, mọi người vẫn thích nghe”.
Bác Ánh Dương nói: “Làm văn nghệ lúc đó làm cho vui, thích thì làm thế thôi, có ai nghĩ đến tiếng tăm gì đâu. Làm phục vụ thôi. Nó hay tự nó nổi tiếng”.
Nhiều người nghĩ rằng Ánh Dương là mẫu người nhạc sĩ chỉ viết một bài, đó là bài Cô gái Lam Hồng, như ngọn lửa bùng cháy một lần. Song thật ra không phải như vậy, nhạc sĩ viết khá nhiều và những tác phẩm của ông có công chúng riêng. Bác Ánh Dương nói: “Tôi viết bài Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam (1965) là một trong mười bài quy định mà toàn quân học thuộc trong thời chống Mỹ”.
Những ca khúc của ông được nhiều người biết tới như “Tiếng trống tòng quân”, “Tạm biệt em”, đặc biệt hợp xướng “Vinh quang quân khu chúng ta” (1958) đã vang lên trên các chiến trường khu IV.
Nghệ sĩ ưu tú Thu Giang và bản thảo thời chiến tranh của bố mình. Ảnh: T.N.A. |
Tác phẩm từ trong gian khổ sinh ra
Ít ai biết rằng tác phẩm “Chào em cô gái Lam Hồng” lại được viết ra trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh tại khu IV. Mỹ bắn phá ác liệt trên các tuyến đường và các mặt trận. Cũng đúng lúc ấy thì mọi người cần tiếng ca tiếng đàn của lực lượng văn nghệ hơn bao giờ hết. Các Đoàn văn công, trong đó chủ lực là đoàn Văn công quân khu IV có mặt trên các chiến trường để đem lại tiếng hát, đem lại niềm tin quyết thắng.
Bác Ánh Dương kể: “Thời kỳ đó, đoàn chúng tôi chịu rất nhiều tổn thất. Anh Nhiếp diễn viên múa, anh Văn là ca sĩ đã hi sinh vì bom”. Trầm ngâm, bác kết luận: “Khu IV gian khổ lắm, bom đạn bời bời như thế. Anh em văn công sẵn sàng hi sinh, dũng cảm lắm, hầu như không sợ chết là gì”.
Bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” được viết ra để ca ngợi những nữ thanh niên xung phong khu IV đội bom thù thông đường đưa xe ra chiến trường. Lúc ấy, một vấn đề tranh luận là nên lát đường bằng đá hộc để tránh bom đạn hư hại, hay lát đường bằng đá dăm cho xe dễ đi hơn? Nghị quyết của tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định dù gian khổ hy sinh thì chúng ta cũng phải lát đường bằng đá dăm, cho xe chạy ra chiến trường được êm hơn, những người lái xe đỡ bị xóc và xe sẽ chạy nhanh hơn ra chiến trường. Bởi vậy, bài hát mới có chi tiết: “Hoà tình em từ những viên đá nhỏ/Đêm đêm hát trên đường quê nhà/ Đường rộn ràng những chuyến xe qua/ Tình nghĩa quê em sáng tỏ như ánh trăng đêm rằm”.
Những trọng điểm địch bắn phá ác liệt thì người và xe phải khẩn trương di chuyển qua, bác Ánh Dương cũng vậy, những chuyến đi biểu diễn, phải nhận lệnh đưa đoàn văn công vượt nhanh qua khu vực địch rải bom. Thế mà có những người ngày đêm vẫn bám lấy mặt đường, để lấp hố bom cho xe đi nhanh qua mà không bao giờ rời khỏi cung đường ấy. Nhạc sĩ nhớ lại: “Các cô thanh niên xung phong luôn vui vẻ, lạc quan lắm! Lẽ ra chúng tôi phải động viên các cô ấy, thì họ lại động viên chúng tôi”.
Chất liệu dân gian
Nghệ sĩ ưu tú Thu Giang so sánh: “Thời nay, các đoàn nghệ thuật tham gia các hội diễn thường đi thuê mượn các nghệ sĩ ở Trung ương sáng tác dàn dựng, nhưng thời trước thì bố em và các nghệ sĩ trong đoàn tự dàn dựng, phối khí, để tạo ra nét riêng cho đoàn của mình. Cũng trong không khí tự lực cánh sinh làm nghệ thuật như thế ở khu IV mà bố em viết được nhiều tác phẩm”.
Nhạc sĩ Dân Huyền từng viết rằng: “Trong những năm kháng chiến cứu nước, mỗi lần Đoàn Văn công quân khu IV ra tập huấn ở Hà Nội, nhạc sĩ Ánh Dương đều thông báo cho tôi và nhạc sĩ Văn An (buổi phát thanh văn nghệ Quân đội) biết. Chúng tôi không chỉ đến thăm nhau mà còn đến nghe và xem chương trình của quê hương. Phải nói rằng Văn công Quân khu IV rất khéo kết hợp giữa kim và cổ, giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc hiện đại, đặc biệt là có nhiều bài hát sáng tác mới mang đậm chất dân ca Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình Trị, Thiên - trong đó ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” mà mấy năm liền chiếm được cảm tình của người nghe”.
Bác Ánh Dương tủm tỉm: “Ông Đỗ Nhuận vào Nghệ An công tác, nghe bài Chào em cô gái Lam Hồng, ông thích quá mới đem ra Hà Nội để thu âm phát lên đài phát thanh”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người có nhiều tìm tòi trong sáng tác, viết nhiều tác phẩm độc đáo. Ông đã sớm nhận ra nét độc đáo hiếm có của Chào em cô gái Lam Hồng, trước hết là tiết tấu bài hát này rất nhanh, rất khác lạ. Nhịp điệu lôi cuốn, có thể nói rằng chưa có tác phẩm nào mà âm nhạc lại mạnh mẽ lôi cuốn như tác phẩm này. Tiết tấu nhanh ngay từ đầu mà nét nhạc khúc chiết, chặt chẽ khiến cho tác phẩm dễ dàng gợi ra cảm hứng về đoàn quân vô tận đang vượt lên gian khó chi viện cho chiến trường.
Bác Ánh Dương tiết lộ, ông dựa trên một bài dân ca cổ của khu IV để viết tác phẩm để đời ấy. Bài dân ca có những câu: “Một quả này a xôi vò. Giúp cho một con lợn béo này ới a/ Để một vò một vò rượu tăm”. Bài dân ca này có tiết tấu rất sôi động, ca từ dí dỏm và kết cấu trùng điệp. Bởi vì vậy mà ngay từng dòng nhạc đầu tiên bài Chào em cô gái Lam Hồng đã có những tiết tấu rất rộn rã. Nhạc sĩ Ánh Dương đúc kết: “Nếu không có bài ca dao về quả xôi vò thì không thể có bài Chào em cô gái Lam Hồng”.
Khiêm tốn giản dị, yêu lao động, nhạc sĩ Ánh Dương không màng đến danh lợi. Ông luôn chỉ viết những gì ông thực sự thấy có ý nghĩa. Ông được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1969 và thời điểm đó là người duy nhất được kết nạp mà không phải trải qua thời gian dự bị. Nhạc sĩ nói: “Tôi cả đời sáng tác nhưng chỉ ưng ý chừng vài chục tác phẩm”.
4/2017
Nhạc sĩ Ánh Dương được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với 4 ca khúc gồm: “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam”, “Hoa đào nở trên biên giới”, “Phu cham xy” và thơ giao hưởng “Tượng đài chiến thắng”. Ông cũng được tặng huân chương quân công hạng ba, huân chương kháng chiến hạng nhất, huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất. |
Theo Trần Nguyễn Anh (Tiền Phong)