Khi nhắc tới Wepro ở thời điểm hiện tại, dù đang có những dự án show và phim ồn ào, gần nhất là công bố dự án điện ảnh Người Phán Xử, dù ai cũng tin rằng Wepro sẽ nguy hiểm hơn mỗi khi họ im lặng, thì người ta vẫn đang trông chờ lời hồi đáp từ CEO Quang Huy cho câu hỏi: "Ai sẽ là ngôi sao kế vị Sơn Tùng M-TP sau khi nam ca sĩ rời khỏi công ty?".
Quang Huy chưa có lời giải đáp cho câu hỏi này nhưng anh biết mình sẽ không tìm và phát triển talent theo cảm tính cá nhân nữa mà sẽ đặt tầm nhìn chiến lược của WEPRO lên hàng đầu. Bao nhiêu phần trăm khán giả quan tâm không quan trọng bằng bao nhiêu phần trăm kiến tạo nên một nền tảng bền vững cho công ty và ngành giải trí. Nói nôm na, người ta đến sân bóng có thể vì một ngôi sao nhưng họ ra về vì kết quả và sự hấp dẫn của bóng đá, WEPRO phải có chiến thắng đến từ chiều sâu chiến lược chứ không phải đến từ một ngôi sao. Câu chuyện của anh là phụng sự một đội bóng, một giải đấu chứ không cho một cá nhân nào. Anh cho rằng đó mới là cách tốt nhất để khi nghệ sĩ tìm đến với "đội bóng" của anh, họ chỉ việc "đá", những việc khác cứ để Quang Huy lo.
"Ở Wepro, dĩ nhiên cũng có rất nhiều nghệ sĩ trẻ muốn gặp tôi. Nhưng khi đã xây dựng một đội bóng mạnh thì mình cũng mong muốn tìm kiếm những cầu thủ chất lượng. Họ có chất lượng, chúng tôi sẽ cho họ thành công. Vì đơn giản, bạn muốn có đẳng cấp thì bạn phải có tố chất thì chúng tôi mới đào tạo".
Đó cũng là những gì Quang Huy nhìn thấy được khi gặp Sơn Tùng. Khi gặp Sơn Tùng, anh thấy rằng đây là "cầu thủ" có chất lượng và WEPRO có thể tạo đẳng cấp cho anh ta. Anh nghĩ với đẳng cấp của Sơn Tùng, thì những gì tạo nên phải là những cú vô lê như một bàn thắng của Zidane ở cúp C1 khiến người ta trầm trồ chứ không phải là cú ghi bàn của một trận giao hữu chẳng ai quan tâm. Sơn Tùng xứng đáng đá những trận cầu lớn và khán giả xứng đáng được nhìn thấy những trận cầu lớn, những cái đẳng cấp mà Việt Nam chưa làm được. Và nó là một cơ hội lớn hơn cho showbiz bởi showbiz phải có những hạt nhân như vậy. Và chúng tôi tạo ra những sân khấu lớn, sân bóng lớn cho anh ta phát huy những phẩm chất vàng của mình.
Anh nhắc lại câu chuyện khi quyết định muốn đồng hành cùng Sơn Tùng, bà xã anh - Phạm Quỳnh Anh rất lo lắng. Bởi thời điểm đó lộ trình Quang Huy vẽ ra về việc làm phim đang đi đúng quĩ đạo, với tâm lý người vợ và là người đồng hành 15 năm với công ty, cô lo lắng về việc sẽ có những điều không chắc chắn khi đầu tư làm việc với con người bởi tất cả những sự đổ vỡ đều không vui. Quang Huy bình tĩnh với vợ rằng anh cần 2 năm để chơi ván cờ này và muốn thử thách mình. Anh không biết vì sao có con số 2 năm kia, chỉ là anh nhìn ra: mình cần 2 năm với cuộc chơi này và Sơn Tùng phải trở thành số 1 Việt Nam.
Quang Huy nhìn nhận quá trình anh làm với Tùng, nhiều người nghệ sĩ cũng bị tổn thương vì thành công quá nhanh quá nguy hiểm của Tùng. Nhưng với tinh thần phụng sự, máu thể thao và tham vọng, anh biết những gì cả hai đang làm không chỉ là những dự án đơn lẻ, mà là mong muốn đang kiến thiết, thay đổi cả một cái ngành giải trí. "Khi thay đổi như thế, những người đang tổn thương sẽ không biết điều đó. Nhưng tôi không được sinh để làm cho người ta yêu mến mình, sứ mệnh của tôi là hành động và thay đổi. Thực ra tôi rất sướng, không phải vì người khác tổn thương mà tôi sướng vì thực ra họ được lợi mà họ không biết, nếu không có tôi hành động vào giai đoạn ấy, cát-sê ca sĩ vẫn còn ở cái trần rất thấp trước đấy", anh hào hứng kể.
"Người ta nói tôi buôn sỉ thì chịu chứ tôi nghĩ Tùng không nên bị buôn lẻ", đó là lời Quang Huy khẳng định về thời điểm anh nâng giá cát-sê của Sơn Tùng. Đó là một cú đánh cược táo bạo mà cả hai chấp nhận sự may rủi từ bài toán mà chính mình tự ra đề. Nhưng cả anh, cả Tùng đều đồng ý chơi trận này, không ai book cũng chịu, đã lên là không chấp nhận xuống.
"Phát đầu to, chấn động nhưng không có chấn thương. Mình kiên định, mình hiểu thị trường và có kỹ thuật xây dựng chiến lược giá đúng. Chẳng qua giá sàn thị trường do chúng ta định giá sai, do cảm tính, do phá giá vì cái lợi cá nhân và khách hàng họ quen cái sàn đó. Hồi xưa, tôi có nói: "Chừng nào mà những sân khấu Trống Đồng, 126 không còn thì nghệ sĩ Việt Nam mới lên". Khi nói câu đó, tôi biết rất nhiều người ghét mình vì ai cũng có định nghĩa rằng đó là nơi gắn bó kỉ niệm và công việc của nhiều người. Nhưng mình đâu thể xây tương lai bằng cách sống mãi trong quá khứ. Bây giờ nếu khán giả vô xem một đêm bỏ ra 80 - 100 nghìn, xong đặt bịch cóc, bịch ổi xuống giành ghế cho gia đình và có thể xem mặt hầu hết ngôi sao Việt Nam thì ai sẽ mua vé show tiền triệu để chúng tôi có cơ sở đầu tư lớn cho ngành? Khi mà ngôi sao thì quá dễ và quá rẻ để gặp.
Tôi hiểu rằng để phát triển, nó phải có tổn thương, chứ không làm hoa hậu thân thiện được. Thời gian làm cho Tùng thì mấy anh em thân thân cũng né ra chứ cũng có chơi được đâu. Người ta ghét mình vì mình đang đi đúng. Đúng ở đây không phải thước đo mà là một dấu hiệu. Giống như tập thể thao, khi tập bạn thấy đau nhức cơ tức là bạn tập đúng và phải tiếp tục tập thì nó mới hết đau rồi phát triển hình thể được, chứ đau rồi lại ngưng thì đâu vẫn vào đấy, không phát triển được. Tức là đó không phải tiêu chí chính, nhưng nó là một phần mình phải chấp nhận. Anh không thể muốn có con đường này mà đi con đường kia được. Bạn muốn thay đổi thì phải chấp nhận những thách thức", anh nói.
Và đến khi cuộc chia tay với Sơn Tùng xảy đến, Quang Huy cảm thấy tiếc nuối. Anh không khẳng định là nếu không đi cùng anh thì Tùng không thành công. Nhưng anh tiếc là còn muốn tạo thêm nhiều thứ để Tùng bay cao hơn. Anh tiếc cho Tùng bởi tài năng đó và mục tiêu đó phải có tầm. Cái tầm đó phải vượt qua tất cả những sân si, cạnh tranh và những gì đang hiện hữu trong thế giới này. Và Tùng hoàn toàn có thể được xây dựng một quỹ đạo riêng của mình.
"Tùng đang là người duy nhất chứ không phải hoàn hảo cho những gì nền âm nhạc Việt Nam phải có. Chính bản thân Tùng phải sáng hơn, showbiz cần nhiều Sơn Tùng hơn, nhiều Quang Huy hơn. Ở thời điểm đó, tôi không có dự định làm quản lý, mà Tùng là một ngoại lệ bởi Tùng có đầy đủ tố chất cá nhân để trở thành tượng đài nhưng đang được nhìn nhận như một ca sĩ chạy show tỉnh kiếm tiền lẻ, nên tôi muốn chính tay mình đúc nên tượng đài đó. Vì đó là Tùng, là ánh mắt đó, cơ mặt đó trên sân khấu và ngày đó Tùng là mẫu nghệ sĩ có chí tiến thủ chứ không phải kiểu nghệ sĩ lười suy nghĩ. Tôi không để tâm đến những thứ tào lao như là antifan hay mấy scandal. Vì ở bên cạnh Tùng nên tôi biết, sâu thẳm trong con người Tùng có một cái gì đó giống như một thiên thần vậy. Ít nhất Tùng vẫn đang rất sáng, showbiz có thể hi vọng vào Tùng được. Tùng chưa thể có đối thủ cạnh tranh đâu, còn lâu lắm".
Đối mặt với câu hỏi "Wepro có phải im lặng từ sau khi Sơn Tùng rời công ty?", Quang Huy lại tỏ ra bình thản "ngoài kia thiếu gì người muốn Quang Huy im lặng", vì anh hiểu suy nghĩ mà mọi người đang cho rằng Quang Huy và con tàu của mình đang chững lại thực ra là do công chúng đang nhận diện Wepro chỉ giới hạn ở lĩnh vực quản lý nghệ sĩ và nếu anh bớt quậy thì bầu trời showbiz lại yên bình cho những ai lười đột phá, yêu an toàn được yên ổn. Nhưng anh lại nhẹ nhàng chia sẻ công ty ở thời điểm này có hoạt động trên nhiều lĩnh vực: show, film, talent và agency.
Ngược thời gian về thời điểm 10 năm trước, Quang Huy nhìn nhận, vấn đề bắt đầu có từ đó nhưng vì giai đoạn phát triển mạnh mẽ, anh bỏ qua. Giống như một người trẻ khi bị ho thì không để ý, nhưng ở độ tuổi 50 thì đó lại là điều đáng lo. Chính nguồn năng lượng trẻ đó đôi khi lấp đi dấu hiệu cho biết mình đang yếu. Thêm vào đó, giữa giai đoạn trọng yếu, Quang Huy lại quyết định thay đổi bộ máy, chi tiền vào mảng xây dựng nguồn lực nhiều hơn là tiếp tục chăm chăm vào đầu tư dự án như trước kia. Bởi anh nhận thức, nếu công ty chỉ giỏi ở chuyên môn thôi thì nó mãi mãi là một nhóm người. Nó cần có một hệ thống để giúp công ty xem mạnh yếu chỗ nào để chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị những phương án để đi tiếp. Và đây cũng là một vấn đề mới phát sinh ngay tại điểm rơi.Rồi cho đến một lúc anh nhận ra, nếu công ty chỉ giỏi ở chuyên môn thôi thì nó mãi mãi là một nhóm người. Nó cần có một hệ thống và hệ thống đó sẽ giúp cho công ty xem mạnh yếu chỗ nào để chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị những phương án để đi tiếp. Thay vì trước kia làm ra tiền mình tiếp tục đầu tư vào dự án thì sau này anh bắt đầu chia tiền đầu tư vào mảng xây dựng nhiều hơn. Và đây cũng là một vấn đề mới phát sinh ngay tại điểm rơi.
Quang Huy dành tất cả những nguồn lực, tâm huyết của anh vào việc xây dựng hệ thống và đẩy nhanh nó. Giống như một đứa trẻ háo hức trước một trò chơi mới. Chính vì vậy, khi nhìn lại, anh thấy mình đã xây dựng một hệ thống bài bản một cách không có bài bản. Việc tiêu tốn thời gian, tiêu tiền cho kế hoạch đó đã làm mất cân đối cán cân tài chính của công ty: xây nhiều hơn thu. Đến khi anh ý thức được điều đó thì nó đã muộn, Wepro đang rơi tự do, và càng có quá nhiều vấn đề hơn là việc chỉ xây dựng hệ thống như lo đối mặt khủng hoảng kinh tế.
"Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng thế nào? Thứ nhất, thị trường show, quảng cáo, khách hàng bắt đầu họ ngưng, họ dồn ngân sách qua khuyến mại để kích sale. Thứ hai, thị trường truyền thống chết đi, băng đĩa, show bán vé chết đi mà thị trường mới chưa hình thành. Thứ 3, khủng hoảng như trời mưa, nó rơi xuống càng nhỏ giọt thì càng lâu thấm xuống dưới. Lúc đó, những ông lớn phía trên là bị ảnh hưởng trước tiên. Ông nào hoạt động dưới dạng nhỏ, mà linh hoạt thì không bị ảnh hưởng. Nếu như tôi không bị sa đà trong việc xây dựng lại hệ thống thì có khi với sự tinh quái của mình và qui mô công ty nhỏ thì vẫn qua được. Tại vì xây dựng hệ thống tối kỵ nhất là thay đổi đột ngột, mà tôi lại mắc vào cái tối kỵ đó. Ở thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế sẽ không ảnh hưởng đến người nghệ sĩ tại vì cá nhân một ca sĩ cho dù một tháng kiếm được bao nhiêu tiền thì chung quy họ vẫn có lãi, chi nhiều thu nhiều, chi ít thu ít. Còn đối với một công ty khi mà thị trường bị rớt thì chi phí ảnh hưởng nặng quá", anh chia sẻ.
Quang Huy nhận mình là một người thích nghi rất nhanh, nên khoảnG thời gian khủng hoảng, điều đau khổ nhất không phải là anh không có tiền, mà là mắc nợ Wepro. Vì điều gì? Vì anh tự xem mình là một phần của Wepro chứ không phải là chủ của nó. Vì anh thương fan, thương cái niềm hạnh phúc, tự hào của họ dành cho mỗi sản phẩm mà Wepro làm ra. Đó là lý do anh ôm món nợ tinh thần này vào người, suốt cuộc đời.
Lúc đó, Wepro như một đứa con bị yếu. Quang Huy đối mặt với hai lựa chọn: chấp nhận đóng cửa công ty để bảo vệ tài sản riêng, hoặc bán tài sản để giữ công ty. Vì người ta bán nhà để cứu con chứ không ai bán con để làm giàu, cuối cùng anh chọn giữ lại công ty.
Từ 15, 16 tuổi, Quang Huy nghĩ đến việc bỏ học. Anh muốn làm một điều gì đó giống như những ca sĩ ngôi sao tỏa sáng. Rồi anh đi diễn, chơi nhạc cho nhiều sân khấu lớn cùng các anh em. Lúc đó, anh kiếm tiền rơi vào hàng top so với bạn đồng trang lứa, lại nổi tiếng được nhiều người biết đến nên cũng bị hào quang ánh đèn sân khấu hấp dẫn. Nhưng dần dần, Quang Huy nhận ra mình không thể phát triển được con đường này, ý thức được mình phải là người đứng đằng sau ánh đèn. Anh thích quá trình người ta làm việc để tạo nên một sản phẩm hơn là anh thấy mình đứng trên sân khấu.
Suy nghĩ đó đến từ một lần ngồi ở hàng ghế khán giả, xem thành quả của anh em trong đoàn. Quang Huy đặt con mắt của một người đã được chứng kiến hết quá trình tạo nên show đó: từ lúc tập đến lúc chạy chương trình, hình dung được tất cả những gì ở phía sau cánh gà hậu trường đang chạy... Anh bỗng thấy mình may mắn hơn tất cả những người diễn chương trình và cả khán giả đang ngồi xem. Vì với vị trí này, anh thấy được từ trước đến sau những gì đang diễn ra. Điều mà trước đây khi đứng trên sân khấu, anh không thể biết có những gì xảy ra ở dưới hàng ghế khán giả. Sau lần đó, anh biết mình phải là người tạo ra cuộc chơi chứ không phải là người đứng chơi, anh sẽ không thể nào là cầu thủ được.
Bán tài sản cứu công ty, gác lại hào quang rút về hậu trường là số ít trong những câu chuyện từ bỏ mà Quang Huy chia sẻ về cuộc đời mình. Và những lần dám liều mình để đưa ra quyết định như thế đã sinh ra một kiện tướng quyết liệt với chiến lược và thành tựu đáng gờm cho làng giải trí Việt.
Chính vì thế, khi nhắc về Quang Huy, người ta vẫn nghĩ anh là người có cái đầu lạnh, mang quá nhiều ủ mưu, tư duy kinh doanh vào trong công việc làm nghệ thuật của mình. Không ít quan điểm cho rằng các nghệ sĩ làm việc với Quang Huy sẽ bị "chèn ép", "nắm đằng chuôi", "giật dây" hay dùng scandal... Quang Huy lại đối mặt với ý kiến này khá bình thản vì anh cho rằng những gì đến từ dư luận là những câu chuyện không kiểm soát được vì chẳng có ai biết sổ sách nhà mình để kết luận như vậy.
"Nếu đó là một thông tin hành lang mình không phải trả lời, còn nếu đó thực sự là một vấn đề trăn trở và có thiệt thòi cụ thể nào đó thì chúng ta hãy nói chuyện với nhau. Tôi sẵn sàng đối diện. Từ ngày sinh ra tôi chưa bao giờ thích tiền hết, tôi thích nhìn giá trị công việc của mình hơn. Tôi không muốn lấy tiền trong túi ai, mà muốn tạo ra một cái thị trường mà chúng ta cùng kiếm được. Nếu nói tôi chèn ép người khác thì phải hỏi lại họ có bao nhiêu tiền để anh trả được cho cái đầu của tôi? Nghệ sĩ đến với tôi, ngoài chiến lược tôi còn có cả hướng dẫn họ tích lũy tài sản, sử dụng tài chính và họ luôn luôn có những gì họ xứng đáng.
Còn nếu dư luận cho rằng những đột phá những thành quả mà Wepro có được là do tạo scandal thì tôi yên tâm với họ, vì họ sẽ chẳng thể là đối thủ của tôi và đành phải bất lực lý giải về tôi bằng cách đó. Cách dễ nhất để đi qua một cơn đau là yếu tố tinh thần, và cách đơn giản nhất để lý giải vì sao mình thất bại là tấn công cá nhân người chiến thắng mình. Như khi cá độ thua bạn lại lý giải là người khác chiêu trò, biết người ta chiêu trò thì sao bạn không bắt độ ngược lại? Đơn giản", Quang Huy nói.
Bản thân anh cũng không biết tại sao tiền sử lúc khởi nghiệp tới giờ đã có rất nhiều scandal. Nếu dùng duy tâm thì đó là số phận, nếu duy lý thì đơn giản là mình muốn khắc nghiệt, mình muốn dẫn đầu thì mình phải chấp nhận. Khi chấp nhận đi một con đường mới thì cần phải có cái gan, có sự sẵn sàng để gặp bất trắc. Đi một con đường tạo ra quá nhiều những giới hạn mới, chắc chắn phải có sóng gió. Nếu mình sợ quá thì thôi thà mình quay về con đường an toàn. Đó là cách anh chấp nhận.
Wepro ở tuổi 15, talent của Quang Huy chỉ cần ra sân và thi đấu, anh tuyên bố Wepro có tất cả hệ thống để talent của anh toả sáng trên mọi mặt sân, mọi giải đấu. Vì thế, để trở thành cầu thủ của Wepro thì talent đó phải có đủ tố chất để trở thành số 1.
Quang Huy nhìn nhận, có hai điều khác biệt giữa Wepro cách đây 10 năm và Wepro ở thời điểm hiện tại đó là: Cùng một giai đoạn của sự im lặng, cách đây 10 năm thì sự im lặng là có vấn đề vì toàn bộ bộ máy phụ thuộc cả vào nghệ sĩ, không có nghệ sĩ thì không làm được việc gì. Nhưng thời gian này khi nó im lặng ở một mảng nào đó, thì lại là câu chuyện mà anh có chủ đích.
Anh ví công ty giải trí của mình giống như hành trình của một đoàn tàu đi từ Nam ra Bắc. Trên con đường đến chặng cuối thì nó phải dừng rất nhiều trạm. Ở mỗi chặng dừng, dù có hành khách ít hay nhiều, hay thậm chí không có khách thì nó vẫn phải đi mới ra đến Bắc được. "Có thể ở thời điểm này chúng ta không có đủ khách nhưng phải đến chặng tiếp theo thì mới có khách lên. Nếu chúng ta không đi tiếp thì người cần ở trạm đó đâu có lên được tàu?", anh đặt câu hỏi ngược lại.
Chính vì vậy câu chuyện của người ngoài có thể thấy đoàn tàu có lúc không có khách nhưng câu chuyện của Quang Huy là đoàn tàu vẫn cứ phải đi. Và ngoài lĩnh vực quản lý nghệ sĩ, thì 3 mảng còn lại là chìa khóa anh chọn để đảm bảo được yếu tố nhiên liệu, độ bền vững của máy móc duy trì đường dài của đoàn tàu. Đó là điều anh muốn cân bằng chứ không chỉ chăm chăm vào một mảng như trước đây.
"Wepro đã xây dựng trở thành đoàn tàu chạy đươc nhờ sự ổn định và chúng tôi xây dựng Wepro là doanh nghiệp làm giải trí, những nghệ sĩ tạo nên nghệ thuật kinh doanh giải trí chứ không phải những nhóm người làm việc theo cảm hứng. Tôi tự tin là Wepro đang là kẻ tiên phong, nó thực sự là một doanh nghiệp có đầy đủ những bộ phận để duy trì và phát triển chứ không phải là đợi khi nào có người lên tàu thì lúc đó chúng tôi mới vận hành.
Không phải Wepro không cần nghệ sĩ nhưng Wepro cũng có cái chuẩn nghệ sĩ riêng. Việc đầu tiên mình muốn người ta đạt tới chuẩn thì mình cũng phải có giá trị. Wepro phải hoạt động để tới những trạm tiếp theo, có hành khách là những nghệ sĩ bước lên thì nó sẽ chủ động đi tiếp, chứ không phải là để khi người ta bước lên rồi mới bắt đầu chuẩn bị sửa sang lau chùi dọn dẹp bụi bặm rồi quay qua hỏi nhau: Ủa thế mình đi đâu?".
Theo Nhật Duy (Trí Thức Trẻ)