So với năm ngoái, cuộc đấu phim Việt mùa Tết năm nay sôi động hơn hẳn khi có đến bốn dự án chốt lịch ra rạp. Phòng vé nhanh chóng ghi nhận kỷ lục mới khi Mai (Trấn Thành đạo diễn) trở thành phim Việt đạt 200 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời.
Đáng tiếc, lần đầu trong lịch sử điện ảnh nước nhà, có đến hai tác phẩm vừa phát hành đã phải tuyên bố rút rạp, đó là: Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường) và Trà (Lê Hoàng).
Thị hiếu của khán giả cũng có nhiều thay đổi. Phim hài, phim có nhiều cảnh nóng không còn là chiêu bài truyền thông, gây tò mò hay thu hút người xem như trước.
Hai phim Việt rời rạp chóng vánh
Trà và Sáng đèn chốt lịch phát hành mùa Tết khá muộn màng, nhưng lại là những cái tên tuyên bố rút rạp sớm nhất. Ê-kíp đưa ra những lý do khác nhau để giải thích cho quyết định của mình.
Sau hai ngày chiếu Tết, nhà sản xuất Sáng đèn dời lịch chiếu phim sang giữa tháng 3 với lý do mong muốn tiếp cận đông đảo khán giả hơn. Một ngày sau đó, ê-kíp Trà cũng chọn hướng đi tương tự vì “một vài lý do bất đắc dĩ”.
Thực tế, cả hai đều không tạo được hiệu ứng tốt với khán giả khi ra mắt. Sáng đèn thu chưa đến 1 tỷ đồng với suất chiếu và lượng vé bán ra ít ỏi. Trà cầm cự được lâu hơn nhưng cũng chỉ đạt 1,6 tỷ đồng. Cả hai đều ở mức rất thấp so với mặt bằng chung phim Việt, chưa bàn đến thời điểm Tết.
Từ khâu quảng bá còn sơ sài đến việc rời rạp chóng vánh cho thấy cả hai dự án chưa có sự tính toán cẩn trọng trong việc đưa phim ra rạp. Nhiều khán giả thậm chí còn không biết sự tồn tại của Sáng đèn hay Trà. Cả hai cứ thế lặng lẽ “bốc hơi” khỏi rạp chiếu.
Giá như ê-kíp sáng suốt hơn, sẽ không vội vã đưa phim ra rạp mùa Tết để rồi phải chạm mặt với những cái tên như Trấn Thành, Nhất Trung.
Việc phim phát hành rồi bất ngờ rời rạp là điều rất đáng tiếc, dù vì bất cứ lý do gì. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi ê-kíp, khán giả cũng sẽ có sự lưỡng lự nhất định khi quyết định ra rạp khi phim tái phát hành.
Phim hài không còn được ưa chuộng
Hai trong bốn phim Việt tuyên bố rút rạp khiến mùa Tết chính thức trở thành cuộc đấu tay đôi giữa Mai và Gặp lại chị bầu (Nhất Trung).
Cả hai dự án thuộc những thể loại khác nhau, phong cách đạo diễn cũng khác nhau. Mai thuộc thể loại chính kịch, tâm lý với câu chuyện hơi hướm chính kịch, nhiều nút thắt tạo bất ngờ và lấy nước mắt khán giả.
Gặp lại chị bầu làm nổi bật tình cảm gia đình, tình mẫu tử, nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là hài, cài cắm nhiều tình tiết gây cười.
Trước đây, phim hài vốn là món ăn được khán giả Việt ưa chuộng vào các dịp lễ, Tết. Nhiều đạo diễn chủ động làm phim hài để chiếu Tết. Ngay cả các dự án thuộc thể loại khác cũng phải có yếu tố gây cười để hút khách.
Năm nay, thực tế cho thấy dự án Trấn Thành cầm trịch đang bỏ xa phim của Nhất Trung trên đường đua phòng vé. Tính đến hiện tại, Gặp lại chị bầu chưa chạm đến con số 50 tỷ đồng, trong khi doanh thu của Mai đã cao gần gấp năm lần dù được đánh giá là nặng về bi kịch.
Không lâu trước Tết, phim hài Trên bàn nhậu dưới bàn mưu cũng có thành tích phòng vé kém ấn tượng dù quy tụ dàn sao gồm Kiều Minh Tuấn, Thúy Ngân, Diệu Nhi… Điều đó cho thấy phim hài không còn là món ăn hấp dẫn với khán giả như thời hoàng kim, hiện bị các thể loại khác đánh bật.
Cảnh nóng không còn là chiêu câu khách
Dự án bị đánh giá thấp nhất trong mùa Tết năm nay là Trà của Lê Hoàng. Tác phẩm nhận nhiều lời chê từ phía giới chuyên môn lẫn khán giả vì kịch bản ngớ ngẩn, thông điệp và diễn xuất đều có vấn đề.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây là “thảm họa” đầu tiên của phim Việt trong năm 2024.
Đặc biệt, phim có nhiều cảnh nóng phản cảm, gây ức chế với người xem. Trước đó, ê-kíp tiết lộ phim phải trải qua ba lần kiểm duyệt trước khi ra mắt, bị cắt đến 70% cảnh nóng so với ban đầu.
Song, cảnh nóng không giúp phim hấp dẫn hơn, cũng không lôi kéo được khán giả ra rạp. Trái lại, các phân đoạn này còn khiến dự án bị quay lưng.
Khi Sáng đèn và Trà tuyên bố rút khỏi rạp, khán giả có những phản hồi khác nhau. Phần lớn cho rằng ê-kíp Sáng đèn có lựa chọn khôn ngoan, hy vọng phim có cơ hội tỏa sáng khi trở lại.
Trong khi đó, đa số ý kiến cho rằng phim của Lê Hoàng không nên quay lại rạp vì khó có thể được đón nhận. Ngay cả khi được chỉnh sửa, tác phẩm cũng khó thoát khỏi cái mác “thảm họa”.
Nhìn chung, số phận khác biệt của các phim Việt nêu trên cho thấy Tết không còn là mùa phim “dễ ăn”. Nếu không có sự đầu tư và tính toán cẩn thận, các dự án khó thoát khỏi cảnh ế ẩm, phải nhanh chóng rời rạp trước sự khốc liệt của thị trường.
Theo Minh Nhật (Tiền Phong)