Muốn đến với một trong bốn kinh đô thời trang lớn trên thế giới (London, Paris, New York, Milan), trước hết bạn phải có tiền. Đó là khẳng định của hầu hết người mẫu Việt khi được hỏi về kinh nghiệm chinh chiến sàn catwalk quốc tế.
Nói như Chà Mi, việc đi nước ngoài là một "canh bạc cuộc đời", người mẫu thời trang có thể sẽ chết chìm trong hàng nghìn con sóng hoặc là cố tồn tại để gặp thời.
Phải ăn uống tiết kiệm nếu không muốn mắc nợ
Á quân Vietnam's Next Top Model 2017 cho biết hàng ngày người mẫu đều đau đầu suy nghĩ về tiền nhà, tiền điện thoại, chi phí đi lại và tiền in comcard (danh thiếp) để đi casting.
Hiện, Chà Mi làm việc tại London, Anh quốc và mỗi ngày cô tiêu tốn 40 bảng Anh cho chỗ ở. Sau một tháng, tổng số tiền nhà phải trả lên đến 1.200 bảng - tương đương khoảng 38 triệu đồng.
Chân dài Trang Phạm, từng tham gia London Fashion Week và Milan Fashion Week, tâm sự tài chính luôn là một trong những vấn đề khắc nghiệt người mẫu phải đối mặt. Trong mùa đầu tiên ra nước ngoài, do chưa quen thị trường, người mẫu dễ lâm vào tình trạng mắc nợ, may mắn thì mới hòa vốn.
"Khi quyết định đi Anh, tôi đã có chiến lược tích cóp tiền từ ở nhà, không kén chọn show. Năm đầu đến London, tôi phải chi trả khá nhiều cho tiền ăn ở, đi lại. Tôi ở nhà thuê với giá 200 bảng Anh mỗi tuần, tức là 1.600 bảng sau hai tháng, một con số không nhỏ chút nào".
Trang Phạm kể đến mùa thứ hai tham gia London Fashion Week, cô được agency (công ty đại diện) hỗ trợ tìm chỗ ở với mức giá "mềm" hơn. Tuy vậy, ngay cả khi ăn tiết kiệm, tiền chi tiêu trung bình mỗi ngày vẫn là một triệu đồng. Theo cô, nếu không có show, không có những công việc khác, chắc chắn người mẫu lỗ vốn.
"Mỗi chuyến đi bạn cần khoảng 50 triệu đồng, chưa kể tiền vé máy bay. Bạn gần như không thể bám trụ ở thị trường trong 1-2 năm, cùng lắm chỉ kéo dài 3-4 tháng. Năm đầu chỉ cần hòa vốn là bạn đã rất may mắn. Đừng kỳ vọng sẽ kiếm lời ngay từ mùa đầu tiên, bạn phải cho đi trước, sau đó mới nhận lại".
"Từ những mùa sau, mình đã quen với thị trường, mình biết chi tiêu sao cho hợp lý nhất. Hơn nữa, mình có thể chủ động liên hệ với nhà thiết kế để tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Agency có rất nhiều người mẫu, họ không thể ưu ái bạn mãi mãi", chân dài Việt tâm sự.
Cô nói thêm: "Người mẫu phải chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng nếu muốn trụ vững, chứ không chỉ đơn giản là chuyện bạn đi ra nước ngoài, có một vài hình ảnh để cho thấy tôi đã đi. Đó chỉ là bề nổi".
Đồng quan điểm với Chà Mi và Trang Phạm, Đỗ Hà chia sẻ tài chính là trở ngại lớn khiến nhiều người mẫu muốn tham gia tuần lễ thời trang quốc tế nhưng không thể. Bản thân cô khi đến Milan, Italy hai mùa liên tiếp 2015 và 2016 đều ở nhà thuê do agency cung cấp với mức giá cao hơn thị trường.
"Tôi chỉ ở đó một tháng, trong khoảng thời gian diễn ra fashion week, vậy mà tiền nhà đã lên đến hàng chục triệu. Ở nơi đất khách quê người, bạn phải chấp nhận. Để nói làm giàu khi đi diễn quốc tế thì rất khó, nhưng người mẫu ai chẳng muốn đi đây đi đó, được đến các kinh đô thời trang lớn như Milan, London, New York".
Hơn nữa, theo Trang Phạm, rủi ro có thể ập đến với bạn bất cứ lúc nào nơi trời Tây, nhất là khi bạn ở chung với nhiều chân dài quốc tế khác. Vì thế, cô luôn đề phòng, cất giữ giấy tờ cá nhân, thẻ tín dụng cẩn thận.
"Ở model house, chuyện chơi xấu không phải là không có. Một người bạn tôi quen từng bị bạn cùng phòng lấy cắp thẻ tín dụng và tiêu hết tiền. Khi sang Italy, đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, tôi phải gửi trước cho bạn mình ở Việt Nam 20 triệu để nếu mất thẻ, tôi còn có cách xoay xở. May mắn tôi gặp được những người bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ mình học thêm tiếng Anh, thậm chí rủ đi casting cùng".
Bị nhà thiết kế loại ngay trong chớp mắt
Thị trường thời trang nào, dù lớn hay nhỏ, vẫn có sự cạnh tranh giữa các người mẫu với nhau để tìm cho mình một chỗ đứng. Nhưng cạnh tranh ở môi trường quốc tế khốc liệt hơn nhiều lần. Theo miêu tả của Trang Phạm, để vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mẫu đến từ khắp nơi trên thế giới, đó thực sự là cuộc đấu trí.
"Thế giới có nhiều công ty người mẫu, nhưng không dễ để vào được agency lớn. Nếu gia nhập agency nhỏ, cơ hội của bạn sẽ rất hạn hẹp, người ta không biết đến bạn nhiều. Thị trường người mẫu rộng lớn, mình giỏi thì vẫn có người giỏi hơn. Để thích nghi và tồn tại được, mình phải làm sao để giỏi hơn nữa", chân dài Việt bộc bạch.
Còn Thùy Trang, top 4 cuộc thi Vietnam's Next Top Model 2011, mẫu Việt hiếm hoi tham gia Paris Fashion Week, cho hay tỷ lệ cạnh tranh của thị trường quốc tế là một chọi hàng trăm, hàng nghìn. Chính vì vậy, để có được show diễn, ngoại hình đẹp chưa phải tất cả, yếu tố may mắn chiếm hơn 50%.
"Mỗi buổi casting, chúng tôi phải cố gắng đến thật sớm để được cast trước, thì cơ hội cũng sẽ nhiều hơn. Và đặc biệt, bạn phải hiểu nhà thiết kế là ai, đối tượng khách hàng của họ như thế nào để thể hiện bản thân cuốn hút, phù hợp nhất. Điều này có thể coi là vinh quang nằm trong tay kẻ khôn ngoan nhất", chân dài 8X nói.
Một yếu tố khắc nghiệt nữa ở các kinh đô thời trang lớn - nơi mỗi năm lại có hàng trăm người mẫu mới đổ về - là bạn có thể bị nhà thiết kế hoặc nhãn hàng gạch tên, loại khỏi cuộc chơi ngay trước buổi diễn.
"Không có gì là chắc chắn cho đến khi bạn bước lên sàn catwalk. Tôi từng mất show vài lần ở Milan dù đã casting và thử đồ xong. Người ta sẵn sàng thay thế bạn bằng một gương mặt mới. Ngay cả một show nhỏ, mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Có những ngày bạn thức dậy từ 4, 5h để lao đi casting nhưng cuối cùng không được chọn", Đỗ Hà chia sẻ.
Trang Phạm cho biết việc bị hủy show bất ngờ như vậy cũng khiến cô stress nặng. Ở Việt Nam, số lượng người mẫu không thay đổi nhiều, những chân dài đã có tiếng nhiều khi không cần casting.
Nhưng ở London thì khác, người mới liên tục xuất hiện. Như một điều tất yếu, bạn phải đến casting để cho nhà thiết kế thấy bạn muốn tham gia trình diễn cho họ.
"Nếu có thể vượt qua được những khắc nghiệt, những khó khăn đó, bạn sẽ trở thành một người bản lĩnh. Bạn sẽ biết mang giá trị thật của mình đến với các nhà thiết kế để khẳng định năng lực bản thân", Trang Phạm bày tỏ.
Theo Hà Hiền (Tri Thức Trực Tuyến)