Trong bản tin “Chuyển động 24h” trưa ngày 5/8, VTV24 đã lên sóng chủ đề "Bội thực hoa hậu" thu hút sự chú ý của khán giả.
Mở đầu, phóng viên hóa thân vào vai Hoa hậu Trí khôn Việt Nam 2023 đang trả lời phỏng vấn. Khi được hỏi "thức uống yêu thích nhất", người đóng vai Hoa hậu Trí khôn liền trả lời: "Em thích nhất là trà sữa vì khi uống trà sữa mình rất giống với các bạn đồng trang lứa".
Nhắc tới quan điểm "Gió tầng nào gặp mây tầng đó", cô hoa hậu này liền đáp: "Khi nghe đến câu này nhiều người nhầm lẫn, chỉ chú trọng đến từ mây và gió nhưng theo em từ quan trọng nhất là tầng. Có rất nhiều tầng như hạ lưu, trung lưu và rất nhiều người muốn vươn đến tầng thượng lưu nên quan trọng nhất là phải xác định được mình đang ở tầng nào chứ không phải là mây và gió".
Đặc biệt nhất là câu hỏi: "Bạn sẽ làm gì khi bị đề xuất tước vương miện?", cô gái cho hay: "Ơ không ạ, vương miện rất cứng chứ không mềm như mía để nói tước như tước xơ đâu ạ. Thế nên theo em vương miện là không thể tước được".
Sau tiểu phẩm ngắn này, BTV Thư Hiền của “Chuyển động 24h” phát biểu:"Vừa rồi là một cuộc trò chuyện giả tưởng giữa một phóng viên và một hoa hậu. Tôi xin được mạn phép hỏi với cuộc thi Hoa hậu Trí khôn Việt Nam, yếu tố Hoa hậu quan trọng hơn hay Trí khôn quan trọng hơn?
Tôi nghĩ rằng Hoa hậu dường như là từ bao hàm đủ các phẩm chất xinh đẹp, thông minh, nhân hậu còn từ phía sau chỉ là một cụm từ đi kèm để khi xin giấy phép cho đỡ trùng.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có đến 30 cuộc thi hoa hậu, 1 năm có 30 hoa hậu và 60 á hậu cùng hàng chục người đẹp có danh hiệu khác. Nếu tính cột mốc 2022 là năm lạm phát hoa hậu thì 10 sau, tức năm 2032, Việt Nam sẽ có ít nhất 300 hoa hậu, hơn 600 á hậu và hơn 3000 người đẹp đạt các giải phụ. Phổ cập hoa hậu khi đó không còn là câu nói bông đùa".
Tiếp đó, BTV Thư Hiền nhắc đến một nàng hậu vừa đăng quang chưa đầy 2 tuần đã bị lập group anti fan 500 nghìn thành viên cùng hàng loạt yêu cầu tước vương miện: "Việc khán giả tức giận có phải đơn thuần từ sự thiếu khiêm tốn trong các câu trả lời của cô gái hay còn nguyên nhân nào khác nữa? Tôi nghĩ một phần còn từ việc bội thực và những cái tên dành cho hoa hậu".
BTV Thư Hiền cho rằng công thức đặt tên chung cho các cuộc thi Hoa hậu là từ Hoa hậu, tiếp đến một lĩnh vực nào đó và từ Việt Nam. Việc đi kèm từ Việt Nam vào các tên gọi hoa hậu khiến khán giả khắt khe hơn khi đánh giá thí sinh vì cho rằng người mang vương miện là đại diện cho nhan sắc, giá trị của phụ nữ Việt.
Bên cạnh đó cách đặt tên cuộc thi cũng khiến các thí sinh lầm tưởng về phạm vi của danh hiệu, cho rằng mình là đại diện sắc đẹp của dân tộc mà quên rằng mình chỉ là thí sinh phù hợp nhất trong cuộc thi đó.
Bản tin còn dẫn lại câu trả lời ứng xử của Hoa hậu Hà Kiều Anh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1992. Năm đó dù mới 16 tuổi nhưng cô đã nhận giải Thí sinh trả lời ứng xử hay nhất.
Với câu hỏi "Người đoạt vương miện cuộc thi này theo bạn đã là người đẹp nhất nước ta chưa?", Hà Kiều Anh đã trả lời: "Người đoạt vương miện hoa hậu lần này chỉ là người đẹp nhất trong tất cả những thí sinh đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Trong cả nước ta và ngay cả những bạn gái đang ở hàng ghế dưới kia có rất nhiều người đẹp nhưng vì một lý do nào đó các bạn không tham gia cuộc thi này".
BTV Thư Hiền cũng dẫn lời bình: "Được mùa thì mất giá - cứ tưởng rằng câu nói này chỉ đúng trong lĩnh vực nông nghiệp bây giờ lại rất đúng với tình trạng bội thực hoa hậu. Khán giả đòi tước vương miện nhưng vương miện đâu chỉ ở trên đầu mỹ nhân mà còn ở trong lòng khán giả".
Theo Tùng Lâm (Nguoiduatin.vn)