Phim Kiều là tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Trái với những kỳ vọng từ nhà sản xuất, dự án điện ảnh sau chưa đầy một tuần công chiếu đã nhận nhiều ý kiến tranh cãi về chất lượng nội dung phim. Doanh thu phim sau 5 ngày công chiếuđạt xấp xỉ 2,3 tỷ đồng - một con số rất thấp so với mặt bằng chung của phim Việt. Đạo diễn Mai Thu Huyền đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Đoàn phim sốc, không hiểu chuyện gì xảy ra!
- Phim Kiều ra mắt chưa đầy một tuần đã vấp phải nhiều ý kiến tiêu cực, thậm chí bị gắn mác thảm họa, chị có phản hồi lúc này?
Trong những buổi ra mắt ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, đoàn rất vui khi nhận được ý kiến của các nhà chuyên môn. Họ là những đạo diễn, biên kịch, nhà Kiều học nhận xét rất tích cực về phim khiến tôi yên tâm phần nào. Tất nhiên để nói một bộ phim hay hay dở là do cảm nhận mỗi người, tôi hoàn toàn tôn trọng những góp ý.
Thế nhưng tôi hoàn toàn bị choáng vì đọc được những bài viết với lời lẽ quá cay nghiệt. Cả ê-kíp, dàn diễn viên đều sốc, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Phim là thành quả của cả một tập thể hàng trăm con người, bao nhiêu công sức, tiền của, mồ hôi và nước mắt. Tôi đồng ý tác phẩm sẽ có cái dở, cái chưa tốt và những điều chưa làm được. Nếu nhận xét, phê bình mang tính xây dựng chúng tôi luôn cầu thị tiếp thu và sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng việc dùng những câu từ nhằm dìm chết một bộ phim theo tôi quá tàn nhẫn.
- Trước những ý kiến tiêu cực, doanh thu và suất chiếu của phim đến nay bị ảnh hưởng ra sao?
Khán giả bây giờ có thói quen trước khi ra rạp sẽ đọc review. Rõ ràng chúng tôi bất lợi khi những thông tin về phim hiện nay đều là chê bai, chỉ trích.
Phim vẫn đứng top 2 phòng vé trong những ngày đầu ra mắt. Số lượng người quan tâm và đặt vé qua nền tảng trực tuyến khả quan. Tuy nhiên khi các bài viết chê bai ồ ạt được đăng tải đã kéo phim xuống top 7,8. Nhiều rạp cũng đồng loạt cắt giảm suất chiếu vì khán giả không còn mặn mà đến xem.
Kiều được đầu tư rất lớn về bối cảnh, phục trang. Theo tính toán của chúng tôi muốn hòa vốn phải đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Điều này rõ ràng rất khó với tình cảnh hiện tại.
- Phần lớn ý kiến chê phim vì xây dựng câu chuyện khác biệt lớn so với nguyên tác, kịch bản rời rạc, chắp vá, đặt vấn đề nhưng không giải quyết ổn thỏa. Chị lý giải ra sao?
Ngay từ đầu chúng tôi đã nhắc lại rất nhiều lần về việc phim không phải chuyển thể từ nguyên tác. Chúng tôi đã lựa chọn thể loại cổ trang - Fantasy để ê-kíp có thể sáng tạo mà không bị lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể. Việc chuyển từ thơ văn sang điện ảnh chắc chắn sẽ có những sự khác biệt rất nhiều.
Thế nên nếu những độc giả trung thành truyện Kiều mong đợi phim sẽ y hệt như thế chúng tôi không thể đáp ứng được. Với thân phận nàng Kiều 15 năm lưu lạc, đi qua rất nhiều nơi gặp rất nhiều con người ê-kíp không có cách nào trong 90 phút có thể mô tả trọn vẹn được cả.
Những chi tiết Kiều gặp Thúc Sinh, Họan Thư… tất cả đó chỉ là các cột mốc thôi. Còn khi vào phim nó sẽ rất khác. Ở góc độ điện ảnh, chúng tôi cần phải khai thác tâm lý nhân vật và đường dây chứ không thể mạch lạc liên tục như kể truyện.
Chúng tôi không làm phim để cổ súy kẻ thứ ba!
- Hình tượng Kiều trên phim được cho là cổ súy cho người thứ ba cùng những cảnh nóng không phù hợp với một tác phẩm văn học. Đó là chưa kể hình ảnh ba nhân vật chính Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư được xây dựng không đủ sức nặng. Chị nghĩ sao?
Rất nhiều bài viết nhận định Kiều là kẻ thứ ba, như thế không đúng. Chúng tôi khẳng định mình không làm phim để cổ súy kẻ thứ ba. Mọi người nên đặt mình vào xã hội phong kiến ngày xưa, đàn ông được quyền lấy năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Mặt khác, nếu đặt mình vào địa vị của Kiều: một cô gái bị đẩy vào lầu xanh, bị chà đạp, gặp được một người yêu và cứu mình khỏi chốn địa ngục liệu nàng có đi theo không?
Về Hoạn Thư, tôi tin khán giả đã có cái nhìn khác đi về nhân vật này. Từ một người phụ nữ được miêu tả cay độc, tàn nhẫn vì ghen tuông nhưng qua phim đã thấy rõ được nỗi đau bị phản bội của nàng. Nhiều khán giả đã khóc vì thương cho thân phận Hoạn Thư.
Trong phim có phân đoạn Kiều và Thúc Sinh ân ái bị Hoạn Thư bắt gặp. Nếu chỉ để mô tả đơn thuần mọi người sẽ cho rằng phản cảm, thô. Nhưng nếu ai từng trải, từng bị phản bội và đặt mình vào tâm thế các nhân vật sẽ có sự đồng cảm rất lớn.
Hoạn Thư là một người đàn bà khao khát được yêu nhưng mãi không chiếm được trái tim của chồng. Khi bắt gặp người phụ nữ chồng ân ái không phải là mình, cô vừa đau đớn, vừa khát khao sự yêu thương. Rõ ràng tất cả chỉ để phục vụ cho tình tiết phim. Cả Cao Thái Hà, Mỹ Duyên và Lê Anh Huy đã làm tốt nên tôi không đòi hỏi gì hơn.
- Kiều rõ ràng quá rộng và khó để đưa từ thơ có tính ước lệ sang ngôn ngữ điện ảnh. Khán giả cũng có quyền khắt khe hơn vì đây được xem như tác phẩm văn học tiêu biểu. Chị có thấy đang tự đặt mình vào thế khó?
Rất nhiều người đã ấp ủ về Kiều nhưng chưa có ai can đảm thực hiện. Tôi cũng không hiểu có động lực gì thôi thúc làm đề tài này. Khi biết tôi chuẩn bị dự án này, một nhà sử học động viên rằng “Truyện Kiều giống như một khu rừng, mỗi một người đi vào đấy sẽ khám phá được những góc cạnh khác nhau”. Tôi cũng biết có 5 nhà sản xuất định làm phim về đề tài này. Và rõ ràng nếu dự án ra chắc chắn sẽ là năm góc nhìn khác nhau.
Dẫu vậy tôi không nói mình đại diện cho số đông. Bởi bộ phim suy cho cùng là góc nhìn của đạo diễn, biên kịch. Tất cả chỉ là sự phản ánh một góc nhìn ở từng giai đoạn cụ thể khi được mang lên phim.
Tôi chỉ mong mọi người xem phim với tâm thế thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, đừng so xét chi tiết này có giống không, chi tiết kia có khác biệt quá không. Bởi ngay từ đầu tôi đã định hướng chỉ lấy cảm hứng chứ không làm giống, không minh họa hay thuật lại những gì như chúng ta đã biết, đã học từ thời phổ thông.
Chia sẻ với VietNamNet, nhà báo Lữ Đắc Long thẳng thắn: "Không cần biết Mai Thu Huyền làm phim hay dở thế nào nhưng với tôi cô ấy là người vô cùng tâm huyết, đi một con đường mới đầy thử thách. Một tác phẩm hay dở là điều dĩ nhiên, tuy nhiên hãy bình tĩnh để nâng đỡ phim Việt. Điển hình như Bố già, bộ phim nhận về doanh số cao cũng nhờ rất lớn vào hiệu ứng truyền thông. Khán giả là số đông, giờ chỉ cần độc một vài bài báo chê là sẽ không ai đi xem".
Trước câu hỏi về việc bộ phim bị chê do biến tấu sai lệch Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhà báo Lữ Đắc Long nói thêm: "Những người tiên phong làm một bộ phim với những ý tưởng mới vô cùng khó khăn. Hơn nữa, một bộ phim muốn ra rạp tất nhiên phải có Hội điện ảnh và Cục điện ảnh duyệt. Nếu bộ phim quá dở hay xuyên tạc thì chắc chắn sẽ bị cấm. Phim hay dở thế nào số lượng vé sẽ nói lên tất cả và hãy để cho khán giả tự quyết định".Nhà báo Lữ Đắc Long cũng cho biết do bận công việc nên anh cũng chưa có thời gian đi xem bộ phim Kiều, tuy nhiên anh chia sẻ chắc chắn sẽ ra rạp thưởng thức bộ phim ít nhất là 2 lần để ủng hộ phim Việt.
Theo Tuấn Chiêu - Tùng Nguyễn (VietNamNet)