Mới đây, NSX phim Kiều đã hé lộ tạo hình của nhân vật Hoạn Thư do diễn viên Cao Thái Hà đảm nhận. Ngay lập tức trang phục của nhân vật này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả. Trong poster, Hoạn Thư (Cao Thái Hà) mặc bộ đầm dài phủ kín người phối với yếm đen. Đầu đội mấn đỏ đính hoa. Tạo hình tiết lộ rõ cá tính nhân vật Hoạn Thư, vừa uy nghi, đứng đắn nhưng không kém phần sắc sảo.
Nhiều khán giả cho rằng tạo hình và trang phục của Hoạn Thư lộng lẫy như một phi tần hay hoàng hậu chứ không phải một khuê nữ con nhà quan. Một số ý kiến cũng cho rằng sự kết hợp của mấn với áo độn vai quá rộng là không ăn nhập. Nhìn chung tạo hình của Hoạn Thư đang bị khán giả chê hơi quá 'lố'. Mặc dù đoàn phim đã thông báo sử dụng thể loại phái sinh (sáng tạo dựa trên bản gốc) làm chất liệu nhưng phần phục trang của Kiều vẫn vấp phải ý kiến trái chiều từ khán giả.
Xung quanh tranh cãi của khán giả về tạo hình nhân vật Hoạn Thư, trong phim Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền cuối cùng cũng đã lên tiếng giải thích tất cả.
Mai Thu Huyền lý giải, Kiều không thể được so sánh tỷ lệ 1:1 với nguyên tác, vì chất liệu điện ảnh đòi hỏi những quy tắc thể hiện khác văn chương. Thứ hai, trang phục của phim lấy ý tưởng từ thời Lê - Nguyễn. Những chi tiết cụ thể được ekip sáng tạo thêm là: Váy dập li, bờm cài đầu, phom dáng tứ thân, áo giao lĩnh cách điệu, yếm cách điệu, cổ sơ mi và tay sơ mi cho nam v.v... Mọi yếu tố như chất liệu, kiểu dáng đã được ekip cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng. Điều nào tạo nên sự khác biệt giữa địa vị xã hội, quan hệ giữa các nhân vật và bám sát tính cách từng người.
Nguyên văn phát biểu của đạo diễn Mai Thu Huyền:
Thứ nhất, như chúng tôi đã từng chia sẻ Kiều không phải là bộ phim chuyển thể, mà chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều và ngay từ đầu đã lựa chọn thể loại Cổ trang - Fantasy để ekip có thể sáng tạo mà không bị lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể.
Điều này không chỉ thể hiện ở tạo hình nhân vật (hóa trang - phục trang), mà cả về bối cảnh, tình huống, màu sắc, âm nhạc... nữa. Khác với văn học, điện ảnh có ngôn ngữ thể hiện riêng, vì vậy phim không thể là phép so sánh 1:1 với nguyên tác và tất nhiên là sẽ có sự sáng tạo ngôn ngữ, hình ảnh để phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt Nam thời nay.
Thứ hai, phần trang phục của phim được lấy ý tưởng từ thời Lê -Nguyễn. Ở giai đoạn này , bắt đầu xuất hiện nhiều kiểu trang phục khác nhau và các bộ váy áo đã thể hiện được nét văn hóa riêng. Những bộ trang phục của phụ nữ thời kỳ này có nhiều lớp áo mang nhiều màu sắc khác nhau. Đặc trưng nhất vẫn là phần ống tay rộng. Bên cạnh đó, êkip thiết kế phục trang đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết như: váy dập li, bờm cài đầu, phom áo tứ thân, áo giao lĩnh cách điệu, yếm cách điệu, cổ sơ mi và tay sơ mi cho nam... Màu sắc, chất liệu và kiểu dáng đã được ekip cân nhắc kỹ lưỡng với mục đích thể hiện được tinh thần của tổng thể bộ phim; tạo sự khác biệt về địa vị xã hội, quan hệ giữa các nhân vật, đồng thời bám sát tính cách, tâm lý từng nhân vật theo tiến trình phát triển câu chuyện. Điều này khán giả sẽ nhận thấy khi xem trọn vẹn bộ phim.
Thứ ba, khi làm phim cổ trang Việt sự so sánh trang phục này, chi tiết kia… là giống phim Trung Quốc, Nhật hay Hàn cũng có thể xảy ra. Ai cũng biết rằng, sự giao lưu văn hóa, ảnh hưởng văn hóa giữa các nước phương Đông là điều tất yếu. Thậm chí nếu dòng phim cổ trang Việt phát triển, tạo dược dấu ấn riêng thì khán giả các nước kia cũng có thể so sánh tương tự.
Thứ tư, đối với nghệ thuật thì mỗi người mỗi cảm nhận, do đó cùng một bộ trang phục trong mắt người này có thể xấu nhưng lại đẹp trong mắt người khác là chuyện bình thường. Ekip luôn chân thành tiếp thu và lắng nghe những đóng góp của khán giả để tạo ra một tác phẩm chỉn chu và gần gũi nhất với khán giả.
Nguồn: NSX
TH (Nguoiduatin.vn)