Người mẫu Mai Ngô (hay còn gọi là Quỳnh Mai) - đại diện Việt Nam tại "Asia's Next Top Model" trải lòng về chặng đường 3 năm kể từ lúc bắt đầu vào showbiz, cô đã đối diện với những cú vấp ngã và trưởng thành ra sao.
Khi tôi mới được sinh ra vài tháng, ba và mẹ ly thân. Ba về ở hẳn bên nội ở Cà Mau, cho nên thời gian được ở bên ông rất ít. Đến năm tôi được hơn 5 tuổi, ba mới quay về lại thăm ba mẹ con, mỗi tháng một lần vào hai ngày cuối tuần. Thời gian và kỷ niệm tôi được ở bên ba rất ít, nên chưa bao giờ muốn làm ông buồn cả. Từng lời nói của ba, tôi rất xem trọng.
Khoảng năm lên lớp hai, tôi tự ý đi cắt tóc ngắn. Vừa về đến nhà thì nghe ba chê: "Đây là kiểu tóc xấu nhất từ xưa đến giờ ba từng thấy, không hợp với khuôn mặt của con". Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông trong đời. Ba mất vì tai nạn giao thông.
Tôi đã tự hứa với bản thân rằng sẽ không bao giờ để tóc ngắn nữa.
Mái tóc ngắn vừa gắn với kỷ niệm đau lòng, lại không phù hợp với mình. Vậy nên khi bị cắt tóc ở "Asia’s Next Top Model", chuyện buồn ngày đó lại gợi về. Tôi đã không kiềm giữ được cảm xúc và bật khóc nức nở. Khoảnh khắc đó, tôi cũng có linh cảm chuyện không tốt sẽ xảy đến với mình, hệt như năm xưa. Thực sự, những lời tôi chê mái tóc ngắn là vì nó thực sự xấu. Tôi không thể nào khen nó được, trong khi mọi người ai cũng đồng quan điểm với tôi.
Tháng ngày tuổi thơ lớn lên không có ba ảnh hưởng đôi chút đến tính cách có phần "đàn ông" bên trong tôi. Sau này, tôi luôn nghĩ lúc nào cũng cần phải tự lập, mạnh mẽ để không bị người ta ăn hiếp, không có suy nghĩ dựa dẫm như đa phần các cô gái khác. Tôi không có được những chia sẻ ở góc nhìn giữa ba và con gái như mọi người. Chính vì điều đó, đôi khi suy nghĩ, nhận định của tôi về mọi thứ mình ở góc độ tự mình trải nghiệm cũng không được sâu sắc, như thiếu đi một phương diện nào đó. Tuổi trưởng thành, tôi có ấn tượng không tốt về những người khác giới.
"Hãy quen với điều đó đi"
Đến với "Asia’s Next Top Model" là cơ duyên mà tôi nghĩ không phải ai cũng có được. Khi ban tổ chức ngỏ lời mời muốn tôi đại diện Việt Nam đến với cuộc thi năm nay, thoạt đầu tôi chỉ nghĩ đó chỉ là lời mời thoáng qua, thậm chí còn không có ý định tham gia. "Mình vốn không phải một người mẫu chuyên nghiệp, quyết tâm lại không có quá nhiều, nếu đại diện Việt Nam đi thi lúc này, mình sẽ lấy đi một tấm vé quý giá của người khác. Mình có thực sự xứng đáng không?", tôi tự hỏi.
Sau 3 ngày suy nghĩ và hỏi ý kiến từ các anh chị trong nghề, tôi đồng ý thử sức. Xem như đây là cơ hội, cái duyên đến thì mình nhận.
Bất ngờ nhất của tôi chính là câu nói "Get used to it - Hãy quen với điều đó đi" trong cuộc tranh cãi ở nhà chung lại tạo ra "hiện tượng" trên mạng xã hội, được mọi người sử dụng và chế ảnh hài hước.
Trong cuộc thi, tôi đã nghĩ trong đầu rằng khi các thí sinh có cãi nhau hay nói gì không đúng về mình, tôi sẽ nói thẳng rằng tôi cũng không thích họ và tôi đang chịu cảm giác giống họ. Tại sao tất cả đều có những điều không hài lòng về nhau mà tôi chịu đựng được trong khi họ lại đi kiếm chuyện với tôi? Họ ở số đông, còn tôi chỉ có một mình. Vì vậy tôi nghĩ vấn đề không cần phải giải quyết và bắt buộc họ phải quen với điều đó đi.
Nhiều lúc trong cuộc sống cũng vậy, có nhiều điều ngang trái, không đúng vẫn đang diễn ra hàng ngày và ai cũng phải quen với điều đó thôi. Tôi tin khi nói ra điều này, sẽ có nhiều người đồng tình với quan điểm của mình.
Cãi nhau không phải là điều hay ho, lại đang đại diện cho Việt Nam, tôi đã từng rất lo sẽ bị chỉ trích. Thậm chí khi tập 1 lên sóng, tôi còn không dám xem vì sợ. Vậy mà sau một đêm, mọi người bắt đầu "dậy sóng". Tôi đã sốc vì không ngờ số lượng người hưởng ứng, ủng hộ lại nhiều như vậy. Khi trở về nhà, những người thân của tôi tỏ ra khá bất ngờ và thích thú vì không nghĩ tôi có thể nói lên ý kiến của mình trong tình huống đó.
Đến những tập sau, bắt đầu xuất hiện nhiều anti-fans để lại những lời lẽ không hay, thậm chí là lời văng tục nặng nề cố tình khiến tôi tổn thương. Lúc đó tôi nghĩ: "Mình cố gắng rất nhiều, tại sao mình phải nhận những lời như thế này?".
Sự thật ở một chương trình thực tế thế nào cũng chỉ có những người dàn dựng nội dung và các thí sinh tham gia cuộc thi mới biết được. Trong cuộc thi tôi vẫn có những chia sẻ, giới thiệu những điều tốt đẹp về Việt Nam, hay cư xử hòa nhã với mọi người nhưng cuối cùng toàn bị biên tập cắt bỏ đi mà chỉ lấy những khía cạnh thô lỗ của tôi. Cái dại của tôi là trình bày nhiều, trong khi lại tin rằng họ sẽ thành thật.
Ngày xưa, khi gặp những bất công, tôi chỉ giữ im lặng vì sợ làm xấu hình ảnh, đồng lương… Nhưng nhiều năm qua, đối với nghề người mẫu, tôi chưa từng được nuôi một hạt cơm bát gạo từ nghề mà còn phải chi rất nhiều thời gian, công sức. Nên tôi nghĩ, mình im lặng trước những bất công từ cuộc thi này để làm gì trong khi nếu không lên tiếng thì hình ảnh cũng vẫn xấu, vẫn bị loại sớm, công việc vẫn thế? Tôi nghĩ khán giả cần biết sự thật. Sự thật thì sẽ được tôn trọng.
Tôi nhận lời khen nhiều, bị chỉ trích cũng nhiều. Tôi quen với điều đó rồi.
Những cú vấp ngã – Thắng thì được danh hiệu, thua thì là bài học
17 tuổi, tôi đến với "So You Think You Can Dance" nhưng cũng chỉ vì thấy các anh chị trong nhóm nhảy thi rồi đăng ký theo chứ không thực sự tâm huyết. Năm đó, tôi dừng lại ở top 30. Một năm sau, tôi chẳng biết làm gì, nghĩ lại sở trường của mình cũng chỉ có nhảy múa, vậy là tôi tiếp tục đăng ký mùa hai. Tôi bắt đầu dồn tâm huyết hơn. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị, tập trung trở lại không nhiều nên kết quả thi cũng không như mình mong muốn, vẫn là top 30 như mùa trước.
Lần thất bại này, tôi nhận ra: Mình nhảy không phải vì đam mê. Trong một năm, tôi rơi vào giai đoạn chững lại, không biết mình nên làm gì, muốn gì.
Bảy ngày sau khi thất bại từ "So You Think You Can Dance" mùa hai, tôi ở lỳ trong nhà. Đến ngày thứ tám, chị Huỳnh Mến có rủ tôi ra ngoài. Trong lúc nói chuyện, tôi có đùa rằng: "Em thấy nhiều cuộc thi đang diễn ra cũng vui vui như Next Top Model, có khi nào em tham gia không?". Chị khuyên tôi đăng ký thử sức thay vì ủ rủ ở nhà suốt. Sáng hôm sau, tôi đến casting.
Đứng giữa rừng thí sinh có vóc dáng thon gọn hơn mình, tôi cũng có nhiều suy nghĩ lắm. Tôi cảm nhận mình khác biệt rõ rệt so với mọi người. Tôi mập, tôi to con, nhưng chưa bao giờ bị xấu cả. Tôi tin mình có thể làm được người mẫu và muốn chứng minh cho cả Việt Nam hiểu rằng người mẫu không chỉ là những người mảnh mai. Đến giờ, quan điểm trong tôi vẫn là vậy.
Không chỉ ở cuộc thi "Người mẫu Châu Á" mà ngay tại Việt Nam tôi cũng có suy nghĩ là họ chỉ dùng mình như con tốt để PR hình ảnh cho chương trình thôi. Từ khi đặt chân vào mỗi cuộc thi, bản thân tôi xác định được mình không trụ lâu nên muốn tập trung dùng hết thời gian còn lại để phát huy hình ảnh của mình đến công chúng.
Tiêu cực chỉ giết mình thôi, tích cực thì vẫn hơn. Tôi không đáng trở thành con tốt của chương trình. Cơ hội đến thì cứ tích cực thể hiện tốt nhất. Có như vậy mình mới có thể lên được nấc cao hơn vị trí của một con tốt mà họ đang nghĩ.
Ra về ở top 18 "Vietnam’s Next Top Model", vị trí đó cũng không cho tôi nhiều hy vọng để theo con đường người mẫu chuyên nghiệp. Thực sự đến giờ tôi chưa tìm được một đồng lương nào thích đáng từ nghề người mẫu cả. Thu nhập nuôi sống tôi chỉ là từ công việc đi nhảy, dạy nhảy, tập thể dục và làm văn phòng. Mà tôi cũng không trông chờ nhiều vào nghề này. Chỉ là thấy còn thích, còn tiến triển thêm được bước nào hay bước đó chứ không có kế hoạch tồn tại lâu dài, vậy thôi.
Nếu nhảy múa là cái duyên, thì Hoa hậu chính là một trong những niềm đam mê rất lớn, đi theo tôi từ năm 11 tuổi. Khi đó, tôi đã bắt đầu vạch ra hướng đi cho mình sao cho đến khi đủ 18 tuổi là sẽ đăng ký dự thi ngay. Khi đó, tôi xin mẹ cho mình được học trường đào tạo Hoa hậu chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều năm bỏ công theo đuổi ước mơ, đến khi 20 tuổi, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được diễn ra, tôi muốn một lần được chinh phục, với hy vọng mình sẽ có được giải. Tuy nhiên khi đi đến nửa chặng đường, tôi mới nhận ra cuộc thi tồn tại những thứ không như mình tưởng. Tôi mất niềm tin nhưng vẫn muốn tỏa sáng trên sân khấu bằng tất cả bản lĩnh của mình.
Mọi người hỏi tôi có dự định tham gia một cuộc thi Hoa hậu khác hay không? Tôi nghĩ rằng mình đã xác định là chỉ phù hợp với Hoa hậu Hoàn vũ mà thôi. Bởi những cuộc thi Hoa hậu khác đều có tiêu chí chọn ra một gương mặt thuần Việt, hiền lành, đoan chính. Trong khi tôi lại không muốn kiềm nén bản thân mình quá, có đầu tư nhiều cũng không đi đến đâu. Tôi sẽ không tham gia Hoa hậu Việt Nam năm nay.
Trước mỗi thất bạị, tôi là người luôn lường trước được sự việc và chuẩn bị cho mình tinh thần để đón nhận chứ không để bản thân bị sốc. Vì vậy khi đến với các cuộc thi, tôi đều cho đó là những trải nghiệm của tuổi trẻ mà ở đó, thắng thì được danh hiệu, thua thì là bài học. Sau mỗi lần vấp ngã, tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ, ứng xử, học được nhiều kinh nghiệm đa dạng mà khôngphải cô gái nào cũng có cơ hội trải nghiệm.
"Tôi không biết anh chị tên gì, là ai, nhưng chỉ cần làm sai, tôi sẽ lên tiếng"
Ba năm bước chân vào showbiz, cuộc sống của tôi có thay đổi nhưng không quá nhiều. Ví dụ hàng ngày vẫn đi học đi làm bằng xe buýt, nhưng lên xe thì được nhiều biết và chụp ảnh, hỏi han thì cũng thấy vui.
Từ khi trở về từ cuộc thi "Asia’s Next Top Model", tôi cảm thấy hình ảnh của mình trong mắt mọi người, nhất là các anh chị đồng nghiệp có vị trí nhất định, không còn phụ thuộc vào tên tuổi người khác.
Trước đây, tôi nhận được khá nhiều những ánh mắt xem thường từ nhiều người đi trước lắm. Tôi cảm nhận được hết, nhưng thôi cứ kệ đi. Tôi không nghĩ khi một người thành công rồi thì cho mình cái quyền làm gì, đối xử người khác thế nào cũng được. Tôi không biết anh chị tên gì, là ai, nhưng chỉ cần anh chị làm sai, tôi sẽ lên tiếng. Tôi không sợ mất lòng, nhưng tất nhiên không bao giờ có lối nói chuyện thiếu suy nghĩ, cân nhắc.
Tôi nghĩ showbiz là con dao hai lưỡi. Mọi thứ có được thì cũng sẽ mất đi. Đồng thời dễ kích mình đưa ra những quyết định không phải là mình. Hiện tại, tôi có đường hướng kế hoạch riêng. Tôi nửa muốn theo showbiz, nửa lại không.
>> Quỳnh Mai thoát "mác" bị ghét nhất ở Next Top châu Á
>> Đại diện Việt Nam bị ghét nhất tập đầu Asia's Next Top Model
Theo Nhật Duy (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)