Sau khi phá kỷ lục doanh thu phòng vé trong nước, mới đây, Mai của Trấn Thành đã được mang đi chiếu tại một số quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu. Theo đó, phim sẽ được hãng 3388 Films phát hành tại hơn 100 rạp trên khắp các nước như Mỹ, Canada, Anh, Đức, CH Séc, Slovakia… Sau khi ra mắt, tác phẩm cũng thu hút khá nhiều ý kiến đa chiều từ khán giả nước ngoài.
Mới đây, một nhà sản xuất phim gốc Việt, từng tham gia bom tấn truyền hình Euphoria, đã đăng bài viết nhận định về chất lượng của Mai. Cụ thể, người này nhận xét: "Mai lập kỷ lục phòng vé Việt không phải không có lý do. Phải công nhận Trấn Thành hiểu thị hiếu khán giả Việt, do vậy biết cách viết lời thoại hài hước, khiến người xem bật cười, xây dựng một câu chuyện không quá phức tạp, dễ tiêu hoá để tiếp cận được với mọi tầng lớp khán giả. Đây là cái tài của Trấn Thành, không thể vì thị phi mà phủ nhận. Chất lượng hình ảnh cũng ổn hơn nhiều phim Việt Nam trước đây, và dàn diễn viên diễn tự nhiên là điểm cộng lớn của phim. Khán giả cảm mến được nhân vật đã là một xuất phát tốt.
Tuy nhiên, xét về cả kịch bản lẫn kỹ thuật, Mai hoàn toàn không có gì đặc sắc, không có chất riêng. Đề tài đồng tiền và tình yêu không mới lạ chút nào với điện ảnh Việt, càng không đối với thế giới. Tình cảm của hai nhân vật cũng không có gì sâu sắc, có vẻ giống sự tình cờ hơn là một kết nối mang tính định mệnh. Nói chung là hoan nghênh tinh thần làm phim của Trấn Thành, nhưng Mai chưa đủ để 'ra thế giới'. Khán giả đi xem phim sẽ đa phần là người Việt ở nước ngoài và người yêu ngoại quốc của họ. Khán giả Việt sẽ cười và 'cảm' đôi chút, chứ các đối tượng từ các nền văn hoá khác sẽ thấy Mai nhạt và phí thời gian".
Không chỉ nhận xét đơn thuần, nhà sản xuất này còn phân tích các điểm yếu của Mai khi tiến ra thị trường thế giới. Theo anh, về diễn xuất, các ngôi sao như Phương Anh Đào, Tuấn Trần... chỉ làm tốt ở nửa đầu phim. Khi những bi kịch bắt đầu ập tới, họ bắt đầu đi theo lối mòn của điện ảnh Việt là "kịch hoá" cảm xúc một cách thái quá. Đồng thời, "lộ trình cảm xúc" (emotional arc) của các nhân vật không được các diễn viên thể hiện một cách rõ ràng trên màn ảnh. "Họ đơn thuần chỉ bộc lộ cảm xúc trên bề mặt, không truyền tải được tại sao nhân vật của họ cảm thấy những hỉ nộ ái ố ấy từ bên trong", nhà sản xuất nhận định.
Về kịch bản, câu chuyện của Mai bị chê không có gì mới lạ và độc đáo. Điểm cộng lớn nhất trong phim là những chi tiết hài hước thi thoảng được nêm nếm vào câu chuyện khá duyên dáng. Trong khi đó, theo nhà sản xuất, điểm trừ lớn nhất của dự án là cách xây dựng nữ chính Mai, khi từ đầu đến cuối nhân vật này không cho thấy mong muốn, mục đích gì đủ mạnh mẽ để khán giả quan tâm.
"Không cần nhìn các bộ phim quốc tế, Trấn Thành cũng có thể coi các bộ phim Việt Nam khác để tham khảo cách xây dựng nhân vật trung tâm. Trong Áo Lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh, ta thấy nhân vật Dần (Trương Ngọc Ánh) tha thiết muốn thoát khỏi kiếp nô lệ, xây dựng một cuộc sống mới với chồng và đứa con vừa sinh. Trong Đập Cánh Giữa Không Trung của Nguyễn Hoàng Điệp, mục tiêu của Huyền (Thuỳ Anh) là giải quyết cái thai không mong muốn giữa sự đời chông chênh. Trong Hot Boy Nổi Loạn và Câu Chuyện về Thằng Cười, Cô Gái Điếm và Con Vịt (Vũ Ngọc Đãng), nhân vật Lam (Lương Mạnh Hải) và Khôi (Hồ Vĩnh Khoa) cố gắng vượt qua mọi rào cản kinh tế, xã hội để có được một tình yêu bình yên. Mỗi nhân vật này, đối diện với hoàn cảnh gian khó, đều quyết tâm đi theo một mục đích cao cả, là ngôi sao Bắc Đẩu dẫn dắt mạch truyện. Còn Mai, dù là tên phim luôn, thì lại chẳng có mục đích gì đủ mạnh mẽ và kịch liệt để khán giả quan tâm", nhà sản xuất này nói thêm.
Bên cạnh đó, cú twist ở cuối phim khi khán giả được biết về quá khứ của Mai còn bị nhà sản xuất này chê là một cách xử lý thiếu văn minh của Trấn Thành. Anh nêu ý kiến: "Phim đưa chi tiết này vào để giải thích cho nỗi giận ba, sự sợ yêu, và nỗi buồn lay lắt của nhân vật. Hợp lý đấy, nhưng nếu chỉ có thế thì ai cũng làm được, không chỉ Trấn Thành. Cái tài của một đạo diễn giỏi, có góc nhìn riêng và độ nhạy cảm hơn người, là khai thác tâm lý nhân vật sau sự kiện chấn động ấy: Mai đã trải qua những cảm xúc gì? Cái nhìn của Mai về cơ thể mình đã thay đổi ra sao? Mai đối mặt với sự dè bỉu của xã hội phụ hệ thế nào? Mối quan hệ ba con của Mai với ông Hoàng đã dần rạn nứt ra sao? Mai có đau đáu sẽ phải giải thích cho Bình Minh về bố của nó như thế nào không? Tất cả những điều này chỉ được kể cẩu thả qua một đoạn montage trên nền nhạc rầu rĩ, chứ không được khai thác sâu, khiến tôi cảm thấy yếu tố xâm hại tình dục được đưa vào phim như để gây sốc, giải quyết mâu thuẫn một cách dễ dãi, thiếu trách nhiệm, chứ không phải để khán giả thấu hiểu Mai".
Cuối cùng, về mặt kỹ thuật quay - dựng phim, nhà sản xuất này cho rằng nhiều cú máy được ekip Mai sử dụng chỉ "mang tính chiêu trò và "tỏ ra biết kỹ thuật là chủ yếu, chứ không có dụng ý gì trong việc kể chuyện". Trấn Thành cũng lạm dụng cách dựng phim từ rất nhiều thể loại như kinh dị, hành động... dẫn đến kết quả là bộ phim bị loãng. Đồng thời, Mai bị chê có nhiều cảnh thừa, cắt đi cũng không ảnh hưởng tới nội dung. Cách sử dụng nhạc phim cũng được cho là một điểm yếu của phim khi "quá sến sẩm và vô duyên".
"Nhìn chung, phong cách quay và dựng của phim Mai giống phong cách của một music video hơn một bộ phim điện ảnh... Trấn Thành quá tập trung thể hiện mình biết quay phim nhiều góc, biết dựng phim, chuyển cảnh một cách thú vị, mà quên đi rằng mỗi lựa chọn kỹ thuật phải bắt rễ từ nhu cầu của câu chuyện, chứ không phải cho vào cho cool. Câu chuyện của Mai không đủ thú vị để biện minh cho những lựa chọn này", người này nhận xét.
Bài viết của nhà sản xuất này hiện thu hút đông đảo sự chú ý của những người yêu điện ảnh ở Việt Nam và quốc tế. Nhiều người đồng ý rằng Mai của Trấn Thành thực sự chưa đủ chất lượng để chinh phục khán giả nước ngoài, chỉ phù hợp với người xem trong nước. Trong khi đó, một vài ý kiến khác cho rằng tác phẩm có nhiều điểm sáng khi đánh đúng thị hiếu của một bộ phận người xem. Một khán giả nhận định: "Ra thế giới để người Việt xa xứ xem, cũng là một sự cống hiến cho cộng đồng của mình. Tham vọng xa hơn thì chưa tới. Với cá nhân mình thì xem được, không thấy phí thời gian".
Theo Được Được (Phụ Nữ Số)