Lý do "Em Là Bà Nội Của Anh" không được tham gia Cánh diều

31/03/2016 16:16:24

"Giải Cánh diều không dành cho phim copy" - đó là phát biểu đến từ bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trong buổi họp báo công bố thông tin về giải thưởng.

"Giải Cánh diều không dành cho phim copy" - đó là phát biểu đến từ bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trong buổi họp báo công bố thông tin về giải thưởng.

Theo chia sẻ của ban tổ chức Cánh diều, mỗi giải thưởng điện ảnh có một tiêu chí chấm điểm và trao giải khác nhau. Với Cánh diều 2015, đó là “đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.
 

Tuy rất ăn khách tại phòng vé, nhưng Em là bà nội của anh lại không phù hợp với tiêu chí của giải thưởng Cánh diều. Do đó, bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ không tranh tài tại sự kiện năm nay. Ảnh: CJ

Do đó, trong số 18 tác phẩm điện ảnh tranh giải năm nay, công chúng không thấy có tên Em là bà nội của anh - bộ phim Việt ăn khách nhất từ trước tới nay với tổng doanh thu lên đến hơn 100 tỷ đồng vốn được dựa trên nguyên tác Miss Granny (2014) của điện ảnh Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhấn mạnh trong buổi họp báo sáng 31/3 rằng: “Cánh diều không dành chỗ cho phim copy. Tính dân tộc là một tiêu chí quan trọng của giải thưởng”.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đặng Xuân Hải, nhấn mạnh thêm: “Những tác phẩm dựa trên nguyên tác nước ngoài sẽ phù hợp hơn với Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam, thay vì giải Cánh diều của Hội Điện ảnh”.

18 tác phẩm tham gia tranh giải Cánh diều ở các hạng mục dành cho phim truyện điện ảnh năm nay đều là những bộ phim đã được trình chiếu trong 12 tháng qua, bao gồm: Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Người trở về, Quyên, Siêu trộm, Trúng số, Ngày nảy ngày nay, Bộ ba rắc rối, 49 ngày, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trong 18 tác phẩm điện ảnh dự tranh giải thưởng Cánh diều năm nay. Ảnh: Galaxy

 
Người đứng đầu hội đồng giám khảo chấm giải phim điện ảnh là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Theo kế hoạch, ông và các cộng sự sẽ theo dõi và chấm điểm nhóm tác phẩm bắt đầu từ ngày 11/4.

Ngoài ra, giải Cánh diều 2015 còn có các hạng mục dành cho phim truyện truyền hình (16 phim dài tập & 8 phim ngắn tập), phim hoạt hình (14 phim), phim tài liệu (37 phim), phim khoa học (12 phim), phim ngắn (33 phim) và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh (6 tác phẩm).

Theo thông lệ, lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng hàng năm diễn ra vào ngày 15/3, trùng với ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện năm nay được đẩy lui xuống 20/4 để ban tổ chức có thể thu hút thêm các phim chiếu dịp Tết, cũng như có nhiều hơn thời gian để chuẩn bị chu toàn cho sự kiện.

18 phim điện ảnh tranh giải Cánh diều 2015 dự kiến được trình chiếu miễn phí cho công chúng từ ngày 13 tới 17/4 tại bốn cụm rạp ở Hà Nội là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, rạp tháng 8, rạp Ngọc Khánh và rạp CGV - Mipec Tower.
 

Cánh diều vàng là giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, được trao cho những tác phẩm và cá nhân điện ảnh xuất sắc trong năm trước đó. Giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003. Năm ngoái, không có tác phẩm điện ảnh nào được trao giải Cánh diều vàng, mà chỉ cóHương Ga, Những đứa con của làng và Lạc giới cùng chia nhau giải Cánh diều bạc.

Ban tổ chức tiết lộ tổng giá trị các giải thưởng Cánh diều 2015 là khoảng 500 triệu đồng.
 
>> "Em là bà nội của anh": Phim Việt ăn khách nhất lịch sử
>> "Em Là Bà Nội Của Anh" cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng
 
Theo Việt Phương (Zing.vn)