Lỗi văn hoá của nghệ sĩ trong vụ việc Hồ Hoài Anh - Hồng Đăng

09/07/2022 10:31:19

Lời bênh vực của một số nữ nghệ sĩ dành cho Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng phản ánh “lỗi văn hoá” và tư duy tán đồng với những điều xấu của một số nghệ sĩ Việt.

Những ngày qua, vụ việc nghệ sĩ Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng vướng phải lùm xùm ở Tây Ban Nha và phải nhờ luật sư hỗ trợ trở thành “tâm điểm”, khiến dư luận bàn tán xôn xao. Cá nhân tôi vốn không quan tâm đến những drama của giới showbiz nhưng khi đọc nhiều ý kiến phê bình khen chê, lại đặc biệt chú tâm đến lời bênh vực của một số nữ nghệ sĩ dành cho hành vi phản cảm, thiếu chuẩn mực của Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng.

Cũng bởi qua những ý kiến này phản ánh “lỗi văn hoá” và tư duy tán đồng với những điều xấu của một số nghệ sĩ Việt. Có thể thấy trong vụ việc bênh vực bạn bè một cách thái quá này, người đang hứng chịu rất nhiều chỉ trích là NSƯT Kiều Thanh (Nhà hát Kịch Hà Nội). Trên trang cá nhân có lượng người theo dõi đông đảo, diễn viên này đã chia sẻ quan điểm về "văn hóa đàn ông" - theo cách diễn đạt riêng của cô.

Cụ thể diễn viên này chia sẻ: “Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng. Ở nước ngoài, các bạn phát triển dậy thì sớm từ 12, 13 tuổi. Vào đúng hai anh đẹp trai lại nổi tiếng nên thành to chuyện. Có khi là người bình thường thì bạn nữ kia 'ok' ngay". Dòng ý kiến trên ngoài sự phản cảm do “bình thường hóa” việc thiếu đứng đắn của nghệ sĩ còn khiến khán giả phẫn nộ vì tình huống giả định, thậm chí là kết luận thiếu nữ người Anh đã “gài bẫy”.

Lỗi văn hoá của nghệ sĩ trong vụ việc Hồ Hoài Anh - Hồng Đăng
Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng

 

Tương tự như ý kiến của Kiều Thanh, nhiều nghệ sĩ bênh vực hai nghệ sĩ cho rằng, đó chỉ là hành động “bóc bánh trả tiền”, nhưng khi không đạt được mục đích, cô gái người Anh đã tố cáo bị hai người đàn ông cưỡng hiếp.

Điển hình như ngày 2/7, diễn viên Kim Oanh mở đầu bài viết bằng câu: "Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử". Ngay phía dưới, chị trích dẫn một số đường link với nội dung khách du lịch bị tố tấn công tình dục tại Tây Ban Nha, rồi đi đến kết luận đảo Mallorca là "thiên đường cạm bẫy". “Nói chung đi chơi mà bị 'mời lên phường' thì đen rồi. Chết vì thiếu hiểu biết, chứ ngu gì mà hấp với chả diêm", diễn viên này viết thêm.

Những phát ngôn tưởng chừng chỉ có tác dụng “bào chữa” nhưng thực chất lại là một sự đổ tội. Xã hội đã hiện đại hóa với tư tưởng bình đẳng nam nữ, nhưng nhiều nghệ sĩ, dù là phụ nữ, vẫn đứng về phía đàn ông mà đổ tội cho phụ nữ, thậm chí phiến diện bênh vực người Việt Nam, đứng về phía mình mà đổ tội cho phía người mà chẳng hề phân biệt đúng sai và thước đo chuẩn mực. Hành động đó không chỉ góp phần cổ xuý cái sai mà còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh của chính người phát ngôn. Xét kỹ, những phát ngôn kiểu đổ tội như vậy là một lỗi văn hóa rất lớn của người Việt. Cũng bởi, bình thường hóa việc thiếu chung thủy hoặc cho rằng cô gái Anh “gài bẫy” nghệ sĩ Việt Nam khi không có bằng chứng, thật sự là một sự vu cáo xúc phạm.

Đã từng chu du qua nhiều quốc gia, cá nhân tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh người Việt Nam xấu xí ở nước ngoài. Nhưng đáng buồn là ngay khi ở trong nước, nhiều người Việt Nam cũng không tự loại bỏ được những thói quen tật xấu trong lời nói và cách hành xử. Nếu đặt bản thân vào vị trí của cô gái người Anh và gia đình của cô ấy, chúng ta sẽ cảm thấy ngậm ngùi ra sao khi bản thân là người bị hại, lại phải chịu đựng sự miệt thị hoặc hồ nghi từ đám đông.

Theo tôi, cách bảo vệ đồng nghiệp tốt nhất vẫn là im lặng và theo dõi diễn biến. Nếu phát ngôn phải thật sự cẩn trọng vì có thể ảnh hưởng đến hình ảnh nghệ sĩ, gây cảm giác thiếu tôn trọng nặng nề với khán giả cũng như những người yêu mến, ngưỡng mộ từng cá nhân trong showbiz nói chung. Bình phẩm, xét đoán, kết tội người khác đều là cách ứng xử phản văn hóa của một số người Việt. Có lẽ vì thế mà người xưa để lại lời răn: “Chân mình còn lấm mê mê/ Lại đi cầm đuốc mà rê chân người”. Từ đó, tiền nhân cũng dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Thiết nghĩ, ngành giải trí (bao gồm tất cả nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật) cũng tương tự như các ngành nghề khác, đều có những khó khăn riêng. Tuy nhiên, nghệ sĩ cũng được hưởng rất nhiều đặc quyền từ tình yêu thương, lòng quý trọng của khán giả. Xét cho cùng, nghệ sĩ tồn tại với nghề là nhờ khán giả. Nghệ sĩ có những hành động đúng, tốt đẹp, khán giả sẽ ủng hộ. Nếu nghệ sĩ làm sai, đương nhiên họ phải chấp nhận bị quay lưng, thậm chí tẩy chay.

Do đó, việc giữ gìn hình ảnh, xem trọng nhân cách, phẩm chất đạo đức... là chuyện rất bình thường. Học cách ứng xử chừng mực, giữ gìn phẩm chất lịch thiệp không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là tiêu chuẩn cần có của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội rất đa chiều, thiếu định hướng, việc nghệ sĩ ủng hộ việc làm sai lầm dễ khiến công chúng càng trở nên nhiễu tâm, không tập trung cho những thông tin đúng đắn, chẳng giúp ích cho định hướng phát triển nhân cách cũng như lối sống cho công chúng.

Độc giả Nhan Phúc Nguyễn

Nổi bật