Bộ phim “Mộng Hoa Lục” của Lưu Diệc Phi và Trần Hiểu vừa lên sóng đã nhận được sự quan tâm của khán giả. Theo đánh giá, cốt truyện phim được cải biên và xây dựng hình ảnh người phụ nữ cổ đại cứu giúp lẫn nhau, bộc lộ sự trưởng thành của nữ giới.
Đặc biệt, các diễn viên trong phim khớp đến từng nhân vật, yếu tố này cũng góp phần làm nên thành công của “Mộng Hoa Lục”.
Giữa những lời khen ngợi, một số cảnh quay trong phim vẫn có những "hạt sạn". Khán giả đã chỉ ra những lỗi đáng chú ý như diễn viên quần chúng lộ tạo hình hiện đại, tay đeo đồng hồ trong cảnh múa lân trên đường phố.
Bên cạnh đó, cảnh Triệu Phán Nhi (Lưu Diệc Phi) và Cố Thiên Phàm (Trần Hiểu) đứng bên dòng sông, phần lưng của Lưu Diệc Phi bị biến dạng, có thể xuất phát từ lỗi sử dụng phần mềm ghép cảnh.
Đông Cung
Một trong những bộ phim chứa nhiều "sạn" trong các cảnh quay là "Đông Cung". Trong phân cảnh nam chính Lý Thừa Ngân (Trần Tinh Húc) diện đồ cổ trang, cưỡi ngựa đã để lộ chiếc quần có in logo của một nhãn hàng thời trang nổi tiếng.
Một cảnh quay khác cũng để lộ sai sót cơ bản chính là lúc Tiểu Phong (Bành Tiểu Nhiễm) nằm trên giường bệnh, một chiếc quạt mini đã xuất hiện trong khung hình. Không chỉ vậy, netizen còn “soi” ra điểm bất hợp lý khi điện thoại di động có mặt ở nhiều cảnh quay.
Diên Hy Công Lược
“Diên Hy Công Lược” cũng nằm trong danh sách phim cổ trang nhiều “sạn”. Đáng chú ý là cảnh đoàn làm phim cho kèn saxophone "xuyên không" cả trăm năm về thời đại Càn Long từ năm 1735 – 1796. Trong khi đó, dụng cụ âm nhạc này mãi đến năm 1840 mới được phát minh.
Một số cảnh quay khác cũng xuất hiện các lỗi “ngớ ngẩn” như việc “Nhàn Phi” do Xa Thi Mạn thủ vai đã để lộ ống quần jeans khi đang diện đồ cổ trang, hay hình ảnh Càn Long của Nhiếp Viễn diện luôn đôi giày thể thao hiện đại.
Châu Sinh như cố
Bộ phim do Nhậm Gia Luân và Bạch Lộc thủ vai chính nhận được nhiều tình cảm của khán giả dù nội dung có phần bi thương. Tuy nhiên, cư dân mạng cũng không bỏ lỡ cơ hội nhặt “sạn” hài hước trong các phân cảnh.
Hình ảnh Châu Sinh Thần (Nhậm Gia Luân) ăn bánh mì là không hề đúng với thực tế. Bởi thời điểm này, món ăn quen thuộc của các nhân vật phim cổ trang phải là màn thầu hấp do Gia Cát Lượng phát kiến ra.
Ở một cảnh quay khác, con đường bê tông hiện đại hoá xuất hiện trong “Châu Sinh như cố” khiến nhiều người băn khoăn. Đây cũng chính là lỗi sai cơ bản mà nhiều đoàn phim cổ trang mắc phải.
Theo Minh Phong (Lao Động)