The Tin Dum (Cái trống thiếc): Năm 1979, đạo diễn người Đức Volker Schlöndorff đã cho ra đời kiệt tác màn ảnh The Tin Drum. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn đoạt giải Nobel Gunter Grass. Tuy nhiên, The Tin Drum cũng được xem là tác phẩm tai tiếng nhất của điện ảnh thế giới vì những tranh cãi liên quan đến nội dung và quá trình sản xuất. Nhân vật chính trong phim là cậu bé lùn dị dạng Oskar Matzerath. Vẫn giữ nguyên chiều cao 94cm của tuổi lên 3, Oskar tuyên bố mình không thèm lớn lên nữa vì “quá kinh tởm thế giới người lớn”. Bên cạnh những giá trị nhân văn và nghệ thuật sâu sắc, The Tin Drum cũng bị lên án vì có những cảnh khiêu dâm lộ liễu. Phim còn động chạm đến vấn đề khiêu dâm trẻ em khi để nam chính David Bennent mới 12 tuổi đóng những cảnh nhạy cảm gây tranh cãi. Cậu bé đã thực hiện nhiều phân đoạn mùi mẫn trần trụi với bạn diễn lớn tuổi hơn. Đó là lý do khiến The Tin Drum từng bị nhiều quốc gia cấm chiếu. Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, đạo diễn Volker Schlöndorff đã phải giải trình về quá trình quay phim. Ông lý giải rõ cách thức thực hiện những cảnh nóng để đảm bảo rằng cả David Bennent và bạn diễn của cậu bé đều không phải chịu bất cứ tổn thương nào cả về thể xác và tinh thần. Vị đạo diễn tài năng kiên quyết bảo vệ tác phẩm của mình và dứt khoát không loại bỏ những cảnh nhạy cảm đó. Bởi vì ông cho rằng, chúng là những chi tiết đắt giá giúp thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. The Tin Drum là một ví dụ điển hình của việc làm nghệ thuật vượt lên trên những luân lý thông thường. Phim giành được hai giải thưởng điện ảnh danh giá là Giải Cành cọ vàng LHP Cannes và Tượng vàng Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Đến hiện tại, The Tin Drum đã được chấp nhận rộng rãi. Hounddog (Chó săn): Tác phẩm của đạo diễn Deborah Kampmeier không được công chúng đón nhận nồng nhiệt vì nội dung nhàm chán. Ngược lại, phim gây tranh cãi vì để nữ diễn viên Dakota Fanning, khi đó mới 12 tuổi, thể hiện cảnh quay nhạy cảm. Hounddog kể về một cô bé rắc rối tên là Lewellen. Trong phim, có phân đoạn cô bé bị cưỡng bức. Khoảnh khắc đó được thể hiện bằng biểu cảm của diễn viên và những hình ảnh ẩn dụ. Tuy nhiên, nó vẫn gây ám ảnh bởi Dakota vẫn còn nhỏ tuổi. Lolita: Bản thân cuốn tiểu thuyết Lolita của nhà văn Vladimir Vladimirovich Nabokov đã tiêu tốn giấy mực của báo chí. Vì nội dung nhạy cảm, tác phẩm trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận gay gắt, dai dẳng trong suốt một thời gian dài. Khi được chuyển thể lên màn ảnh vào năm 1997, một lần nữa, Lolita lại hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội. Phim xoay quanh nhân vật chính Humbert – một giáo sư tuổi trung niên với mối tình bất thường dành cho cô con gái riêng mới 12 tuổi của vợ, Dolores Haze, hay còn gọi là Lolita. Nữ diễn viên Dominique Swain hóa thân thành nhân vật Dolores Haze khi chỉ mới 14 tuổi. Trong phim Lolita , nữ diễn viên nhí và bạn diễn lớn tuổi đã thực hiện những phân cảnh quay khoe thân và ân ái trần trụi. Bên cạnh những ý kiến cho rằng Lolita là một tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật, có không ít khán giả lên án phim chỉ là câu chuyện gợi dục thuần túy. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Lolita đã phần nào phản ánh hiện tượng ấu dâm, những ám ảnh tình dục của một người đàn ông trung niên dành cho những bé gái nhỏ tuổi hơn ở bất cứ thời đại nào hay bất cứ xã hội nào. Poison Ivy (Khêu gợi chết người): Được sản xuất vào năm 1992, ngay khi vừa đến tay công chúng, Poison Ivy nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích. Nhân vật Ivy do sao nhí Drew Barrymore thủ vai được xem như là một Lolita thế hệ mới của màn ảnh. Nữ diễn viên chưa tròn 17 tuổi đã thực hiện nhiều cảnh nóng táo bạo cùng nam diễn viên Tom Skerritt ngoài 50 tuổi. Kịch bản phim gây sốc hơn nữa khi để Ivy chính là người chủ động quyến rũ người đàn ông lớn tuổi này. Poison Ivy bị lên án suốt một thời gian dài vì nhiều khán giả cho rằng phim đã lạm dụng diễn viên vị thành niên. Theo Nguyên Hạnh (Tri Thức Trực Tuyến)