Những năm gần đây, phim chiếu mạng nở rộ, là mảnh đất màu mỡ cho không ít các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Bên cạnh những tác phẩm mang nội dung tích cực, nhiều bộ phim có nội dung độc hại tràn ngập trên mạng xã hội.
Không khó để bắt gặp những bộ phim có nội dung về bạo lực, tình dục, khoe da thịt được đặt tên "giật gân" như Vụng trộm với em rể và cái kết, Gái xinh cắm sừng bạn trai để làm điều này với sếp...
Trước thực trạng đó, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho Tiền Phong biết sẽ thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý phim chiếu mạng có nội dung độc hại. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt được giao trách nhiệm phụ trách tổ công tác.
Ông Vi Kiến Thành cho biết nhiệm vụ chính của tổ công tác gồm tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản với đề nghị công nhận phân loại phim mạng, cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với dự án chưa đủ điều kiện phim phổ biến trên không gian mạng, xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim mạng, kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim mạng.
Tổ công tác chịu trách nhiệm tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim, tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của đơn vị, tổ chức phổ biến phim, yêu cầu chủ thể phổ biến phim mạng dừng, gỡ bỏ phim vi phạm, yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm, yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm.
Trước đó, chia sẻ với Tiền Phong về hiện trạng phim chiếu mạng xấu, độc, nhà văn, nhà phê bình Thiên Sơn nhận định phim chiếu mạng ra đời trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi. Những phim này phát triển nhanh chóng, trở thành một loại hình mới, phổ biến.
"Điều đáng nói là phim chiếu mạng thường có dung lượng ngắn, nhiều tính ngẫu hứng, tự do, khai thác những đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp vượt quá những giới hạn cần thiết về văn hóa và ảnh hưởng đến thị hiếu, lối sống của giới trẻ", anh nói.
PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định những nội dung xấu độc của một số web drama vô cùng nguy hiểm, có thể lái con người đến những hành vi lệch lạc.
“Nhiều video đề cập vấn đề mại dâm, tình dục... nếu người xem thật sự coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời sống thực, họ sẽ không có niềm tin vào xã hội. Họ cho rằng xã hội chỉ toàn điều xấu xa", PGS.TS Trần Thành Nam nêu.
Việc quản lý phim chiếu mạng được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 31/12/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...
Theo Gia Linh (Tiền Phong)