Những ngày đầu năm 2018, hashtag "tội ác tình dục" lại gây chấn động tại showbiz Hàn Quốc. Quốc gia luôn tự hào với ngành công nghiệp giải trí điêu đứng trước hàng loạt bê bối.
Những ông trùm giải trí, giám đốc nhà hát, diễn viên nổi tiếng, nhà biên kịch, quay phim đều trở thành "yêu râu xanh", bị gọi là "thú đội lốt người". Chưa bao giờ showbiz thế giới tủi nhục khi cái ác bị phơi bày đến thế.
Khi cái ác luôn ngự trị
Tháng 10/2017, New York Times ném đá xuống mặt nước đang đầy sóng ngầm tại Hollywood với hàng loạt cáo buộc tố cáo ông trùm Harvey Weinstein xâm hại tình dục.
Tội ác của Harvey Weinstein tồn tại hàng chục năm với hàng trăm nghệ sĩ. Angelina Jolie, Rowan McGowan, Gwyneth Paltrow hay Léa Seydoux đều từng là nạn nhân của Harvey.
Harvey Weinstein đã bị đuổi khỏi công ty The Weinstein Company. Nhiều nghệ sĩ, các chuyên gia phim ảnh và bạn bè lên tiếng. Lúc này, người ta càng hiểu hơn về cái gọi là giao dịch tình dục trong giới giải trí. Hollywood hào nhoáng với những minh tinh đẳng cấp, bom tấn tỷ USD cũng ẩn chứa nhiều thương vụ dơ bẩn tình tiền.
Harvey Weinstein gục ngã đã kéo theo nhiều "thế lực ngầm" lộ diện. Em trai Harvey - Bob Weinstein cũng bị tố cáo, Reese Witherspoon kể từng bị một đạo diễn xâm hại tình dục vào năm 16 tuổi. Gần đây, đạo diễn Tarantino, Kevin Spacey, James Franco đều vướng hàng loạt cáo buộc tình dục.
Khi Hollywood dậy sóng, showbiz châu Á tưởng như tế nhị hơn trong chuyện tình dục lại cũng bị vạch trần những bê bối.
Phong trào Me too với lời kêu gọi sự lên tiếng của các nghệ sĩ trên toàn thế giới đã kéo theo nhiều bê bối được hé lộ. Tội ác tình dục tồn tại ở khắp mọi ngóc ngách, nó luôn là đường thẳng đứng đi lên chứ chưa bao giờ có dấu hiệu "giảm nhiệt" hay lao dốc.
Theo tờ News1, tại Hàn Quốc, 183 nghệ sĩ được hỏi có đến 35 nghệ sĩ nói họ bị ép quan hệ tình dục, 63 người khác thừa nhận thường xuyên phải tham gia vào các hoạt động "vui vẻ" nhưng chưa đến mức sex.
Đạo diễn danh tiếng người Nga Andrei Konchalovsky trả lời trên Izvestia thẳng thắn nói: "Về vấn đề xâm hại tình dục, tôi cho rằng thế giới này đang tồn tại song song với tội ác đó. Đàn ông mãi mãi ham muốn phụ nữ và phụ nữ ở thế phải chống cự".
Ngành của cái đẹp và sự ngắn ngủi
Nói về phong trào phản đối xâm hại tình dục, nữ diễn viên Pháp Catherine Deneuve chia sẻ đầy tranh cãi trên Le Monde: "Hiếp dâm quả thực là tội ác nhưng quấy rối, ve vãn và cử chỉ âu yếm dù sống sượng không phải thế. Đàn ông đào hoa thường săn đuổi phụ nữ, cưỡng đoạt một nụ hôn không đáng hủy hoại họ".
Catherine Deneuve cho rằng showbiz là điểm đến của những bóng hồng xinh đẹp. Ở đó, bất kỳ người đàn ông nào cũng dễ nảy sinh ham muốn.
Cathrerine Deneuve đã bị chỉ trích vì phát ngôn quay lưng với phong trào chống xâm hại tình dục. Nhưng ở góc độ nào đó, minh tinh người Pháp đã nói đúng thực tế của showbiz.
Xâm hại tình dục tồn tại ở bất kỳ ngành nghề nào, ngay cả trường học. Nhưng ở showbiz, xâm hại tình dục xảy ra thường xuyên hơn, có hệ thống hơn bởi những đặc thù riêng của giới giải trí.
Người trong ngành giải trí thường có ngoại hình trẻ đẹp. Ngưỡng tuổi làm nghề của ngành cũng thấp hơn các ngành khác. Các cô gái, chàng trai có thể nổi tiếng khi mới 17, 18 tuổi và đa phần họ sớm hết thời khi bước sang tuổi 35.
Nhà sản xuất danh tiếng Melvin Ang của hãng mm2 Asia thừa nhận trong 16 năm làm nghề, ông chưa từng có buổi ăn tối riêng hay gặp gỡ tay đôi với các người đẹp vì e ngại cám dỗ. "Đó là cách tôi giữ cho mình cái đầu lạnh trong kinh doanh", ông chủ mm2 Asia trả lời trên ST.
Các cô gái trẻ được đào tạo để trở thành nghệ sĩ, yêu cầu khe khắt về vũ đạo, cách ứng xử trước công chúng từ khi còn rất sớm. Sự cạnh tranh lớn buộc người khởi nghiệp phải có ưu thế hơn các đối thủ cùng trang lứa ngay từ vạch xuất phát.
Tại Trung Quốc, số các trường nghệ thuật uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay và luôn có tỷ lệ chọi cao. Nạn quấy rối tình dục hay cưỡng hiếp đã xảy ra ngay từ các lò đào tạo.
Tháng 5/2017, nền giáo dục và ngành giải trí chấn động khi Học viện Điện ảnh Bắc Kinh bị nữ sinh tố cáo là "động cưỡng dâm". Một số nữ sinh sau khi tốt nghiệp đã chia sẻ về nỗi đau họ gánh chịu trong những năm ngồi dưới ghế ngôi trường nghệ thuật danh tiếng.
“Nếu không nghe lời trở thành nô lệ tình dục họ thì sẽ bị dọa dẫm, trì hoãn việc cấp bằng tốt nghiệp hoặc thi trượt”, một nữ sinh nghệ thuật kể.
Tại Hàn Quốc, cách đây ít ngày, giáo sư, diễn viên danh tiếng Jo Min Ki bị tố đã nhiều năm quấy rối, xâm hại các nữ sinh. Diễn viên Song Ha Neul kể cô cùng bạn bè thường bị giáo sư rủ đến nhà qua đêm. Jo Min Ki sẵn sàng quấy rối các học viên ngay giữa lớp với lý do "thị phạm diễn xuất".
Đa số các nạn nhân đều im lặng chịu nhục cho đến khi ra trường bởi họ hiểu tấm bằng vẫn là cánh cửa để họ bước chân vào showbiz một cách chuyên nghiệp.
Một nhà sản xuất phim ở Trung Quốc thừa nhận nếu ngoài 20 tuổi bạn vẫn chưa có tên tuổi thì rất khó có khả năng thành công ở tuổi 30. Nghệ sĩ tại showbiz không có nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp.
Trong khi đó, quyền quyết định những gương mặt trẻ có thể thành công hay không lại nằm trong tay biên kịch, nhà sản xuất, công ty giải trí hoặc lời giới thiệu của tên tuổi gạo cội. Vì thế, câu chuyện về những cô gái trẻ đẹp cùng các ông lớn chưa bao giờ có hồi kết.
"Tất nhiên, có người cam tâm vui vẻ để đánh đổi, có người cắn răn chịu nhục", nhà sản xuất này chia sẻ trên HKChannel.
Giá nào khi chống lại đế chế quyền lực
Luật sư Samuel Seow, người chuyên tư vấn luật cho các nghệ sĩ ở Singapore, trả lời trên Straits Times: "Tôi thường nhận được những lời kêu cứu từ các nghệ sĩ trẻ". Luật sư cho biết từng có một phụ nữ đến gặp ông đòi kiện khi bị cắt vai khỏi show dù đã ký hợp đồng.
"Cô ấy là người mới và cô ấy cảm thấy thật tồi tệ khi bị yêu cầu phải hy sinh cho kịch bản. Cô ấy không đồng ý và bỏ đi. Sau đó, cô ấy bị gạch khỏi show", luật sư 44 tuổi kể.
Tất nhiên, ở vị trí luật sư, ông đã chia sẻ vụ việc trên trang Facebook. Ông cũng mong những người biết chuyện lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nghệ sĩ kia.
"Chẳng ai muốn làm điều đó vì người đuổi cô ấy là nhà sản xuất có tên tuổi. Ngành giải trí hàng năm có hàng nghìn cô gái trẻ đẹp, thanh niên ưu tú xuất hiện. Nhưng số lượng người có quyền quyết định lại ít hơn rất nhiều. Quyền lực của họ là tuyệt đối", Seow nói.
Ở Singapore, vấn nạn xâm hại tình dục không nghiêm trọng và sỗ sàng như một số quốc gia khác bởi làng giải trí nước này không phát triển. Tuy nhiên, theo Straits Times, quyền lực thì ở đâu cũng như nhau.
Nữ diễn viên Vanessa Ann Vanderstraaten có 8 năm trong ngành giải trí thừa nhận: "Tôi có quá nhiều ký ức muốn quên. Tôi từng casting phim và sẵn sàng tuyên bố với đạo diễn sẽ không ngủ với anh ta để đổi vai. Còn anh ta khi đó đã nhìn tôi và hỏi tại sao lại không".
Người mẫu Vivien Ong-Patenaude, Sara Ann Krishnamoorthy từng bị mất việc khi không chịu hợp tác trong cảnh khoe ngực. Cô tức giận khi bị sàm sỡ công khai và rồi bị hắt hủi với lý do "thiếu chuyên nghiệp".
Môi trường showbiz không có nhiều sự ràng buộc về luật pháp, càng thiếu yếu tố bảo đảm quyền cho các nghệ sĩ và càng dễ cho sự loại bỏ bất kỳ ai.
Trên Sina, Dương Mịch nói cô là người may mắn khi có thể tồn tại giữa cạm bẫy mà không cần đánh đổi. Tất nhiên, sự may mắn đó cũng có nghĩa nhiều năm cam phận vai phụ dù xuất thân tốt.
Cô từng bị hất khỏi vai nữ chính chỉ được giao vai a hoàn khi không làm theo yêu cầu "gợi mở" từ nhà sản xuất hay bị tát ngay trên phim trường.
"Năm đó, khi đóng Hồng lâu mộng, nhiều diễn viên trẻ hiểu đây là cơ hội vàng giúp họ đổi đời. Họ tìm mọi cách để chen chân vào những vị trí không hợp với họ bằng một giá rất đắt", cô khẳng định.
Thư ký Hiệp hội diễn viên Hong Kong, bà Dư An An thừa nhận sự đánh đổi là điều khó tránh tại showbiz nếu muốn tồn tại bởi các nghệ sĩ kém tiếng chỉ là hạt cát giữa sa mạc. "Còn phần còn lại quyền lực kia là chúa trời", bà nói.
Nghệ sĩ không dám lên tiếng, tội ác không bị trừng phạt
Luật sư Samuel Seow khi nói về xâm hại tình dục tại showbiz tán đồng quan điểm cho rằng khi tội ác không bị trừng phạt, tội ác càng lấn tới. Các nghệ sĩ nữ sợ nói ra sự thật, e ngại bị phong tỏa và xấu hổ trước công chúng.
"Điều quan trọng hơn, họ sợ không ai tin họ. Ở ngành công nghiệp này, mọi người bàn tán về bạn. Cuộc sống của họ sẽ trở nên bi đát khi không ai tin", Samuel Seow nói trên Sunday Times.
Trong nhiều trường hợp, giá trị của nghệ sĩ còn bị định đoạt bởi các anh hùng bàn phím trên mạng xã hội. Họ cho rằng đó là câu chuyện mua vui gây chú ý để sớm nổi tiếng.
“Tôi nghĩ rằng các nghệ sĩ cần tự bảo vệ chính mình. Các tổ chức nhân quyền ngày càng có tiếng nói, sẵn sàng lắng nghe mọi nỗi đau nếu các bạn lên tiếng”, thư ký Hiệp hội diễn viên Hong Kong chia sẻ.
Diễn biến tại showbiz Hàn Quốc trong dịp đầu năm 2018 đã cho thấy sức mạnh từ sự đồng lòng của các nghệ sĩ trên toàn thế giới. Phong trào Me Too lan tới Hàn Quốc, nhiều diễn viên để hashtag này cùng câu chuyện về đời mình.
Ngay sau đó, diễn viên gạo cội Cho Jae Hyun, Jo Min Ki, giám đốc nhà hát Lee Yoon Taek đã phải cúi đầu trước những tội ác trong quá khứ.
Theo Hiểu Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)