Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên bày tỏ hi vọng sau siêu phẩm "Kong: Skull Island", sẽ có thêm nhiều bom tấn Hollywood được quay tại Việt Nam.
- Khoảng 80% bối cảnh của phim "Kong: Skull Island" được quay ở Việt Nam. Là người tiếp đón đoàn và từng gặp gỡ họ, ông cảm thấy thế nào khi bộ phim ra mắt?
- Tôi thấy rất vui và hy vọng bộ phim sẽ thu hút sự chú ý của khán giả. Điều tự hào là hình ảnh, vẻ đẹp của Việt Nam xuất hiện trong bộ phim bom tấn, đầu tư hàng trăm triệu USD sẽ có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Điều này đồng nghĩa du khách khắp thế giới sẽ thấy sức hút của vẻ đẹp Việt Nam thế nào. Quảng bá du lịch không gì hiệu quả bằng điện ảnh. Qua bộ phim này, tôi hy vọng Việt Nam sẽ là điểm lựa chọn của nhiều đoàn phim lớn trên thế giới.
Điều hy vọng thứ hai là từ đây sẽ có thêm nhiều nhà làm phim lớn đến Việt Nam quay. Điều này còn mở ra những cơ hội hợp tác giữa điện ảnh Việt và các nước.
Thứ trưởng Vương Duy Biên. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Trong những lần đến tham quan phim trường phim, gặp gỡ đoàn phim, ông ấn tượng thế nào?
- Tôi được tới trường quay và gặp nghệ sĩ nổi tiếng của Hollywood, những người trước đây mình chỉ xem trên màn ảnh. Tôi rất mê điện ảnh vì thế gặp được họ rất vui.
Điều tôi nhớ nhất là phim trường được tạo nên hoành tráng, mọi thứ đầu tư quy mô, khác hẳn những gì mình hình dung. Vì thế, tôi thấy choáng ngợp khi chứng kiến họ sắp xếp, chuẩn bị đạo cụ công phu.
- Để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những chính sách hỗ trợ thế nào với các đoàn phim nước ngoài?
- Tất nhiên là bộ, ngành sẽ có những ưu ái, tạo điều kiện để họ đến quay. Khi Kong: Skull Island đến Việt Nam, Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan ban ngành khác tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục để đoàn phim thuận tiện hơn.
Nói chung là các ban ngành đã tạo điều kiện tối đa. Với đoàn làm phim lớn, đạo cụ đầu tư, đồ sộ như Kong: Skull Island, lần đầu tới Việt Nam nên chúng ta chưa quen, thủ tục còn khó. Đó là kinh nghiệm để sau này chúng ta đón tiếp những đoàn phim lớn dễ dàng hơn.
Hiện nay cơ chế của nước ta đã thoáng nên không phải thay đổi gì nhiều. Chỉ có điều sau này thủ tục cấp phép sẽ nhanh hơn, địa phương có cách tiếp đón thuận lợi hơn. Ngoài ra, chính sách về thuế như tạm nhập, tái xuất với những đạo cụ trong phim sẽ được tính với giá khuyến khích.
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác giữa điện ảnh Việt và quốc tế khi có đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam?
- Tôi nghĩ qua cách làm phim của nước ngoài, người làm phim Việt sẽ học được nhiều thứ. Đó là cách tư duy, sản xuất, đặc biệt là cách làm truyền thông bài bản từ lúc bắt đầu đến khi quay và phát hành.
Cảnh đẹp của Việt Nam trong phim. |
- Điện ảnh Việt năm 2016 không có nhiều bộ phim gây tiếng vang và không ít đã thua lỗ. Ông nhận định gì về tình hình phim ảnh hiện nay?
- Tôi cho rằng điện ảnh Việt càng ngày càng làm tốt vì các nhà làm phim Việt có dịp cọ xát nhiều tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Việc tiếp các đoàn làm phim nước ngoài cũng là cách học hỏi hiệu quả.
Kong: Skull Island được khán giả Việt Nam đặc biệt quan tâm khi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng ê-kíp làm phim hàng trăm người đã đặt chân tới vịnh Hạ Long, Quảng Bình và Ninh Bình để ghi hình bom tấn suốt hơn một tháng vào hồi đầu năm 2016. Bộ phim có kinh phí đầu tư lên tới 185 triệu USD. Tổ chức nhiều buổi họp báo tại các thành phố lớn trên thế giới hồi tuần trước, Kong: Skull Island rất được giới phê bình ủng hộ. Trên chuyên trang Rotten Tomatoes, phim hiện đạt điểm 80%. |
Theo Bích Hằng (Tri Thức Trực Tuyến)