Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, ngành kinh doanh trên thế giới đang áp dụng những kỹ thuật hiện đại và tối tân nhất để mang đến trải nghiệm độc đáo nhất cho người dùng. Và trí tuệ nhân tạo chính là một trong những từ khóa phổ biến nhất khi những năm gần đây, nó đang được áp dụng triệt để vào tất cả các ngành nghề nhằm đẩy mạnh hiệu suất cũng như giải quyết các vấn đề nan giải mà sức người không làm được.
Tưởng chừng chỉ là giải pháp cho các ngành công nghiệp nặng, trí tuệ nhân tạo giờ đây đã có những bước "xâm lấn" ngoài sức tưởng tượng ở lĩnh vực nghệ thuật, giải trí. "Thần tượng ảo" chính là thành phẩm tiêu biểu nhất của trí tuệ nhân tạo khi nó đã và đang trở thành một xu hướng kinh doanh đầy tiềm năng mà các ông lớn trong ngành giải trí không thể nào ngó lơ.
"Sàn thương mại" tỷ đô của showbiz châu Á
Năm 2017, cả thế giới không khỏi bất ngờ khi Nhật Bản lần đầu tiên có một nữ ca sĩ ảo được ra đời mang tên Hatsune Miku. Thời điểm đó, Miku trở thành nữ thần tượng đình đám không chỉ trong khu vực châu Á mà tên tuổi còn vươn ra các quốc gia châu Âu. Sự nổi tiếng của Miku đã mang về cho cô hàng loạt hợp đồng tiền tỷ với các nhãn hàng lớn, độ phủ sóng không hề kém cạnh bất kỳ một ngôi sao đình đám nào ngoài đời thật.
Theo một thống kê kinh doanh tại Nhật Bản, có thời điểm mỗi sản phẩm âm nhạc của Miku được bán ra với giá 15,750 yên (Tương đương 3.5 triệu VND). Chính vì là một thần tượng ảo nên tất cả các công đoạn sản xuất Miku không cần tham gia, không gặp bất kỳ trở ngại nào nên tiến độ các sản phẩm được ra mắt cực kỳ nhanh để đảm bảo nhu cầu mua hàng của khán giả trên toàn thế giới. Miku đích thị là "con gà đẻ trứng vàng" khi đã đẩy thương hiệu của công ty sản xuất lên một tầm cao và thu về mức lợi nhuận khổng lồ mà chưa chắc những nghệ sĩ thật có thể làm được.
Tiếp nối cuộc chơi đầy mới mẻ, Trung Quốc là quốc gia tiếp theo đặt chân vào sàn thương mại này với những thần tượng ảo đình đám như: Ayayi, Ling, Lạc Thiên Y, Erio... Những nữ thần tượng này đều được công ty quản lý bày ra chiến lược hoạt động bài bản như người thật: Có mạng xã hội riêng, có các show âm nhạc riêng, hợp đồng quảng cáo trong tất cả các lĩnh vực có thể hái ra tiền.
Trung Quốc với sự phát triển mạnh mẽ về mặt công nghệ thậm chí đã vượt mặt Nhật Bản trong cuộc chơi này dù thần tượng ảo là sáng kiến của đất nước Mặt trời mọc. Theo báo cáo số liệu của trung tâm nghiên cứu thị trường Trung Quốc, ngành công nghiệp này thu hút hơn 400 triệu người đăng ký, thu về hơn 500 triệu đô vào năm 2020 và ước tính có thể tăng trưởng đến 70% trong tương lai với mức lợi nhuận dự kiến lên tới hàng tỷ đô.
Thời gian gần đây, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng bắt đầu náo nhiệt khi "ông lớn" SM Entertainment "nổ" phát pháo đầu tiên với phiên bản ảo của nhóm nhạc tân binh aespa. Mặc dù gây khá nhiều tranh cãi thời điểm ra mắt, nhưng không thể phủ nhận nhóm ảo của aespa đã mang về cho SM những nguồn thu khổng lồ, đi cùng là việc mở ra một đế chế mới trong làng giải trí xứ Kim Chi.
Sau SM, YG Entertainment cũng là công ty cho thấy tham vọng trong việc chinh phục xu hướng này khi chính thức đặt bút ký hợp đồng với nữ thần tượng ảo Han Yoo Ah. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn là một "tay mơ" trong thị trường này nên chỉ mới để công ty con là YG KPlus đảm nhận vai trò định hướng hoạt động cho nữ idol này.
Mặc dù đây chỉ mới là những bước đi đầu của YG, nhưng không thể phủ nhận công ty này đã nhìn ra tiềm năng tuyệt vời của ngành công nghiệp kinh doanh thần tượng ảo, sẵn sàng tham chiến cuộc chơi tỷ đô.
Biện pháp tối ưu cho những vấn đề bất khả kháng của nghệ sĩ thật?
Dù hoạt động 100% trên không gian ảo, song tới thời điểm hiện tại thần tượng ảo đã cho thấy ứng dụng của mình trong thực tế là rất khả quan. Nhìn lại 2 năm gần đây, ngành công nghiệp âm nhạc thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại địch COVID-19. Không chỉ liên quan đến vấn đề sức khỏe, mà hoạt động quảng bá hay tour lưu diễn chính là những vấn đề nan giải nhất.
Trong khi đó, những nghệ sĩ ảo hoàn toàn có thể tổ chức các hoạt động trình diễn vào bất cứ thời gian và không gian nào mà không bị chi phối quá nhiều bởi những vấn đề như: nhân lực, sức khỏe, sân khấu, trang phục,... điều này giúp giảm tải tối đa được chi phí. Hồi cuối năm 2020, thần tượng ảo Erio đã thực hiện một buổi trình diễn kéo dài hơn 9 tiếng đồng hồ thông qua hình thức livestream, thu hút hàng chục nghìn khán giả tham gia chấp nhận trả phí.
Ngành công nghiệp giải trí chưa bao giờ hết khốc liệt khi tốc độ đào thải của nó là quá lớn. Nếu không nỗ lực, người nghệ sĩ có thể sẽ bị loại trừ bởi sự cạnh tranh rất khủng khiếp. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng giữ vững được tinh thần và sức khỏe để có thể hoạt động liên tục với các dự án, lịch trình chằng chịt.
Một lần nữa, thần tượng ảo lại cho thấy sự linh động của mình trong vấn đề này. Là một sản phẩm ảo, nên tất thảy những câu chuyện như ăn uống, sinh hoạt, đi lại, tập luyện,... chỉ là những chế độ đã được lập trình.
Các công ty sản xuất hoàn toàn có thể tạo ra một thần tượng đảm bảo được visual lẫn tài năng mà không cần mất nhiều thời gian tập luyện và họ có thể hoạt động xuyên suốt mà không cần nghỉ ngơi. Thế nên dù lịch trình hoạt động có kinh khủng tới mức nào cũng không là vấn đề với những thần tượng này.
Chưa kể, làng giải trí thời gian gần đây liên tục chứng kiến những mặt tối của các nghệ sĩ. Theo một số nghiên cứu tại Trung Quốc, một bộ phận lớn giới trẻ cảm thấy mất niềm tin vào nghệ sĩ thật và tìm đến thần tượng ảo với một tâm thế tin tưởng hoàn toàn. Sở dĩ, nhà sản xuất sẽ thu thập trải nghiệm của người dùng để hoàn thiện những thần tượng ảo này, nên sẽ đáp ứng được tốt nhất niềm tin nơi người dùng.
Tiềm năng nhưng lắm rủi ro
Có thể thấy, thần tượng ảo gần như là những sản phẩm tiệm cận đến khái niệm hoàn hảo khi nó được hình thành từ những tiêu chuẩn cao cấp nhất. Tuy nhiên, xoay quanh đó là những vấn đề mà trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Trên thực tế, thần tượng ảo vẫn chỉ là những sản phẩm công nghệ và nó hoàn toàn không thể mang đến những cảm xúc chân thật cho khán giả. Sẽ rất khó trong việc tạo ra mối liên kết cảm xúc giữa khán giả và thần tượng ảo, có chăng chỉ là sự yêu thích về mặt thị giác hay những trải nghiệm mới lạ. Thậm chí, trong quá trình hoạt động, những thần tượng ảo này vẫn có nguy cơ bị hỏng hóc, mất kiểm soát do phát sinh lỗi từ hệ thống điều khiển.
Cộng đồng người yêu nhạc từ lâu có lẽ đã quá quen với những concert trực tiếp, những buổi fan-meeting, những cảm xúc vỡ òa khi được chứng kiến, đồng hành cùng thần tượng qua từng mốc thời gian để lưu giữ những kỷ niệm. Đây gần như là một nét văn hóa của cộng đồng người yêu nhạc trên toàn thế giới và tất nhiên thần tượng ảo không thể nào đáp ứng được những vấn đề về mặt cảm xúc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thần tượng ảo cũng chính là cơ hội cho các tội phạm mạng hoạt động để kinh doanh phi pháp hay tạo ra các sản phẩm sai lệch về mặt đạo đức xã hội. Chưa kể, việc sản xuất những thần tượng ảo dựa trên phiên bản người thật cũng gây ra rất nhiều rắc rối về mặt pháp lý hay bản quyền.
Tạm kết
Nhìn chung, sự tiến bộ vược bật trong công nghệ đã và đang nâng tầm trải nghiệm người dùng cũng như tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận cho các công ty sản xuất. Song, nó vẫn chỉ dừng lại ở mức đánh đúng vào trí tò mò của khán giả, còn vấn đề lâu dài sẽ khá nan giải. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng kinh doanh thần tượng ảo là một xu hướng rất đáng để phát triển song song với thế giới thực, và điều quan trọng là những người đi đầu có đủ tỉnh táo để cân bằng được vai trò của những sản phẩm trí tuệ nhân tạo này với giá trị của người nghệ sĩ thật hay không.
Theo Minh Quân (Saostar.vn)