LƯU Ý: BÀI VIẾT CÓ TIẾT LỘ TÌNH TIẾT TRONG PHIM
"Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" (Tạm dịch: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Không biết có phải vì hai câu thơ này quá nổi tiếng mà chỉ mới kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du đã có 2 phim Kiều được lên sóng. Trong đó, Kiều @ là tác phẩm "lấy cảm hứng" ở bối cảnh hiện đại và thực hiện theo phong cách one-shot (một cú máy từ đầu tới cuối). Ấy thế mà chỉ xem được vài phút thôi thì ai nấy đều lắc đầu không biết Nguyễn Du sẽ đau lòng đến thế nào khi thấy đứa con tinh thần bị phá nát như thế này.
Nhân vật chính của Kiều @ là cô gái quê tên Hương (Phan Thị Mơ). Khi lên thành phố học Đại học, cô nhanh chóng lọt vào lưới tình của Định (Trần Trung) - một gã đểu cáng đội lốt thầy dạy piano. Hắn nhanh chóng biến người yêu thành một cô gái gọi hạng sang cho các đại gia "xả xui".
Sau khi Định bị bắt vì buôn ma túy, Hương bỏ nghề và làm lại cuộc đời với chàng bác sĩ điển trai Tùng (Mạnh Lân). Ngay lúc này, tay bạn trai cũ ra khám và rắp tâm bắt Hương trở lại con đường cũ. Định tìm mọi cách để tiếp cận Phấn (Cao Thái Hà) - em gái của Hương. Lúc này, cô phải đứng trước sự lựa chọn giữa hạnh phúc của bản thân và an nguy của cả gia đình.
Nội dung thảm họa chẳng liên quan gì đến Kiều
Lướt qua nội dung, khán giả hẳn sẽ nhận ra Kiều @ chẳng có gì giống Truyện Kiều trừ việc nhân vật chính phải làm "gái bán hoa". Hoàn cảnh của cô cũng chẳng phải bị ép buộc phải bán mình chuộc cha. Trên thực tế, chẳng ai biết lý do rõ Hương phải đi vào con đường ấy là gì. Câu chuyện của cô được kể ngắn đến mức khó hiểu chỉ với vài ba cái nháy mắt.
Khán giả chỉ thấy được Hương trót có thai với Định rồi chuyển thẳng sang việc cô làm gái rồi sau đó là mối tình với Tùng. Thế rồi, phần lớn nội dung phim chính là những màn drama không hồi kết về mối quan hệ tay bốn tay năm giữa Định - Hương - Tùng - Phấn và cả... anh trai của Tùng, vốn từng là "khách quen" của Hương.
Từ đây, đạo diễn Đỗ Thành An liên tiếp đập vào mặt người xem những tình tiết phi lý và dài dòng còn hơn cả Cô dâu tám tuổi. Không rõ phim lấy bối cảnh năm bao nhiêu khi các nhân vật có sử dụng mạng xã hội nhưng gia đình Hương chẳng biết mặt Định dù họ quen nhau đến mức có thai và thậm chí còn xưng hô vợ chồng.
Gia đình Hương cũng chẳng mảy may thắc mắc cô con gái tuổi đôi mươi làm gì ra tiền tỷ gửi về xây nhà khi chỉ mới lên Sài Gòn được hai năm. Bản thân họ cũng chẳng nghèo nàn hay đòi hỏi gì để cô con gái lớn phải "hy sinh" thân mình như thế. Về sau, lý do Hương chấp nhận làm gái là để Định không phải ngồi tù nhưng chính cô cũng là người... tố cáo gã buôn ma túy với công an.
Càng về cuối, Kiều @ càng trở nên nhảm nhí với vô số câu chuyện từ trên trời rơi xuống. Hương bỗng nhiên bị tố thiếu nợ vài tỉ mà không biết từ đâu ra để dẫn tới màn đấu tố có một không hai trên màn ảnh Việt. Khi mọi sự bại lộ, cô cũng chọn cách trả thù Định khó có thể đỡ được thay vì đơn giản là báo công an để rồi đưa đến cái kết khó nuốt trôi.
Kỹ thuật thảm họa mượn danh one-shot
One-shot là phong cách quay một bộ phim chỉ với một cú bấm máy duy nhất kéo dài từ đầu đến cuối. Đây là một kỹ thuật khó với số lượng tác phẩm ít ỏi xuyên suốt lịch sử điện ảnh. Thậm chí, ngay cả Birdman (2014) cũng phải sử dụng kỹ thuật cắt ghép để tạo cảm giác one-shot. Dĩ nhiên, Kiều @ cũng dùng thủ thuật ấy. Song, phim mang đến cảm giác chắp vá tệ hại bởi kỹ thuật yếu kém.
Tác phẩm thường xuyên sử dụng những đoạn tua để kéo nhanh tình tiết một cách nhức mắt. Không những vậy, phim còn thường xuyên dùng tiểu xảo quay cuồng hay hướng máy quay sang đồ vật để chuyển cảnh một cách cẩu thả. Phần kỹ xảo "giả trân" đôi lúc nhìn thấy rõ phông nền xanh chưa xử lý rõ nét.
Câu chuyện phim đã rời rạc, kỹ thuật one-shot kém càng làm cho Kiều @ trở thành một nồi lẩu thập cẩm thảm họa cả về hương vị lẫn hình thức. Nhiều lúc, đạo diễn Đỗ Thành An đưa máy vào sát mặt nhân vật mà chẳng có chủ đích nghệ thuật gì cụ thể. Hiếm hoi lắm phim mới có vài cảnh đúng chất one-shot nhưng không để lại giá trị gì.
Những cảnh nóng trong phim cũng không hề có vai trò gì trừ câu khách. Lấy cảm hứng từ Kiều nhưng không hiểu sao Hương lại hâm mộ và xăm hình Marilyn Monroe lên lưng. Tệ hại hơn, nhân vật đôi khi chẳng thèm chép miệng nhưng thoại vẫn cứ chạy.
Khi nào thì điện ảnh Việt mới hết thảm họa như Kiều @?
Với những mỹ từ như "Kiều thời hiện đại", "one-shot" nhưng Kiều @ chả khác gì một mớ hổ lốn như được sản xuất từ chục năm trước. Thảm họa này cùng với Cậu Vàng (2020) hay các tác phẩm tương tự như Bí Mật Đảo Linh Xà (2019) làm dấy lên câu hỏi rằng điện ảnh Việt bao giờ mới bớt những cảnh nóng câu khách hay có một kịch bản xịn sò mà không phải remake hay chuyển thể?
Theo Dạ Nguyệt (Pháp Luật và Bạn Đọc)