Nữ diễn viên Cao Thái Hà gần đây đang cực kỳ được khán giả yêu mến qua phim truyền hình Tiếng Sét Trong Mưa và Bán Chồng. Trong cùng thời điểm, cô nàng có cả hai dự án truyền hình lên sóng. Nghĩa là tần suất nhìn thấy gương mặt xinh đẹp của Cao Thái Hà đối với khán giả gần như là mỗi ngày. Ở hai phim, Cao Thái Hà biến hoá thành hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Lúc thì cô là mợ Hai Sáng mưu mô, xảo quyệt, lúc lại là Diệu Ngọc sang chảnh, thông minh nhưng hơi tự cao tự đại.
Ngoài đời Cao Thái Hà hoàn toàn không giống như các nhân vật của mình. Cô nàng vô cùng năng động và cực kỳ thân thiện. Đặc biệt, cô gái này dường như có một trí nhớ phi thường. Tiếng Sét Trong Mưa thật ra đã được quay từ năm 2017 - 2018, ấy thế mà những kỉ niệm được cô gái Cao Thái Hà này kể lại vẫn cụ thể, chi tiết như mới xảy ra ngày hôm qua.
Không dùng được từ “đáng thương” cho Hai Sáng
Giữa một dàn toàn những người có diễn xuất dữ dội, bạn có sợ bị lấn át?
Thần thái của anh Cao Minh Đạt khiến tôi hơi sợ, nhưng cũng kích thích. Khi thấy gương mặt hung dữ xuất hiện, tôi hiểu là anh Đạt đang diễn hết sức, với tôi đó là sự may mắn. Tôi bám vào xúc tác từ anh để có phản ứng tự nhiên của Hai Sáng.
Phải nói là nội lực diễn xuất của anh Cao Minh Đạt rất lớn, thể hiện rất tốt và đầy khí chất. Được làm việc với những anh chị có nghề như anh là may mắn cho diễn viên trẻ như tôi.
Anh Đạt bình thường hiền và vui vẻ lắm, sợ là sợ điều gì?
Đúng! Anh Đạt ngoài cực kỳ hiền nhưng khi nhập tâm, đó không còn là Cao Minh Đạt nữa mà là Khải Duy rồi. Nếu có dịp ở phim trường, bạn sẽ thấy sự khác biệt của người diễn viên. Tôi cũng vậy, khi chưa bấm máy tôi vẫn vui vẻ, bước vào cảnh quay, tôi là Hai Sáng. Mọi người thấy đó, Hai Sáng là một người phụ nữ dữ tợn cỡ nào.
Về mặt cá tính, Hai Sáng khá giống Diệu Ngọc ở chỗ cả hai đều đanh đá, chút phần mưu mô có phải vậy không?
Diệu Ngọc không phải người mưu mô. Cô sinh ra trong một gia đình giàu có, cá tính mạnh và có năng lực làm việc. Có chăng là người cư xử hơi lạnh lùng, văn minh, sắc bén và hơi bất cần. Vị trí của Diệu Ngọc không cần phải hại ai để mà mưu mô. Mợ Hai Sáng đúng là người khá xảo quyệt, nhưng là để bảo vệ cho những thứ thuộc về mình. Với Hai Sáng, cô cho rằng mình phải có vai trò và quyền lực trong gia đình nhà bà Hội, khi vị trí đó bị lung lay bởi Thị Bình hay gặp phải vấn đề là chồng vô sinh… thì bắt buộc Hai Sáng phải nảy sinh những mưu mô, ác độc để giành về. Thời phong kiến, mạng người thuộc giai cấp thấp bị coi nhẹ nên việc này như chắp thêm cánh cho những mưu mô của Hai Sáng thêm tàn bạo.
Đồng ý là cả hai người đều rất đanh đá. Không hiểu tôi có duyên hay gì mà cứ vai nào đanh đá tôi thể hiện lại khá được yêu thích. Có lẽ là do mặt tôi khá… dữ. Nhưng xuất thân, mục đích và thời điểm của hai nhân vật đều khác nhau nên cái đanh đá của hai cô cũng không thể giống nhau.
Kể một chút về phân đoạn “cưỡng hiếp” kinh điển của Hai Sáng đi. Đối với một người phụ nữ thì không phải cách quyến rũ Lũ để anh ta tự tìm đến với mình sẽ hay hơn sao?
Tại sao Hai Sáng phải quyến rũ Lũ? Với tình hình xã hội phong kiến và quyền lực của Hai Sáng, giết người còn đơn giản nói gì cưỡng bức. Mợ Hai biết chắc rằng mình thừa sức làm chuyện bậy bạ với Lũ mà không phải chịu hậu quả, nên cô không cần phải bỏ công ra mồi chài.
Khi bước vào phân đoạn cưỡng bức Lũ, tôi chuẩn bị rất kỹ. Tâm lý Hai Sáng có dục vọng, vì bị chồng “cấm vận” rất lâu. Phần lớn động cơ của Hai Sáng là muốn kiếm một đứa con. Hai Sáng đang rất lo lắng việc mình sinh nở, trong khi Thị Bình đã có một cậu con trai rồi. Cậu hai không sinh con cho cô được vì quai bị, Hai Sáng cần một đứa con để tham gia vào cuộc chiến giành gia tài của bà Hội đồng.
Tôi cũng muốn thể hiện sự phân biệt giai cấp trong thời phong kiến. Lũ gần như bị Hai Sáng dồn vào đường cùng. Anh ta hoàn toàn yếu thế cho dù là đàn ông. Người ở giai cấp cao có thể làm mọi thứ, và quyền con người đối với những thân phận thấp kém không tồn tại.
Khi vào vai Hai Sáng, tôi tự nhủ: “Mình là tiểu thư, mình gả vào nhà này đâu có tội tình gì. Mình còn là mợ hai, là con dâu trưởng. Mình xứng đáng có được những đặc quyền của dâu cả. Nếu nhu nhược sẽ mất hết!”.
Tiết lộ một chút với mọi người, Hai Sáng mỗi ngày sẽ tích lũy một chút sự ác độc. Sau này, tới lúc nào đó cô ta không cần một người thân, một ai đứng về phía mình nữa cả. Một mình bà ta chống lại hết cả thế giới. Vẫn sẽ có một khía cạnh thể hiện nỗi khổ của Hai Sáng, bởi vì cô ấy chỉ có một mình. Giữa những thành quả của tranh giành, Hai Sáng trở thành một bà già cô đơn nhưng vẫn không biết đâu là đúng là sai. Đó là sự khốn khổ nhưng vẫn lạc lối của Hai Sáng.
Nhân vật này là kiểu người không còn đường để làm lại nữa, Hai Sáng ngày một lún sâu hơn vào con đường sai trái mà cuối phim cái giá cô phải trả là rất lớn.
Một tiểu thư như mợ Hai mà đi cưỡng bức, đi cầu xin chồng trở về thì có hơi “mất giá” quá không?
Thực ra thì trong xã hội cũng vậy, khi đã bị dục vọng và ham muốn khống chế thì còn ai cần liêm sỉ, hay giá trị gì nữa. Như bây giờ mọi người hay gọi là “ế quá mất liêm sỉ”, mợ Hai Sáng cũng thế thôi. Cô ta đã bị dục vọng và nhiều động cơ khống chế thì làm sao còn nghĩ tới giá trị của một tiểu thư được.
Ngoài lòng tham, dục vọng thì còn sự đố kỵ điều khiển Hai Sáng. Cô nhìn thấy Bình được chồng cưng hết mực, nhìn lại bản thân thì bị ghẻ lạnh, tối ngủ một mình. Hai Sáng thầm ghen tỵ với Thị Bình và đó cũng là một trong những động cơ của cô.
Cho dù tàn ác, Hai Sáng đáng thương hay đáng trách hơn?
Đáng trách chứ! Không dùng từ “đáng thương” cho Hai Sáng được. Vì từ cốt cách đã xấu và sai lầm cô ta mắc phải càng ngày càng lớn hơn. Hai Sáng chính là kiểu người đã không còn nhân tính mà còn phải bị loại trừ khỏi xã hội. Tôi muốn thể hiện rằng Hai Sáng đại diện cho những người sống sai trong xã hội, sai tới mức bản thân đã không còn nhân tính nữa và phải chịu sự trừng phạt.
Không dùng được từ “đáng thương” cho mợ Hai Sáng. Từ trong tư duy, cô ta giống như những kẻ giết người khác, phải cho rằng giết người là đúng thì mới có thể ra tay. Không ai chấp nhận hay thông cảm được cho những tư duy sai trái chuẩn mực xã hội, đạo đức như vậy cả.
Tôi từng được một tiền bối hướng dẫn rằng: “Tại sao mình phải ngại, và luôn cho rằng kẻ phản diện phải quay đầu làm người? Không! Xã hội vẫn có những trường hợp đến chết vẫn không thấy hối tiếc. Vậy thì người diễn viên phải thể hiện được những nhân vật ấy cho khán giả”.
Diệu Ngọc – cô gái đáng thương nhưng vẫn phải duy trì vẻ văn minh, sự kiêu ngạo của Cao Thái Hà trong Bán Chồng
Diệu Ngọc cũng thích dùng quyền lực, tiền bạc để đàn áp người khác, khá là giống Hai Sáng?
Đối với Ngọc, cô ta không xấu. Khi Ngọc bỏ tiền mua anh Vui về làm chồng thì đó là cái cô ấy phải làm để con mình có một người cha. Nghĩ tới ba mẹ, dòng họ và địa vị xã hội, cô không thể không chồng mà có con. Lỗi ở đây chỉ có anh Vui, anh ta không kiểm soát được mình và tự khiến mình trở thành quân cờ cho Ngọc.
Đúng là Ngọc ích kỷ, nhưng đó là cô nghĩ cho gia đình, con cái của mình. Tôi không nghĩ Ngọc là người đáng trách. Khi có con rồi, chúng ta sẽ cảm nhận được là cả cuộc sống tụ hội vào sinh linh nhỏ bé sắp vì mình mà ra đời. Bản thân Ngọc không có lỗi, cô ấy không biết Hưng có vợ. Nhưng khi có con, Ngọc phải bảo vệ đứa trẻ của mình bằng mọi giá. Ngọc muốn đẩy Hưng ra khỏi cuộc sống vì cô không chấp nhận gã đàn ông lừa dối kia. Sau này Ngọc hối hận và biết mình sai và cũng có cố gắng chuộc lỗi.
Không biết khán giả có thương Diệu Ngọc không, nhưng tôi thì khá thương cô ấy. Ngọc là tuýp phụ nữ đủ thông minh để nhận ra lỗi sai của mình và cố gắng chuộc lỗi.
"Đá nhẹ" qua chuyện tình duyên của Cao Thái Hà
Ngọc không biết đối phương có vợ, nhưng cô ta có thể thích một gu đàn ông cố định?
Tôi sẽ trả lời từ khía cạnh cuộc sống. Bản thân tôi chưa bao giờ là người thứ ba, nhưng tôi biết một trường hợp. Cô gái này luôn yêu phải những người đàn ông có gia đình. Giống như định mệnh, nhưng cô này luôn rung động trước những người đã yên bề gia thất. Thậm chí, cô không có cảm xúc nổi với những người chưa có gia đình. Có thể là một số người thích sự từng trải, vững chãi của người đàn ông, nhưng xui thay họ chỉ gặp những anh những chú có được sự từng trải đó sau khi đã lập gia đình.
Đó vừa là gu của từng người, vừa có một chút trái khoáy của số phận. Diệu Ngọc cũng giống như cô gái tôi từng chứng kiến. Tôi không ủng hộ nhưng cũng không đánh giá, mỗi người có một cuộc đời, ai nấy đều sẽ phải nhận hậu quả cho những gì mình làm.
Còn đời sống tình cảm của Hà thì sao? Hiện tại có ai quan trọng trong đời không?
Sau khi ba mất thì cuộc sống tình cảm, cá nhân của tôi đang rất hỗn độn. Sau khi chia tay một người, thì tới giờ tôi vẫn chưa tìm kiếm được ai. Dù có cho bản thân tìm hiểu, cơ hội nhưng vẫn chưa tìm được.
Hà có sợ “vai diễn vận vào đời” không? Số phận của Hai Sáng, cái gì cũng có nhưng tình cảm thì không, sẽ vận vào đời mình?
Tôi sợ “Vai diễn vận vào đời” lắm chứ! Nhưng nếu không tìm được một người tâm đầu ý hợp thì phải chịu thôi, tôi sẽ không chấp nhận một người không thể hiểu cho cuộc sống và công việc của mình. Thà một mình còn hơn ở bên cạnh người khác mà vẫn cô đơn. Tôi hiện tại vẫn đợi một người thực sự hiểu mình, sẵn sàng đi chặng đường lâu dài với mình.
Bây giờ hay có một kiểu quan niệm là “dùng tiền mua hạnh phúc”, Hà có đồng tình với quan niệm này ?
Cho dù sau này tôi trở thành người “bỏ tiền mua hạnh phúc”, hay người khác “bỏ tiền mua hạnh phúc” với tôi thì Hà… cũng lo lắng. Với tình trạng báo chí cứ khắc họa nhân vật đanh đá của Cao Thái Hà bây giờ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân. Người đàn ông đến với mình, mà bị ấn tượng bởi vai diễn của tôi sẽ dễ liên tưởng rằng ngoài đời tôi cũng giống trong phim. Nên không trách được khi họ dè chừng khi tìm hiểu, phải chấp nhận!
Một khi đã cố gắng đạt được thành công thì phải chấp nhận con đường tình duyên gian nan. Nhưng tôi sẽ không trở thành Hai Sáng – một người quá cô đơn mà biến chất. Ngược lại, nếu có tiền thì tôi không tiếc để bồi đắp cho mối quan hệ của mình. Còn việc “dùng tiền mua hạnh phúc”, giờ tôi vẫn chưa tới tuổi lo nghĩ việc đó đâu nhưng sau này, tuổi già ập đến mà cô đơn quá thì chắc vẫn sẽ xem xét.
Nhưng tiền vẫn là một cách để bày tỏ tình cảm qua vật chất. Người đàn ông thể hiện sự quan tâm qua những món quà với người mình yêu là bình thường, ngược lại phụ nữ cũng vậy! Không có gì sai cả mà chỉ có nghĩa rằng người được tặng quà rất quan trọng, và tôi không tiếc chút vật chất để bày tỏ tầm quan trọng của họ với tôi.
Hiện tại, bây giờ tôi vẫn chưa tin vào chuyện tiền có thể mua được hạnh phúc, hay cảm xúc của người khác dành cho mình. Nhưng nếu tôi sẵn sàng đồng hành cùng một người thì chuyện chia sẻ giữa hai người là tất nhiên.
Nếu tình thế “bắt buộc” lựa chọn, Hà sẽ bỏ gì và chọn gì?
Nếu bắt buộc phải chọn, tôi sẽ bỏ tình yêu, chọn gia đình, sức khỏe và sự nghiệp. Tính ra bỏ một nhưng vẫn chọn được ba thì vẫn lời. Cảm xúc yêu đương rồi cũng sẽ qua thôi nhưng gia đình, máu mủ của mình thì vẫn phải chăm sóc, bảo vệ.
Cám ơn Hà đã chia sẻ với chúng tôi trong buổi phỏng vấn hôm nay.
Cả hai phim truyền hình của Cao Thái Hà hiện vẫn đang được phát sóng đều đặn. Tiếng Sét Trong Mưa lên sóng lúc 20h các ngày thứ 2 - 7 hàng tuần trên THVL1. Bán Chồng lên sóng lúc 21h40 các ngày thứ 2 - 3 hàng tuần trên VTV3.
Theo Paul (Helino)