Hiện tượng 'nhập siêu' văn hoá
Sáng 29/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Đề xuất tăng thuế lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa, thể thao nhận được sự quan tâm của một số đại biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu, nhưng chúng ta không thể “lạc quan tếu” với sự phát triển văn hoá của đất nước.
“Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng nhập siêu văn hoá, ở đó ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống, thậm chí cả suy nghĩ từ nước ngoài đang gặm nhấm, tàn phá tâm hồn người Việt. Nhiều người cay đắng nói rằng, người Việt đang ở đây, nhưng tâm hồn, tinh thần bị thao túng bởi Facebook, YouTube, Tiktok hết rồi”, ông Sơn nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa cho rằng, không thể chỉ nhìn một, hai bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải thu được vài trăm tỷ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng, vì đang có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng.
“Chúng ta không thể chỉ nhìn thấy một, hai chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà tưởng rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam giàu có vì hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang sống trong cảnh khó khăn”, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho hay.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì văn học, nghệ thuật khai mở cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương cho con người.
Trong 3 mục tiêu của giáo dục là “chân, thiện, mỹ” thì văn học, nghệ thuật chiếm đến hai mục tiêu này. Sáng tạo văn học, nghệ thuật luôn tiên phong khai mở cho con người yêu cuộc sống, vì vậy luôn đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải xả thân.
Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng, một xã hội văn minh là xã hội biết lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo của văn nghệ sĩ và những người thực hành văn hoá.
“Tôi cho rằng, đây là giai đoạn chúng ta rất cần “chấn dân khí” vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, chúng ta rất cần ủng hộ, khuyến khích có những sản phẩm văn hoá của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam, để từ đó chúng ta có thêm tình yêu, có thêm niềm tin và tự hào đối với sự phát triển văn hoá của dân tộc”, ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Đó là lý do tại sao ông Bùi Hoài Sơn mong muốn cần phải có điều kiện liên quan đến phát triển văn hoá, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Làm sao để thuế không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, cho tinh thần tự tôn dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học, nghệ thuật đem lại.
Tăng thuế sẽ dập tắt cơ hội phát triển văn hóa?
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ trăn trở với vấn đề liên quan mật thiết đến ngành văn hóa, thể thao, và du lịch.
Đại biểu đoàn Bạc Liêu băn khoăn khi dự thảo luật không những không giữ mức thuế ưu đãi như hiện nay mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi.
“Việc tăng thuế giá trị gia tăng tại thời điểm này sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn đang non trẻ", đại biểu trăn trở.
Đại biểu đang là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, kiến nghị tiếp tục duy trì mức thuế suất 5% cho các hoạt động văn hóa, thể thao nói chung để đảm bảo tính khả thi và linh hoạt trong quản lý.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thu Đông cho rằng, đối với việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc lịch sử truyền thống của dân tộc thì nhà nước hay tư nhân đều được hưởng.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị nên ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật, cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước.
“Cần tránh tư duy không quản được thì cấm, tạo nên những rào cản cho các tổ chức, cá nhân thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa”, bà Đông cho hay.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)