Sau khi TAND Hà Nội tuyên Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh từ Ngày xưa, Việt Tú tuyên bố "tôi đã có một chiến thắng lịch sử". Một ngày sau, Hoàng Nhật Nam ra Hà Nội và gửi tâm thư đến tòa án bày tỏ sự "uất ức, ngỡ ngàng" vì tác phẩm của mình bị tuyên là phái sinh.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Hoàng Nhật Nam khẳng định phái sinh không phải là đạo nhái, copy như nhiều nhiều người chỉ trích, tuy nhiên, anh khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ của mình không phái sinh từ vở diễn của Việt Tú.
"Phái sinh không có gì xấu, nhưng tôi không phái sinh"
- Sau khi TAND Hà Nội tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” của anh là tác phẩm phái sinh từ “Ngày xưa” của Việt Tú, anh đã gửi tâm thư đến tòa. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú khuyên anh nên dừng lại?
- Là tác giả của Tinh hoa Bắc Bộ nhưng tôi lại chỉ được biết phán quyết của toà về tác phẩm của mình qua báo chí. Tôi uất ức và thật khó hiểu khi “đứa con” của mình bị tuyên là tác phẩm phái sinh trong khi tôi không hề được triệu tập đến phiên tòa để được nói tiếng nói của mình.
Tôi sẽ không dừng lại như lời khuyên của ông Việt Tú, tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này. Đó là mạng sống, là danh dự của tôi.
- Không chỉ tòa mà Hội Nghệ sĩ sân khấu với tư cách hội chuyên môn nghề nghiệp cũng kết luận tác phẩm của anh là phái sinh.
- Là một nghệ sĩ, tôi rất tôn trọng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đó là tổ chức có rất nhiều cô chú, anh chị em đáng kính. Nhưng nể trọng là một chuyện, còn văn bản của hội, khẳng định tác phẩm của tôi là phái sinh, tôi không thấy thuyết phục.
Hội Sân khấu không đủ thẩm quyền để giám định và kết luận đó có phải là tác phẩm phái sinh hay không? Và nếu như không đủ thẩm quyền thì đương nhiên văn bản của Hội không thể gọi là căn cứ để kết luận.
- Theo anh, phái sinh có phải là xấu?
- Phái sinh thực ra không có gì xấu, bản chất là một hình thức nghệ thuật được định danh. Nhưng mọi người đang hiểu phái sinh là copy, sao chép, đạo nhái, thực tế không phải như vậy. Nhưng đấy là nói về khái niệm, còn tôi khẳng định tác phẩm của tôi không phải phái sinh.
Một tác phẩm phái sinh phải có các yếu tố sau: Xây dựng trên nền một tác phẩm gốc, thể hiện tác phẩm dưới hình thức khác, và không được phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.
Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ không có ba mối quan hệ như vậy, tại sao Hội Nghệ sĩ lại kết luận đó là tác phẩm phái sinh? Cũng cần nhấn mạnh rằng tác phẩm của tôi đã được Cục Bản Quyền tác giả đã cấp giây chứng nhận. Tôi và tất cả các cộng sự của tôi luôn khẳng định tác phẩm của tôi là độc lập.
"Tôi có xem vở của Việt Tú nhưng là để tránh"
- Nếu ai từng xem cả hai vở đều thấy rõ "Tinh hoa Bắc Bộ" của anh và "Ngày xưa" của Việt Tú giống nhau cơ bản về nền tảng sân khấu, trong khi vở của Việt Tú lại diễn ra trước. Anh nói gì?
- Hai vở diễn cùng một sân khấu do chủ đầu tư đã xây dựng sẵn. Ngày xưa là thuần về cuộc sống người nông dân và múa rối nước, còn Tinh Hoa Bắc Bộ của tôi là nói về văn hóa của cả vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn và đi qua lịch sử ngàn năm.
Tuy nhiên, kể cả cùng chủ đề thì ví dụ như chủ đề về quê hương, có nhiều bài thơ cùng chủ đề này, hay chủ đề về tình yêu, có nhiều bài hát về tình yêu. Người viết trước, người làm sau không thể nói là phái sinh.
- Nhưng ý tôi muốn hỏi là nền tảng sân khấu - thứ được cho là làm nên diện mạo của loại hình sân khấu thực cảnh. Hai vở có rất nhiều điểm tương đồng như không gian hồ nước, đường đi, đặc biệt là thủy đình chuyển động?
- Những thứ bạn kể thì nó là công trình kiến trúc, mà trong hoàn cảnh này là sân khấu. Nó không phải là tác phẩm. Về không gian hồ nước, đường biểu diễn của diễn viên hoàn toàn không giống, còn về ý tưởng thủy đình chuyển động thì bản thân công trình này theo tôi được biết là của một ê-kíp nước ngoài thực hiện, chứ cũng không phải của Việt Tú.
- Nhiều chuyên gia cho rằng để làm một vở thực cảnh phải mất vài năm, anh chỉ cần vài tháng đã ra mắt tác phẩm. Bằng cách nào, anh làm nhanh được như vậy?
- Bỏ qua việc xây dựng nhà hát và cơ sở hạ tầng thì thời gian cho một vở diễn dài hay ngắn phụ thuộc hoàn toàn vào việc hoàn tất ý tưởng kịch bản, trình độ của đạo diễn, kỹ năng tổ chức sản xuất, tài chính sẵn sàng cho vở diễn. Tôi và ê-kíp tạm ngưng tất cả mọi việc, tập trung về dự án “cắm trại”, tôi trực tiếp viết, sửa từng câu chữ trong kịch bản, đi khắp nơi tìm chất liệu...
Thời gian đó, một ngày chúng tôi làm việc gần 20 tiếng. Nhưng không có nghĩa là nó đã hoàn thành 100% ở thời điểm công bố vì đến tận bây giờ tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện thêm, tức là sau gần 2 năm.
- Hỏi thật, anh có xem vở của đạo diễn Việt Tú không?
- Tuần Châu Hà Nội có cho tôi xem, đó là yêu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi xem chỉ với mục đích là để tránh hoàn toàn, không copy, không tái sử dụng hay bị ảnh hưởng kế thừa gì cả! Mỗi vở diễn đều có ưu hay khuyết, đánh giá thuộc về công chúng.
Nhưng tôi cũng là một nghệ sĩ, tôi cũng có tự trọng của một đạo diễn. Tôi khẳng định không đạo nhái, tôi nói bằng tự trọng, danh dự, mạng sống. Nói “đạo” là phủ nhận hết công sức của đội ngũ sáng tạo. Tôi và rất nhiều người từng phải khóc vì quá khó khăn, quá vất vả, đừng tưởng mọi chuyện dễ dàng khi sáng tạo. Nghề đạo diễn, không có khả năng sẽ bị lộ ra ngay.
- Nếu anh khẳng định không đạo nhái, vậy anh nói gì về những điểm tương đồng như cảnh rối nước, chi tiết thiền sư Từ Đạo Hành, nhiều diễn viên chung, nhiều trang phục na ná nhau…?
- Vở của Việt Tú sử dụng 100% bà con nông dân. Tôi thấy như vậy chỉ đạt được hiệu quả ở những cảnh sinh hoạt đồng áng, vui chơi mà hoàn toàn không phù hợp với kịch bản mang tính nghệ thuật trình diễn, giải trí cao. Do vậy, ngoài nông dân, tôi đã casting ở trường Cao đẳng múa Việt Nam, trường Sân khấu Điện ảnh để tuyển chọn vào vở diễn
Trang phục, tôi cũng làm mới hoàn toàn, tôi không sử dụng bất cứ trang phục nào từ vở diễn cũ, toàn bộ đạo cụ tôi bắt buộc bỏ hết. Thiền sư Từ Đạo Hạnh Trong vở của tôi là diễn viên bằng xương bằng thịt đóng, còn Ngày xưa, chỉ có đoạn kệ, không có nhân vật thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Còn bảo trang phục na ná nhau? Bạn hãy hiểu dùm rằng người nông dân thì đương nhiên họ phải mặc đồ nông dân. Thêm nữa, vở Ngày xưa nặng về rối người – người rối, trong khi vở diễn của tôi thiên về thể hiện câu chuyện qua nghệ thuật múa đương đại, dân gian cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác.
- Tại sao anh không dũng cảm làm hẳn một chủ đề khác hoặc không sử dụng thủy đình để tránh bị nói là đạo nhái?
- Thuỷ đình là cơ sở hạ tầng có sẵn mà nhà đầu tư bàn giao lại khi thuê tôi thực hiện Tinh hoa Bắc Bộ. Trên không gian hồ nước, tôi đã sáng tạo ra nhiều cái mới như lầu chuông, gác trống, nhà tranh, cung điện, hồ sen chìm nổi, hệ thống trình chiếu mapping cũng chìm nổi, thuyền mẫu thoải, thuyền chài….
Toàn bộ layout cũ, tôi phá hết, mặt hồ tôi băm nát bằng những bè tre cánh gà, và đã có đến 4 kiến trúc sư tham gia. Tôi đảm bảo khán giả và người có chuyên môn khi đi xem sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác.
"Tôi không làm bừa nên sẽ không nhượng bộ"
- Có người nhận xét anh “đục nước béo cò”?
- Tôi khẳng định tôi rất bận để phải đi kiếm việc theo kiểu nói như vậy. Tôi đã từ chối nhiều lần nhưng nhà đầu tư thuyết phục. Làm một sản phẩm mới mà có những tranh chấp và rất nhiều điều phiền phức, hăm dọa thì có gì là “béo” nhỉ?
- Anh nghĩ gì trước nhận xét hai vở thực cảnh "giống như một căn nhà, Việt Tú là người thiết kế, còn anh chỉ là người trang trí”?
- Vậy bạn sẽ đập bỏ nhà hát khi làm một vở diễn mới? Phái sinh nó thuộc về tác phẩm chứ không phải là công trình kiến trúc. Giá trị nội dung của một vở diễn là tổng hòa rất nhiều thứ. Tôi khẳng định, tôi không làm giống bất cứ thứ gì của vở diễn cũ cả.
Nói thật, nếu như không có thủy đình, tôi còn quá dễ để làm vở diễn của mình. Vở diễn Ngày xưa thì thủy đình hiện diện suốt vở diễn, vở diễn của tôi thủy đình hiện lên 6 phút và biến mất. Và tôi khẳng định lần nữa là theo yêu cầu của nhà đầu tư thì tôi mới sử dụng.
Còn tôi mất nhiều công sức, ngay như một chi tiết nhỏ là đoạn kệ trong vở, tôi cũng phải gặp trực tiếp trụ trì chùa Thầy để xin ý kiến.
Cảnh lều chỏng đi thi hay rước kiệu bay, một cái trâm cài của mẫu Thoải, một cái hoa văn trên cung điện, một đôi guốc sĩ tử đi thi… tôi cũng phải tìm hiểu nghiên cứu văn hóa rất kỹ. Bản thân tôi không phải người Bắc Bộ nhưng là thạc sĩ văn học Việt Nam, tôi không hề làm bừa. Tại sao tôi phải bắt chước?
- Nhiều người trong nghề nhận xét anh rất “hiền lành”. Phải chăng việc quyết tâm theo đuổi vụ kiến đến cùng là quyết định của vợ anh - một doanh nhân nổi tiếng sắc sảo?
- Tôi không phủ nhận vợ tôi làm kinh doanh và sớm tự lập, lại là lãnh đạo của nhiều công ty với nhiều nhân viên. Nhưng với vụ kiện Tinh hoa Bắc Bộ, chính vợ tôi là người không muốn kiện cáo vì không muốn tôi mất thời gian, để dành thời gian, tâm sức cho những dự án khác.
Nhưng trước luồng truyền thông ồ ạt bêu rếu tôi đạo nhái, ăn cắp ý tưởng, tôi quyết định lên tiếng để bảo vệ danh dự của mình và vợ tôi ủng hộ. Tôi hiền thật nhưng không có nghĩa tôi sẽ lùi lại hay nhượng bộ để người khác xâm phạm danh dự.
Đạo diễn Việt Tú khuyên Hoàng Hữu Nhật Nam "dừng lại" và "rút đơn".
Sau phiên tòa, đạo diễn Việt Tú tuyên bố: "Tôi không quan tâm đến bất cứ thứ gì ngoài tuyên bố vở diễn Tinh Hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh”
Ngoài ra, nam đạo diễn còn yêu cầu đạo diễn Hoàng Nhật Nam nên dừng lại và" tự nguyện rút đơn kiện" anh về hành vi xúc phạm nhân phẩm. Việt Tú tiếp tục khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ không phải là tác phẩm độc lập, và nhấn mạnh: "Tôi đã có chiến thắng lịch sử, mong mọi chuyện dừng lại ở đây".
Theo Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)