Là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết Nguyên Đán nên Táo Quân là đề tài nhận được nhiều quan tâm từ giới truyền thông và công chúng.
Trải qua hành trình 15 năm gắn bó với khán giả vào mỗi đêm Giao thừa, thế nhưng Táo Quân cũng vướng không ít lùm xùm gây tranh cãi.
Tin đồn "suất chiếu cuối"
Những ngày cuối năm 2014, cư dân mạng xôn xao với tin đồn cho rằng Táo Quân 2015 bị cấm diễn. Đồng thời, nhiều người hâm mộ đã cùng nhau vận động "hãy cứu lấy Táo Quân 2015". Tin đồn này đã khiến không ít khán giả bất ngờ, hoang mang và tiếc nuối.
Tuy nhiên, khi liên hệ với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, anh cho biết: "Đó chỉ là những tin đồn thất thiệt, mong khán giả hãy theo dõi thông tin từ báo chí chính thống, đừng tin vào những tin đồn trên mạng xã hội".
Những ngày vừa qua, lại có không ít cư dân mạng cho rằng Táo Quân 2019 sẽ là "suất chiếu cuối" của chương trình này. Thế nhưng NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) vừa lên tiếng khẳng định không có chuyện chương trình sẽ dừng phát sóng như những gì đồn đoán.
“Chúng tôi vẫn thực hiện chương trình Gặp nhau cuối năm. Tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một lần nữa chúng tôi chấp nhận ngồi lên lưng hổ, hy vọng tìm được vấn đề gì hay ho hơn để khai thác”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng xác nhận rằng, hiện tại ekip đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lên sóng chương trình này vào dịp cuối năm nay.
Táo Quân 2018 xúc phạm cộng đồng LGBT
Hơn một tuần kể từ ngày phát sóng Táo Quân 2018, chương trình vướng phải ồn ào bởi cáo buộc đưa thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Theo đó, nội dung thư ngỏ của Viện iSEE (viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) và trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT) chỉ ra rằng hình tượng nhân vật Bắc Đẩu (Công Lý) trong Táo Quân 2018 đem đến cái nhìn tiêu cực, bôi nhọ danh dự và hình ảnh của cộng đồng người LGBT tại Việt Nam
Cụ thể, Bắc Đẩu luôn xuất hiện với quần áo, trang điểm hết sức lòe loẹt, dáng đi õng ẹo. Không những vậy, cô Đẩu đanh đá luôn thể hiện bản thân là người chanh chua, lời nói ngoa ngoắt, khó nghe, đồng thời có những cử chỉ lả lơi, gạ tình đối với nam giới trên thiên đình. Theo Viện iSEE và ICS, chương trình đã mang những người LGBT ra “làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại”.
Táo Quân 2017 bị chỉ trích vì chèn quảng cáo lộ liễu
Với không ít khán giả màn ảnh nhỏ, Táo Quân là chương trình mang lại tiếng cười vui vẻ nhưng cũng không kém phần sâu sắc khi đã động chạm đến nhiều vấn đề nóng, có tính thời sự trong suốt một năm qua. Đặc biệt là những màn "chặt chém", "tạo bão" của các Táo càng thêm phần hài hước.
Thế nhưng sau chương trình Táo Quân 2017, trên mạng đã nổ ra cuộc tranh cãi cho rắng khung giờ phát sóng không phù hợp và các tình tiết gây khó chịu cho khán giả.
Ví dụ như việc các Táo lên chầu bằng phi thuyền giống mô hình máy bay có màu tương tự với một thương hiệu hàng không. Hay chi tiết các Táo liên tục chụp hình bằng một hãng điện thoại di động và nhắc tới ứng dụng khá phổ biến... khiến nhiều khán giả không khỏi bức xúc vì cho rằng Táo Quân chèn quảng cáo quá lộ liễu.
Liên tiếp gây xôn xao vì những phân cảnh và lời thoại nhạy cảm
2013 là một năm đầy sóng gió đối với Táo Quân khi liên tiếp gặp nhiều chuyện "trời ơi đất hỡi". Đầu tiên là phải đứng trước nguy cơ bị dừng phát hành đĩa trên thị trường vì nội dung chương trình tổng duyệt và ghi hình chưa được thẩm định nội dung và cấp phép.
Đồng thời, nhiều khán giả cũng cho rằng màn chào hỏi của các Táo khá dài dòng, phản cảm khi hỏi về các vấn đề như phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành phụ nữ và dùng từ "Đẩu pín" khá thô.
Màn đối đáp gây ồn ào
Mặc dù Táo Quân khai thác nhiều đề tài nóng, mang tính thời sự trong cuộc sống nhưng cũng không ít lần, chương trình khiến khán giả ngao ngán bởi những màn đối đáp thiếu duyên dáng giữa các Táo.
Như trong chương trình Táo Quân 2014, câu chuyện liên quan đến bệnh trĩ của Táo Kinh Tế và nhân vật doanh nhân do Thành Trung đảm nhận cũng gây nhiều sóng gió. Màn tung hứng của cả hai có nhiều đoạn được cho là phản cảm, gây khó chịu cho người xem. Sau nhiều góp ý của khán giả xem buổi ghi hình trực tiếp, phân cảnh này đã được cắt bỏ.
Năm 2012, chương trình Táo Quân cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi chế lời hát "tục tĩu" được biến tấu một cách "vô tội vạ" cũng khiến nhiều người xem chạnh lòng. Để phê phán các hiện tượng văn hóa phản cảm trong năm thì chính màn chế lời dựa trên ca khúc "Đường cong" lại sử dụng những ngôn từ khá thô tục như "ai yêu em có nhớ, ai cho tiền em nude" hay gọi người mẫu nude vì môi trường là "con điên"…
Liên tục nhiều năm gặp ồn ào về thoại nhân vật, phía Cục NTBD đã gửi công văn yêu cầu Đài truyền hình Việt Nam phải nộp kịch bản chương trình Táo quân để kiểm duyệt nội dung. Ngay sau khi nhận được văn bản, đạo diễn Đỗ Thanh Hải gây xôn xao khi "lời qua tiếng lại" và cho rằng công văn này không cần thiết, thậm chí thừa.
Tin đồn Xuân Hinh không tham dự Táo Quân vì chê cát-xê ít
Táo Quân là chương trình hội tụ nhiều gương mặt quen thuộc trong lòng khán giả Việt Nam như Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long,… Tuy nhiên không ít người hâm mộ thắc mắc, vì sao chương trình Táo Quân không mời những nghệ sĩ hài nổi danh như Hoài Linh, Minh Vượng, đặc biệt là nghệ sĩ Xuân Hinh - người đã gắn bó với làng hài Việt lâu năm.
Trước đây, Xuân Hinh từng chia sẻ bức hình chụp ảnh trong hậu trường Táo Quân khiến người hâm mộ không khỏi mong đợi sự xuất hiện của anh. Thế nhưng nhiều khán giả đã phải mừng hụt.
Khi đó, có tin đồn cho rằng vì tiền cát-xê quá ít, kết hợp với việc tập luyện vất vả nên danh hài đã từ chối góp mặt tại chương trình. Trước nhiều thông tin trái chiều từ dư luận, Xuân Hinh đã lên tiếng phủ nhận và cho biết lí do lỡ "duyên" với Táo Quân là vì thời điểm cuối năm vô cùng bận rộn trong khi việc tham gia chương trình cần mất thời gian để luyện tập.
Táo Quân 2014 kiện Youtube vì vi phạm bản quyền
Táo Quân 2014 ngay từ khi phát sóng đã vướng phải ồn ào về pháp lí xung quanh việc sở hữu bản quyền của Táo Quân. Trước đó, CNC là đơn vị duy nhất được phép khai thác và phối hợp bảo hộ bản quyền chương trình Táo Quân 2014 trên internet, và nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức phát tán clip "Táo Quân" trên mạng.
Tuy nhiên, sau khi chương trình được lên sóng, trên trang Youtube đã xuất hiện khá nhiều clip. Còn trong nước, mặc dù đa số đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tôn trọng bản quyền thì vẫn có một số cá nhân và đơn vị vi phạm bằng hình thức phát lại trên internet thông qua website và lưu trữ cho phép tải về máy tính cá nhân gây ảnh hưởng lớn về mặt tài chính và uy tín của chương trình.
Cũng chính điều này, công ty Việt Nam CNC chính thức khởi kiện các đơn vị phát tán clip Táo Quân 2014, đặc biệt một trong những mạng xã hội lớn nhất hiện tại là Youtube.
4 năm sau vụ lùm xùm bị vi phạm bản quyền, Táo Quân 2018 chính thức đăng ký bản quyền chương trình tại Mỹ.
Theo Đoàn Hòa (Dân Việt)