Nhiều nguồn thu nhập mới
Thời gian gần đây, nhiều ca sỹ, diễn viên, MC xuất hiện “nở rộ” trên mạng xã hội (Facebook) để chia sẻ trực tiếp (live stream) quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ hay làm “đại sứ” cho các nhãn hàng, tham gia các show lớn.
Theo bảng giá của một công ty tổ chức sự kiện cung cấp, chi phí cho một diễn viên hay MC, người mẫu hạng B đăng bài chia sẻ trên Facebook cá nhân có mức giá từ 35 - 55 triệu đồng. Nếu thực hiện live stream thì giá cao hơn có thể lên tới hàng trăm, vài trăm triệu đồng, chưa kể họ còn nhận được những hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành thuế lại gặp lúng túng khi truy thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ nguồn này.
Trước đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh (TP HCM) đã phát thư mời gần 14.000 chủ tài khoản lên làm việc, trong đó có những cá nhân chuyên phát triển ứng dụng độc lập chạy trên Google, Facebook với doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm.
Việc Cục Thuế TP HCM vừa ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một thanh niên có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trên mạng Facebook, Google, YouTube... không kê khai và nộp thuế, càng khiến dư luận băn khoăn liệu có thất thu thuế đối với các trường hợp có thu nhập khác?
Năm 2017, Cục Thuế TP HCM rà soát tình hình quyết toán thuế TNCN của các cá nhân trên địa bàn, trong số cá nhân chưa thực hiện kê khai đầy đủ thu nhập có 6 văn nghệ sỹ, chủ yếu là ca sỹ hạng “sao” bị truy thu thêm số thuế hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng 1 ca sĩ nộp thêm thuế lên hơn 1 tỷ đồng (tương ứng mức thu nhập mà ca sĩ này “quên” kê khai lên hơn 3,2 tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan thuế phát hiện 2 ca sỹ và thực hiện thu thêm hơn 2,2 tỷ đồng.
Giải pháp phải đồng bộ
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói: “Thu nhập của giới nghệ sỹ phần lớn được nhận trả bằng tiền mặt, không chuyển khoản ngân hàng khiến nguồn ngân sách thất thu. Để nâng cao ý thức việc nộp thuế, các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tuân thủ việc này. Các hợp đồng thuê phải có những quy định, điều khoản trong việc chi trả, chuyển khoản thù lao qua hệ thống ngân hàng”.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho rằng: Nếu đưa tiền mặt giữa hai cá nhân với nhau thì khó thu thuế, khó khăn khi yêu cầu họ chứng minh nguồn tiền có từ đâu. Trong khi đó tại một số nước, tất cả các thanh toán đều dựa trên tài khoản ngân hàng, trường hợp tài khoản có nguồn tiền mặt chuyển vào thì phải chứng minh tiền đó là tiền gì và thực hiện nghĩa vụ thuế chưa?
Tuy nhiên, theo ông Tâm, nói là khó thu thuế trong việc nhận thù lao bằng tiền mặt không có nghĩa cơ quan thuế không làm được. Cơ quan thuế có thể sẽ đối chiếu với người chi trả thu nhập và người nhận thu nhập về khoản cát sê này.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh thất thu thuế không có biện pháp nào tốt hơn là đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Khả năng hợp đồng “âm dương” chỉ có thể xảy ra khi cả đơn vị tổ chức muốn giấu doanh thu, khai doanh thu thấp hơn thực tế. Các doanh nghiệp thuê ca sĩ tham gia các chương trình thường sẽ khai đầy đủ những khoản chi của mình để hợp thức chi phí đầu ra, đặc biệt doanh nghiệp lớn hoặc đài truyền hình. Nên cơ bản họ sẽ không giấu con số đã chi.
TS- LS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) cho rằng: Hiện không chỉ trong giới nghệ sỹ mà có rất nhiều hoạt động cá nhân không khai báo để đóng thuế TNCN nên ngành thuế cũng phải nâng cao trình độ nhân sự, chuyên môn, đặc biệt là hệ thống điện tử thu thuế, công nghệ thông tin để việc truy thu được hiệu quả, công khai, minh bạch.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhiều tổ chức, cá nhân trong thời gian qua đã kiếm được số tiền lớn từ kinh doanh qua mạng nhưng chưa bị truy thu thuế. Động thái của Cục thuế TP HCM sẽ đảm bảo công bằng trong kinh doanh và để mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế. “Đây sẽ là xu thế trong thời gian tới bởi kinh doanh qua mạng đang tiếp tục phát triển”, ông Doanh nói.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế): Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), nhất là hoạt động TMĐT xuyên biên giới, theo ông Huy, một điều hết sức quan trọng, đó là phải quản lý được dòng tiền của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động TMĐT. Để quản lý được dòng tiền, thì không ai khác, cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý giao dịch tiền tệ, đó là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), Mỗi cá nhân hiện đều có mã số thuế riêng do đó có thu nhập phát sinh thì đơn vị trả thu nhập sẽ phải kê phần thuế mà người nổi tiếng được hưởng. Vì phần thù lao mà người nổi tiếng được hưởng, cũng chính là chi phí của đơn vị tổ chức biểu diễn. Mà đơn vị này không dại gì bỏ sót chi phí đầu vào khi kê khai thuế.
Theo Minh Phương (Báo Tin Tức)