Giải thưởng chạy theo xu hướng
Tổ chức lần thứ 16, giải Cống hiến 2023 - vốn được mệnh danh là “Grammy Việt Nam”, thời gian qua đã gây chú ý khi năm nay tiếp tục chứng kiến mùa giải thiếu vắng những sản phẩm âm nhạc hàn lâm, thay vào đó là các sản phẩm mang tính xu hướng của các nghệ sĩ trẻ như: “Bên trên tầng lầu” (sáng tác và thể hiện: Tăng Duy Tân); “Đến giờ cơm” (sáng tác: Minh Cà Ri; thể hiện: Ái Phương); “Gieo quẻ” (sáng tác: Khắc Hưng, thể hiện: Hoàng Thùy Linh, Đen); “Hai mươi hai” (sáng tác: Hứa Kim Tuyền, thể hiện: Amee); “Hẹn ước từ hư vô” (sáng tác: Phan Mạnh Quỳnh, thể hiện: Mỹ Tâm).
Đó còn chưa kể, những chiến thắng gây tranh cãi của một số hạng mục như: Khắc Hưng thắng giải Nhạc sĩ của năm, vượt qua Nguyễn Hải Phong, Phùng Khánh Linh, Vũ và Đinh Mạnh Ninh. Không thể phủ nhận được quãng hoạt động vô cùng năng suất trong suốt năm qua của nam nhạc sĩ, với các dự án cho Hoàng Thùy Linh, Hà Lê… Hay, sự vắng bóng khó hiểu của Tùng, ban nhạc Ngọt, Nhạc của Trang… với những album chất lượng, trong khi đó khi Noo Phước Thịnh chỉ có 1 live show riêng, Trúc Nhân cũng chỉ phát hành 1 sản phẩm duy nhất… vẫn được đề cử.
Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, giải Cống hiến từng khiến giới văn nghệ sĩ háo hức mong chờ mùa giải thưởng đậm tính hàn lâm cũng như giá trị về mặt nghệ thuật. Nhìn vào dự án đã từng chiến thắng hạng mục lớn nhất - Album của năm, có thể thấy được uy tín cũng như chất lượng của giải thưởng này. Có thể kể đến: “Những Ô Màu Khối Lập Phương”, “Độc Đạo” của Tùng Dương, “Chat với Mozart” của Mỹ Linh hay “Đối thoại 06” của Hà Trần… Chẳng vậy mà, khi nhắc đến giải thưởng này, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh phải thốt lên: “Nếu Grammy được trao ở đất nước này, thì sẽ không đủ đề cử cho các hạng mục”.
Kịch bản tương tự cũng diễn ra đối với giải Mai vàng 2022. Trong đó, chiến thắng của Ngô Kiến Huy tại hạng mục Nam ca sĩ được yêu thích nhất gây tranh cãi nhất. Chiến thắng này của anh không nhận được sự ủng hộ từ phía khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng năm qua nam ca sĩ chưa thực sự có nhiều hoạt động nổi bật. Ca khúc giúp anh được đề cử - “Tất cả đứng im” vốn bị xếp vào hàng “thảm họa”. Nhiều ý kiến đánh giá thấp sáng tác của Rin9, cho rằng nội dung vô nghĩa, lời hát sáo rỗng. Sau 2 tháng ra mắt, MV ca khúc chỉ dừng ở mức hơn 3 triệu lượt xem trên YouTube. Thậm chí, bài hát còn được xếp vào danh sách 5 ca khúc thảm họa phát hành năm 2022 trên mạng.
Ngay như giải thưởng Làn sóng xanh có đến gần 3 thập kỷ tổ chức, nhưng đến năm nay mới có chiến thắng đầu tiên dành cho NSND Bạch Tuyết với ca khúc “Về nghe mẹ ru”, hạng mục Sự kết hợp xuất sắc. Trên sân khấu, nghệ sĩ gạo cội chia sẻ: “25 năm Làn sóng xanh, tôi lần đầu tiên được mời tham dự bữa tiệc âm nhạc hết sức thiêng liêng, vinh dự và giá trị. Tôi mới biết được điều này - Làn sóng xanh ngỡ như là tuổi trẻ, ngỡ như là dành cho thế hệ gen Z, thế hệ kỹ thuật số. Nhưng hôm nay, tôi được chứng kiến nhiều hơn thế, rằng Làn sóng xanh là giải thưởng tôn vinh đầy đủ, trọn vẹn, thậm chí còn tiếp sức cho sự tinh khôi của văn hóa Việt, nhân nghĩa, thủy chung, hiện đại”.
Không ngoa khi nói số đông dường như là yếu tố rất quan trọng với các giải thưởng âm nhạc ngày nay. Trong thời đại công nghệ, dễ thấy hầu hết các giải thưởng đều chịu ảnh hưởng của các bảng xếp hạng online, những lượt view trên mạng xã hội. Giải Cống hiến 2023 được trẻ hóa với những cái tên hầu hết đều sở hữu những “bài hát triệu view” như Tăng Duy Tân, Mono, Amee… Đáng nói, cả 4 hạng mục Nam/Nữ ca sĩ của năm, Nghệ sĩ mới của năm và Bài hát của năm sẽ được cả hội đồng chuyên môn lẫn khán giả bình chọn, với tỉ lệ điểm được chia đều 50:50. Làn sóng xanh dù có Hội đồng bình chọn là 200 thành viên để đảm bảo tính công bằng nhưng hội đồng này vẫn đứng sau bình chọn của khán giả. Trong khi đó, lượt view trên mạng xã hội thường là ảo với những công cuộc “cày” view từ người hâm mộ.
Cách nào cân bằng thị trường nhạc Việt?
Không thể phủ nhận, nhạc Việt Nam những năm gần đây đã có được sự tiến bộ vượt bậc. Nhất là khi các sản phẩm âm nhạc như “See tình”, "Ngẫu hứng", "Dễ đến dễ đi", "Hai phút hơn" đã có sức ảnh hưởng vượt biên giới, cùng với đó là các show diễn hoành tráng góp phần hoàn thiện “hệ sinh thái âm nhạc” từ khi ra mắt. Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa giúp nhạc Việt đáp ứng sự cân bằng giữa các thể loại.
Câu chuyện nhạc Việt phát triển mất cân đối không phải đến bây giờ mới được đem ra mổ xẻ. Cách đây 13 năm, PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng thốt lên: “Một nền âm nhạc mà nếu nhìn vào chỉ thấy ca khúc nhạc pop thống lĩnh, thì có thể nói nền âm nhạc đó đang phát triển què quặt. Không đánh giá thấp vai trò của ca khúc, nhưng nếu chỉ có thế thì không thể đại diện và phản ánh đúng diện mạo âm nhạc đất nước”.
Theo nhạc sĩ gạo cội, nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhìn vào đời sống biểu diễn ca nhạc, thì sẽ thấy, sự què quặt đó đang diễn ra hết sức trầm trọng. Ca khúc nhạc trẻ, trong đó không hiếm những bài hát sáng tác theo kiểu “mì ăn liền” thống lĩnh khắp nơi, từ sân khấu biểu diễn cho tới quán hàng ngõ phố, nhạc chuông nhạc chờ… Còn nhiều trong số những người sáng tác ca khúc đó, chưa hề qua trường lớp, chỉ biết chút nhạc lý cũng bỗng chốc trở thành “nhạc sĩ”.
Nhiều ca sĩ không có được chất giọng tốt, cũng chẳng qua đào tạo thanh nhạc, nhưng vì biết cách “lăng xê”, đã rất dễ dàng trở thành ngôi sao. Trong khi đó, những người thực sự có tài năng đã được thế giới công nhận sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài; hay ca sĩ dòng nhạc thính phòng giao hưởng như Bích Thủy, Lan Anh, Thăng Long… thì lại ít có cơ hội được tiếp cận công chúng.
Đến thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, thực trạng trên vẫn chưa có sự thay đổi tích cực, thậm chí nền âm nhạc còn có nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp. “Âm nhạc chỉ có ca khúc là chính, thiếu đi mảng khí nhạc (hòa tấu nhạc cụ dân tộc, thính phòng giao hưởng …). Mà ca khúc thì nặng về ca khúc đại chúng (pop), thiếu đi những bản romance (ca khúc nghệ thuật), những ca khúc pop thường dễ dàng về ca từ, đôi khi buông tuồng thô thiển, vai trò giai điệu bị lu mờ, mất đi sự độc đáo hấp dẫn của âm nhạc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.
Chẳng vậy mà, khán giả từng lắc đầu ngán ngẩm khi những ca khúc thừa hoành tráng, thiếu giá trị nghệ thuật của những “ca sĩ không biết hát” như Chi Pu mà cũng thành hit? MV của cô lọt vào thậm chí còn từng có 4 hạng mục đề cử trong Zing Music Awards nhờ số lượng fan đông đảo. Khảo sát một vòng trên tab thịnh hành YouTube, không khó để tìm ra ca khúc nhạc chế, quá nhiều những bản nhạc ầm ĩ nhưng nội dung sáo rỗng.
Nhìn về thực trạng hiện nay, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng thừa nhận rằng, nhạc Việt đương đại đang “mất cân bằng về hệ sinh thái”. Anh cho rằng: “Sự cân đối giữa những dòng nhạc, thể loại và phân khúc còn khá lỏng lẻo, rời rạc, manh mún. Chúng ta vui, vì nhạc Việt được lan tỏa, nhưng đừng lấy đó mà tự hào thái quá, và cũng đừng ảo tưởng là âm nhạc Việt Nam đã quá đẳng cấp rồi. Âm nhạc chuyên nghiệp không đơn giản vậy đâu! “Gangnam style” đình đám một thời, vượt ra khỏi châu Á đến khắp thế giới, mà giờ thì mất tăm, bởi chính giá trị thực của nó. Hay như “Lambada” cũng vậy”.
Nhìn nhận thực trạng này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, nguyên nhân là âm nhạc cũng đang bị cuốn vào guồng quay của nền kinh tế thị trường. Các sân chơi ca nhạc, nền tảng âm nhạc trực tuyến vô hình trung biến âm nhạc thành những sản phẩm giải trí đơn thuần, hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ. Tình trạng này tác động đến các chủ thể sáng tạo từ nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng buông lỏng chất lượng, nghiệp dư hóa và lệch chuẩn. Bằng chứng ở việc, mảng sáng tác cho thiếu niên, nhi đồng một thời gian dài bị buông lơi. Hay trong hàng trăm, hàng nghìn ca khúc mới, kể cả lĩnh vực âm nhạc kinh điển như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, có sức lan tỏa, vang vọng lâu dài như tác phẩm thời kỳ trước.
Cùng với đó, đội ngũ sáng tác khí nhạc trẻ tiếp tục con đường khí nhạc chuyên nghiệp viết lên những tác phẩm dài hơi như Opera, Symphony, Concerto, Hợp xướng... đến nay vẫn phải “đỏ mắt” đi tìm đội ngũ kế cận của Đặng Thái Sơn, Lưu Đức Anh, Bùi Công Duy…
Bàn luận thêm về vấn đề này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng: “Để khắc phục thực trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp chặt chẽ trong khâu quản lý âm nhạc, từ sáng tác, biểu diễn, đến quảng bá, phát hành… Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư mạnh vào sáng tác, kỹ thuật thanh nhạc và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật ở các loại hình âm nhạc hàn lâm, dân tộc. Ngoài ra, đặc biệt chú trọng đến sáng tác cho thiếu nhi và có những chương trình hướng dẫn phổ cập âm nhạc đến đông đảo quần chúng dưới mọi hình thức, đặc biệt là chương trình giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông”.
Theo Bạch Dương (CAND Online)