“Tuổi xế chiều” lên phim
Trên thế giới, điện ảnh ở nhiều nước vẫn lấy người già làm nhân vật trung tâm trong phim ảnh thì ở Việt Nam nhiều năm qua, điều này vẫn bị bỏ ngỏ. Từ phim chiếu rạp đến phim truyền hình chủ yếu là về các cuộc chiến drama tình tiền, “con giáp thứ 13”…
Thi thoảng có bộ phim xuất hiện hình ảnh người già, nhưng hầu như không có số phận, không có câu chuyện riêng mà chỉ là “hoa lá cành” tô điểm thêm cho các nhân vật trẻ.
Vì được xây dựng không mấy ấn tượng nên họ dễ dàng bị khán giả lãng quên. Nhiều nghệ sĩ gạo cội lớn tuổi đã chia sẻ: chẳng bao giờ dám mơ đến vai chính ở tuổi này.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, câu chuyện đã thay đổi. Trong một số bộ phim ăn khách thời gian qua, nhân vật người già cũng được xây dựng hấp dẫn hơn cả về mặt tính cách, số phận, tâm lí….
Bà Nga (NS Thanh Quý) trong “Thương ngày nắng về”, ông Sơn (NSND Trung Anh) trong “Về nhà đi con”, ông Thành (NSND Bùi Bài Bình) trong “Lối nhỏ vào đời”, bà Tình (NS Thanh Quý) trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, ông Toại - bà Cúc (NSND Bùi Bài Bình và Lan Hương) trong “Gia đình mình vui bất thình lình”… đều tạo được dấu ấn rõ rệt, thậm chí trở thành những hình tượng ông bố, bà mẹ “quốc dân”, chiếm trọn tình yêu của khán giả.
Bộ phim “Thông gia ngõ hẹp” cũng thu hút sự chú ý của khán giả với các nhân vật chính là người lớn tuổi. Chuyện tình của đôi trẻ Phan (Trọng Lân) và Linh (Việt Hoa) chỉ là cái cớ để hai ông bố là ông Phúc (bố của Phan do NSƯT Chí Trung đóng) và ông Khôi (bố của Linh do NSND Trọng Trinh vào vai) đấu đá, trở thành trung tâm của bộ phim với những tình huống dở khóc, dở cười.
Ngoài ra, phim có sự xuất hiện của nhân vật cao tuổi như cụ Thập (bà nội Phan do nghệ sĩ Tuyết Liên ở tuổi gần 80 thủ vai), tạo nên một thế giới tâm lý người lớn tuổi rất đáng theo dõi. Đặc biệt, phim lan toả thông điệp ý nghĩa ở nhân vật của nghệ sĩ Tuyết Liên: Dù có đanh đá, ghê gớm nhưng vẫn toát lên sự đáng yêu, đáng kính của một người bà luôn hết mực yêu thương con cháu.
“Nơi giấc mơ tìm về” của đạo diễn Trịnh Lê Phong khởi quay từ giữa tháng 12/2022 với tên gọi ban đầu là “Bà ngoại lắm chiêu”. Bộ phim lấy cảm hứng từ những người cao tuổi - một mảng nội dung ít được đề cập trong phim ảnh, quy tụ dàn nghệ sĩ gạo cội tham gia như các NSND Trọng Trinh, Lê Khanh; các NSƯT Tất Bình, Đỗ Kỷ.
NSND Lê Khanh vào vai chính bà Lan, một người phụ nữ quyền lực, sống có trách nhiệm, yêu thương cháu hết mực nhưng lại quá nguyên tắc, áp đặt, đôi khi gây ngột ngạt cho những người xung quanh và chính bản thân.
Bà giao công ty cho cháu và vào viện dưỡng lão để giúp đỡ những người sống ở đây... NSND Trọng Trinh đảm nhiệm vai ông Sang, là một trong bốn người sống trong trại dưỡng lão (Sang, Chấn, Tâm, Lý). Nhân vật ông Sang có chất hài hước, vui vẻ, nhiệt tình.
“Miếng bánh” khó nhằn
Rõ ràng, mảng đề tài về người già vẫn còn nhiều tiềm năng cho các nhà làm phim. Thế giới người già có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nỗi cô đơn của họ, sự cách biệt tuổi tác giữa các thế hệ trong gia đình, tình yêu dành cho con cháu, bên cạnh đó cũng có thể khai thác những người già lạc quan, yêu đời...
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận mạo hiểm. Bởi điều quan trọng cần phải có kịch bản hay, hấp dẫn thì phim mới ăn khách được. Theo các đạo diễn, phim về người già luôn đòi hỏi kịch bản phải có nhiều yếu tố mới lạ, giàu cảm xúc, giàu giá trị nhân văn nhưng cũng phải rất kỹ càng, trau chuốt...
Mà trong tâm lý của một nhà đầu tư, nhà sản xuất… dĩ nhiên họ sẽ chọn cái nào nhanh chóng và kiếm được thật nhiều lợi nhuận để thực hiện. Đó là lý do khiến phim về người già dù ít cạnh tranh nhưng luôn bị “ngó lơ”.
“Nơi giấc mơ tìm về” được khen là tác phẩm hiếm hoi khai thác đời sống người cao tuổi, và dàn diễn viên không bị “nhẵn mặt”. Nhưng những yếu tố mới mẻ đó lại chưa giúp bộ phim đạt được sức thu hút người xem khi lên sóng. Điều này gây nhiều tranh luận trên các trang mạng xã hội, fanpage phim từ câu chuyện kịch bản, diễn xuất của diễn viên đến cách kể chuyện.
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ đề phim nói về người cao tuổi - đối tượng ít được nhắc đến trong phim Việt - tuy mới, nhưng mô típ phim về mâu thuẫn thế hệ, về tình yêu “oan gia khắc khẩu”, chủ tịch - giám đốc yêu nữ nhân viên cấp dưới không mới.
Cộng thêm diễn xuất của dàn diễn viên chưa thực sự ăn ý và không có sự kết nối, tình tiết phim thiếu hấp dẫn, câu chuyện phim rời rạc, vụn vặt, nhiều điểm vô lý dù cho phim có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi bật.
Trên thế giới đã có rất nhiều bộ phim chiếu rạp đặt nhân vật người già làm trung tâm và những phim đó đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng. Ở Việt Nam, dù đã xuất hiện một số bộ phim truyền hình lấy hình tượng bố mẹ, người già làm nhân vật chính nhưng vẫn rất ít “đất” diễn vì tâm lí lo lắng lượng người xem sẽ không nhiều.
“Đương nhiên những bộ phim có nội dung về giới trẻ, tình tay ba tay tư sẽ dễ hấp dẫn khán giả hơn, nhưng tôi vẫn tin nếu thực sự nhà sản xuất, nhất là những người viết kịch bản đọc nhiều, xem nhiều, biết nhiều, thấu hiểu được nỗi niềm, tâm tư, ước vọng, rồi kể cả những câu chuyện tình cảm của người được cho là “già” thì vẫn sẽ có những bộ phim hay về đề tài này”, NSND Như Quỳnh chia sẻ.
Theo khảo sát của Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam, những người trên 55 tuổi ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới luôn là lượng khán giả lớn nhất của truyền hình. Họ có nhiều thời gian rảnh rỗi trong ngày hơn và bắt đầu bước vào giai đoạn tuổi già. Khi mắt mờ đi, tai nghe không còn rõ thì nhu cầu tiếp cận thông tin của họ sẽ bó hẹp lại dần trong phạm vi nghe nhìn.
Tuy nhiên, vì thiếu vắng những bộ phim, chương trình đặc thù dành cho đối tượng này đã khiến không ít cụ già rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”, phải xem các chương trình giải trí có nhạc “xập xình” hay phim ảnh không phù hợp với độ tuổi của mình. Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, từ 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ có một tỷ lệ dân số già “hiện đại”.
Nhận thức được việc thiếu vắng phim dành cho người cao tuổi, ông Nguyễn Khải Anh, Phó Giám đốc VFC cho biết, hiện VFC vẫn đang nỗ lực mở rộng đối tượng khán giả, đa dạng dòng phim và hướng nhiều hơn đến những “cây cao bóng cả” trong xã hội.
Khán giả có thể kỳ vọng trong thời gian tới sẽ hình thành một “thế giới phim truyền hình” dành cho người cao tuổi cũng như thông điệp phim sẽ tăng cường sự kết nối các thế hệ trong gia đình.
Theo Lê Kim (Tiền Phong)