Khoảnh khắc đăng quang của Tân Hoa hậu Hoàn vũ H'hen Niê
Sự đăng quang của cô gái người dân tộc thiểu số Ê Đê có tên H’Hen Niê đã làm công chúng xôn xao bàn tán trong nhiều giờ qua. Người ta bảo BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 là BGK táo bạo nhất trong lịch sử thi nhan sắc Việt.
Là vì, Tân Hoa hậu H’Hen Niê là một trường hợp chưa từng có tiền lệ.
Lần đầu tiên, một cô gái người dân tộc thiểu số đăng quang trong một cuộc thi có quy mô, uy tín và danh tiếng hàng đầu quốc gia.
Lần đầu tiên, một cô gái da nâu, tóc tém, gương mặt không theo chuẩn mực thẩm mỹ truyền thống lên ngôi trong một cuộc thi nhan sắc Việt.
Chính H’Hen Niê đã thổ lộ về việc rất nhiều người cản ngăn, thậm chí bĩu môi mỉa mai khi cô đi thi Hoa hậu. "Họ nói rằng một cô gái dân tộc không bao giờ đăng quang Hoa hậu. Đừng mơ mộng nữa. Nhưng tôi đã chứng minh cho họ thấy là tôi đã làm được."
H’Hen Niê đã làm được. Và BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng đã thể hiện mắt xanh tinh đời cùng sự nhân văn trong việc tìm kiếm một người đẹp đúng nghĩa thay vì chiều chuộng theo số đông.
Cái đẹp là sự đa dạng, không thể hẹp hòi trong phạm vi của da trắng tóc dài. Hơn nữa, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là vẻ đẹp của sự thuần khiết, nữ tính toát ra từ tâm hồn chứ không phải là vẻ đẹp của sự khu biệt cứng nhắc bề ngoài. Bằng chứng là, da trắng tóc dài không đồng nghĩa với dịu dàng hiền thục cũng như da đen, tóc tém không đồng nghĩa với mạnh mẽ nổi loạn.
Hơn thế nữa, thế giới có hàng trăm chủng tộc khác nhau, tương ứng với đó là sự đa dạng của cái đẹp. Không thể đem chuẩn mực cái đẹp của dân tộc này để đánh giá, áp đặt cho cái đẹp của một dân tộc khác. Chỉ có một sự gặp gỡ duy nhất giữa muôn vàn vẻ đẹp đa dạng ấy: vẻ đẹp của trái tim.
Nhưng đáng tiếc, thông điệp nhân văn của BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã không tới được một bộ phận nhỏ công chúng, những người tự giam cầm trực giác của bản thân và hạn chế trong khả năng chấp nhận sự khác biệt.
Những người đó đã dành thời gian cho mớ nhận xét mang tính kì thị và miệt thị một cô gái mang ngoại hình khác với quan điểm về cái đẹp của bản thân họ. Dù đó là một ngoại hình hoàn toàn bẩm sinh, tự nhiên, không bơm vá, không tẩy xóa, không cắt gọt, không "đập đi xây lại".
Họ chê những cô gái dùng kem trộn trắng da, tiêm hóa chất tạo mặt V-line, bơm dung dịch làm dày môi, đập cả hàm răng nguyên thủy để bọc răng sứ nhân tạo. Nhưng khi có một cô gái giữ nguyên hàm răng có chút khấp khểnh tươi rói cùng làn da nâu bóng đặc trưng của dòng máu chủng tộc đang chảy trong huyết quản, họ lại chê cô ấy "răng mẻ" và dùng ngôn từ tục tĩu để mô tả làn da cũng như dòng máu thiêng liêng mà cô mang trong người.
Sự xấu xí của những cặp mắt bé mọn
H’Hen Niê là cô gái sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Ê Đê ở Tây Nguyên. Bố mẹ cô không biết nói tiếng Kinh. Năm H’Hen học lớp 8, bố mẹ có ý định cho cô nghỉ học để lấy chồng nhưng H’Hen không đồng ý. Cô nuôi tham vọng thoát ly khỏi bản làng để có cuộc sống tự chủ, tự do và hạnh phúc hơn. H’Hen đỗ Cao đẳng Kinh tế - Đối ngoại TP.HCM, đi làm osin để có kinh phí ăn học trong một năm cho đến khi được phát hiện và đặt chân vào nghề người mẫu.
Năm 2015, H’Hen Niê thi Vietnam’s Next Top Model. Mặc dù chỉ dừng chân ở top 9, cuộc thi là bàn đạp giúp H’Hen tiến thêm một bước xa trên sàn runway.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 là cuộc thi hoa hậu đầu tiên mà H’Hen Niê tham gia. Nhìn bề ngoài, đó là một cô gái có xuất phát điểm rất thấp, mới hoạt động nghệ thuật được hơn 3 năm, không có ê-kíp hùng hậu hỗ trợ, chưa từng có kinh nghiệm chinh chiến trong các cuộc thi nhan sắc.
Thế nhưng, mọi kĩ năng của H’Hen Niê đều hoàn hảo, không hề thua kém hai cô gái của truyền thông là Hoàng Thùy và Mâu Thủy. Từ kĩ năng trang điểm, kĩ năng lựa chọn trang phục, kĩ năng trình diễn, kĩ năng giao tiếp…, H’Hen gần như không có sai sót nào.
Nếu như Hoàng Thùy và Mâu Thủy đến với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam bằng quyết tâm cao độ và sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì H’Hen Niê cũng vậy. Từ mái tóc tém thời thượng, những bộ trang phục hợp mốt đến thân hình chuẩn từng cen-ti-mét cho thấy H’Hen mang theo khát vọng và ý chí lớn lao.
Và rồi, chính cô gái dân tộc thiểu số da nâu, tóc tém, gò má cao, mũi thấp, đầu mũi hếch... đã giành chiến thắng trong cuộc đua nhan sắc nhờ sự chân thật và trái tim ấm áp của mình. Cô ấy mang tham vọng Hoa hậu để phản biện lại những người từng dè bỉu "con gái dân tộc đừng mơ làm Hoa hậu", để truyền cảm hứng cho phụ nữ Ê Đê, để những cô gái trong bản làng cô dám ước mơ lớn, dám khát vọng lớn, dám vượt thoát ra khỏi không gian chật hẹp, tự lựa chọn cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trên tất cả, cô ấy là biểu tượng của nghị lực phi thường, sự thông minh và nhạy bén bẩm sinh cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tự học hỏi, trau dồi, rèn luyện bản thân hướng đến sự hoàn thiện. Ngay cả khi, những cuộc thi nhan sắc ngày nay bị xem là phù phiếm và Hoa hậu mang tính giải trí nhiều hơn tính hướng thiện thì hành trình thực hiện giấc mơ của H’Hen Niê cũng vẫn là chân giá trị biểu đạt cho một cách sống đúng đắn.
Thế nên, nếu da của H’Hen Niê đen, tóc của H’Hen Niê ngắn, dân tộc của H’Hen Niê là Ê Đê, xuất thân của H’Hen Niê là núi rừng và ngoại hình của H’Hen Niê khiến bạn không thể "cảm thụ" nổi, cô ấy vẫn cứ là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Tất nhiên, bạn có quyền chê cô ấy xấu. Như ca sĩ sẽ bị chê về giọng hát, như diễn viên sẽ bị chê về cách diễn và như Hoa hậu sẽ bị chê về ngoại hình.
Chỉ có điều, chê bai khác với miệt thị. Cô ấy có thể xấu trong mắt bạn nhưng đẹp trong mắt người khác. Sự miệt thị của bạn về ngoại hình và nguồn gốc của cô ấy không thể làm cho cô ấy thấp kém hơn mà chỉ làm cho bạn bé mọn đi.
Theo H.H (Helino)