Đó là hậu quả của chiêu trò “câu tương tác” của Miss Grand 2022. Điển hình là màn vote cho hạng mục Country’s Power of The Year. Điều kiện đưa ra là sự bình chọn chỉ có hiệu lực khi nhấn nút follow Instagram của Miss Grand International và thả like bức ảnh thí sinh mà khán giả muốn chiến thắng.
Tuy nhiên, không dựa trên giá trị bền vững, tạo ra con số ảo vì chiêu trò thì lúc xảy ra sự cố cũng nhận kết quả tương tự. Hơn 2,2 triệu tài khoản đã bỏ theo dõi Miss Grand. Mọi thứ bắt nguồn từ việc Thiên Ân bị loại và những phát ngôn của ông Nawat.
"Malaysia, Lào, Ấn Độ đẹp hơn nhưng không vào top. Các bạn đã vào top 20 rồi. Tôi không hiểu. Mọi thứ tôi đều chấm điểm. Cách hành xử của các bạn cũng ảnh hưởng đến việc chấm điểm trong tương lai", ông Nawat phát biểu như một lời “dọa” fans Việt Nam.
Về Đoàn Thiên Ân, ông Nawat có nhận xét như lời miệt thị rằng:"Phần thân trên dài hơn thân dưới, phần hông to".
Khi nói về “cuộc chiến” giữa Chủ tịch Nawat Itsaragrisil và fans Việt Nam, hay lùm xùm với Đoàn Thiên Ân, chúng ta cần một lần đọc lại đầy đủ tên gọi của cuộc thi: Miss Grand International, tức Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Ngay từ cái tên đã có ý nghĩa và mục đích lớn lao cho các thí sinh, khán giả và những người tổ chức cuộc thi nhan sắc này.
Câu hỏi đặt ra: Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 xảy ra “cuộc chiến” bằng những tranh cãi bất tận, tô vẽ và đánh bóng bằng "drama", liệu có sai?
Tranh cãi luôn xuất hiện ở các cuộc thi trong cuộc sống chứ không riêng về chủ đề Hoa hậu. Nhưng khó chấp nhận cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế xảy ra tranh cãi, lùm xùm như “một cuộc chiến”, tức không hề bình an, bình yên như tên gọi của cuộc thi này. Tất cả chẳng khác gì "cái tát trời giáng" vào mặt ông Nawat - người điều hành Miss Grand International.
Trong tư thế của người có quyền lực nhất, Chủ tịch Nawat Itsaragrisil cần cho thấy được giá trị tích cực, ý nghĩa của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế bằng cách ứng xử văn minh, đẹp đẽ và nhân văn chứ không phải chọn cách đi đối đầu với fans, miệt thị ngoại hình thí sinh, "cà khịa" đối thủ.
Hôm qua, fanpage của Miss Grand International đăng tải video về đêm thi chung kết, trong đó có hành động xấu xí là "cà khịa" Miss Universe. Video hình hiệu có dòng chữ "MU" xuất hiện, sau đó "MGI" xuất hiện để đập tan chữ "MU". Một cuộc thi có thông điệp hòa bình nhưng chọn cách “khiêu chiến” đối thủ.
Ông Nawat lý giải là do quá khứ Miss Universe kiện Miss Grand phải đổi logo, hay chuyện sử dụng tên gọi "USA" trên dải sash của thí sinh… Đó là lời giải thích không chấp nhận được khi một trong những điều quan trọng để tạo ra hòa bình là ngừng chiến tranh, còn Chủ tịch Miss Grand chọn cách “tấn công” đối thủ để tạo ra cuộc chiến trên mạng xã hội. Hành động đó chẳng khác gì tự bôi bẩn Miss Grand International.
Nên nhớ, đằng sau một cuộc thi nhan sắc thì không phải để ai thắng – ai thua, mà làm sao chọn ra người xứng đáng để làm tốt nhất sứ mệnh của Hoa hậu và cuộc thi. Thật tiếc cho Miss Grand International với một cái tên đầy ý nghĩa nhưng có một Chủ tịch không chọn lựa… “hòa bình”, chỉ chăm tô vẽ và đánh bóng bằng “drama”.
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)