Tác phẩm kể về cuộc sống của Cúc Đậu (Củng Lợi đóng) bên trong một xưởng nhuộm vải ở vùng nông thôn Trung Quốc những năm 1920 của thế kỷ trước. Cúc Đậu được tên chủ xưởng Dương Kim San mua về, hàng đêm đánh đập, hành hạ thể xác dù hắn bất lực và vô sinh.
Cuộc sống địa ngục cùng những ham muốn nhục cảm bị kìm giữ khiến Cúc Đậu chủ động đến với người cháu nuôi của Dương Kim San là Thiên Thanh (Lý Bảo Điền đóng). Họ có với nhau những màn ân ái vụng trộm và đầy mãnh liệt. Định kiến của xã hội khiến Cúc Đậu và Thiên Thanh không thể đến với nhau một cách đàng hoàng ngay cả khi Dương Kim San đã chết. Gần cuối phim, cả hai quấn lấy nhau trong một căn hầm - nơi thiếu dưỡng khí nhưng mang đến cho họ sự thăng hoa và tự do tột cùng, khiến họ không còn màng đến cả cái chết.
Củng Lợi và Lý Bảo Điền trong phim. |
Cúc Đậu là bộ phim tràn đầy nhục cảm của Trương Nghệ Mưu. Tác phẩm nói về những khao khát của con người khi bị trói buộc trong những sự chế ngự vô hình lẫn hữu hình. Cuộc sống khắc nghiệt khiến Cúc Đậu vùng lên để giải thoát mình, giải phóng bản năng và tìm kiếm hạnh phúc. Phim có nhiều cảnh quay gợi cảm, như khi Cúc Đậu bị Dương Kim San hành hạ trong đêm, khi cô để lộ thân hình đầy vết thâm trong buồng tắm mà Thiên Thanh nhìn trộm qua khe cửa hẹp, hay khi Cúc Đậu chủ động gạ Thiên Thanh làm tình và họ quấn lấy nhau lúc trong nhiều hoàn cảnh.
Hình thể của Củng Lợi không lộ nhiều da thịt trước ống kính nhưng vẻ gợi cảm toát lên qua ánh mắt, thần thái, dáng nằm đầy tự do, buông thả khi bên cạnh Thiên Thanh.
Trong khi nhà văn Đỗ Bích Thúy - một trong những khách mời của buổi chiếu phim - cho rằng thân hình của Củng Lợi hơi mảnh dẻ, nhiếp ảnh gia Na Sơn và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đánh giá chưa bao giờ Trương Nghệ Mưu xây dựng người tình một thuở của ông gợi tình đến thế.
Nhà văn Trương Quý còn nhận ra cách xây dựng các cảnh làm tình trong phim diễn ra trong không gian hạ cấp dần - từ cao xuống thấp. Trong khi càng ở trên cao, con người càng mất tự do thì khi chỉ có hai người trong căn hầm tối, thấp, họ hạnh phúc bên nhau như chưa bao giờ được thế.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (phải) và nhà văn Đỗ Bích Thúy trò chuyện về "Cúc Đậu". |
Dù có những ý kiến khác nhau, các khách mời và nhiều khán giả đồng tình rằng diễn xuất của Củng Lợi hoàn toàn thuyết phục người xem. "Người phụ nữ không có quyền lựa chọn tình yêu và hôn nhân. Sự ngăn cấm về tình yêu, bản năng, đam mê sau đó trở thành bi kịch, dồn đẩy phụ nữ và họ phải trải qua một hành trình để giành lại điều họ muốn, giành lại tình yêu họ khao khát", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Ngoài Cúc Đậu, Củng Lợi cũng đóng trong Cao lương đỏ và Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu. Cả ba tác phẩm đều đặt bi kịch của người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc vào trung tâm. Hoàng Điệp cho rằng Cúc Đậu là tác phẩm có tính thống nhất về tuyến truyện và đại diện cho bi kịch có ở cả hai tác phẩm còn lại.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy nói: "Chúng ta cũng giống như Cúc Đậu, sống trong một xã hội với những sức ép có thể nhìn thấy và không nhìn thấy. Việc chúng ta bứt ra khỏi hành lang đó sống theo nguyện vọng cá nhân là điều không phải dễ dàng". Theo chị, Cúc Đậu có sự đồng điệu với nhân vật phụ nữ của chị trong tác phẩm Chúa Đất.
Ngoài tranh luận về Củng Lợi và vai Cúc Đậu, khán giả cũng trò chuyện sôi nổi về những dụng công của Trương Nghệ Mưu trong từng tiểu tiết, về những bi kịch của nhân vật trong phim và bối cảnh xã hội, văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng tới tác phẩm điện ảnh khiến người xem cảm thấy ngạt thở trước những bức bối của nhân vật.
Buổi chiếu diễn ra trong không gian nhỏ nên nhiều người phải đứng xem. Salon Điện ảnh hứa hẹn là một sinh hoạt điện ảnh và diễn đàn cởi mở để những người yêu thích phim ảnh có dịp sống với đam mê của họ mỗi cuối tuần.
Theo Di Ca (VnExpress.net)