Thông báo thứ ba của ban tổ chức (BTC) Những thành phố mơ màngtối 22/4 về đêm nhạc đền bù cho khán giả Hà Nội có sự thay đổi về địa điểm.
Phương án mới được nhiều người chấp thuận nhưng khán giả vẫn cần lời xin lỗi
Trước đó khán giả phàn nàn show tổ chức lại vào tháng 7, đúng vào đợt nóng, không loại trừ tình trạng mưa dông tương tự đêm 20/4. Lắng nghe ý kiến của khán giả, BTC đổi sân khấu ngoài trời ở công viên Yên Sở vào khu vực trong nhà. Nhiều người cho rằng địa điểm được lựa chọn có thể là cung điền kinh Mỹ Đình hoặc cung thể thao Quần Ngựa.
Tuy vậy BTC vẫn giữ nguyên phương án giảm 40% vé cho khách hàng dự đêm nhạc đền bù. Đồng nghĩa với việc khán giả phải mua vé lần hai, bỏ ra 60% số tiền để xem tiếp những màn trình diễn của dàn nghệ sĩ chưa hoàn thành và bốn ca sĩ mới. Với những người không thể đi xem lần hai, BTC không có động thái giải quyết.
Phương án đền bù của BTC hứng chịu nhiều “gạch đá”, sau thông báo mới nhất nhiều khán giả đã suy nghĩ lại bởi địa điểm đã thay đổi.
Thay vì địa điểm rộng như công viên Yên Sở, sân khấu trong nhà hướng người xem đến trải nghiệm thân mật hơn. Một trong những lợi ích lớn nhất khi tham dự buổi hòa nhạc ở địa điểm nhỏ hơn là khán giả được ở gần nghệ sĩ. Ngay cả khi người xem không ở những hàng đầu tiên, họ vẫn có tầm nhìn khá tốt lên sân khấu.
Dù thế, một bộ phận khán giả không bằng lòng bởi Những thành phố mơ màng chưa hề có có lời xin lỗi vì để mặc các bạn trẻ chạy loạn tìm chỗ trú, ra về không một thông báo hoặc nhân viên hướng dẫn giữa trời mưa giông.
“Mưa bão là yếu tố khách quan nhưng BTC không có phương án sơ tán cho những bạn trẻ ở đó. Đến hôm nay BTC vẫn không đưa ra lời xin lỗi nào về phần yếu kém non nớt khi xử lý tình huống đấy” - khán giả bình luận.
Bài đăng trước, BTC lý giải do trời mưa quá lớn, họ ngắt toàn bộ điện để đảm bảo sự an toàn cho khán giả nên không thể trực tiếp thông báo.
Làm sao để hòa quyện quyền lợi đôi bên?
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng BTC có vấn đề trong việc quản lý rủi ro khiến sự việc bị dư luận phản ứng: “BTC đã vô tình đẩy nghệ sĩ vào thế khó. Nếu đồng tình với fan không khác nào chống lại BTC và ngược lại”.
Dưới góc độ của khách hàng, nhiều người hiển nhiên không đồng ý với thông báo giảm 40% tiền vé cho đêm diễn bù ở Hà Nội tháng 7, cảm thấy đang nhận sự bố thí, ban phát, chuyên gia chỉ ra.
Theo ông Long, BTC rất tự tin vào vấn đề pháp lý nên mới đưa ra thông báo về vấn đề giảm 40% tiền vé. Với ý kiến nên có chính sách từ đầu, thậm chí in luôn lên vé đề phòng rủi ro, chuyên gia nói những điều khoản rủi ro chỉ để chống lại những khách hàng cố tình phá hoại, đâm chọt, chứ không phải chống lại khách hàng đàng hoàng, tử tế.
Kinh doanh phải có lời, nhưng chuyên gia nhận định nên nhìn toàn cục, vào dòng tiền lâu bền. Thương hiệu, uy tín, sự tin tưởng của khán giả chính là thứ sinh ra tiền.
Trước tình hình này, có phương án để hài hòa quyền lợi đôi bên, ông Long cho rằng BTC nên xin lỗi về sự cố bất khả kháng xảy ra, thể hiện thành ý mong muốn đêm diễn hoành tráng và cảm xúc cho khán giả. Bên cạnh đó nói rõ khó khăn, kêu gọi sự góp sự chung tay của các bên liên quan. Khán giả sẽ thông cảm nếu có thái độ chân thành, trách nhiệm. Nếu không như ý nguyện, BTC nên bỏ tiền túi để xử lý.
Một số cư dân mạng nhận định BTC nên hoàn tiền hoặc phụ thu ở mức 20%. “Làm kinh doanh cần có lợi nhuận, nhưng chữ tín mới là yếu tố mấu chốt”, "Tại sao khách hàng lại là người phải chịu và san sẻ rủi ro với BTC? Những lần khác BTC bán có lãi liệu có giảm giá hay chia cho khán giả không?”… cư dân mạng ý kiến.
Trái lại có ý kiến cho rằng BTC buộc phải hủy show đã là sự mất mát bởi mất công sức của bao nhiêu người. “BTC nỗ lực tổ chức thêm một đêm diễn nữa để cho khán giả được thưởng thức tiếp phần còn lại của chương trình là sự cố gắng cần được ghi nhận. Giảm 40% là hợp lý” - người này cho biết.
Theo Gia Lạc (Tiền Phong)