Đông đảo khán giả đánh giá dàn diễn viên hiện tại của "Glee" bản Việt chỉ đáp ứng phần nhìn, trong khi yếu tố âm nhạc còn là dấu hỏi lớn.
Bộ phim xoay quanh nhóm hát New Directions gồm những thành viên có hoàn cảnh, tính cách khác nhau nhưng bằng niềm đam mê với âm nhạc và sự dẫn dắt của người thầy Will Schuester (Matthew Morrison) họ đã trở thành một tập thể đoàn kết không gì có thể tách rời.
Trong quá trình hoạt động, các thành viên cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những mâu thuẫn, giới tính, tình dục… của tuổi mới lớn nhưng một lần nữa, bằng âm nhạc, họ gắn kết với nhau.
Do đó, một trong những điểm mấu chốt làm nên thành công của Glee đó chính là âm nhạc. Âm nhạc của phim thành công rực rỡ với hơn 36 triệu đĩa đơn trực tuyến cùng 11 triệu album được tiêu thụ. Đến giờ, những ca khúc như Pony, Whip It, Glory Days, You May Be Right, Rise… vẫn được đông đảo khán giả yêu mến và là một phần ký ức không thể quên với thế hệ 8X, đầu 9X.
Chính vì thế, khi đơn vị sản xuất công bố thông tin Việt hóa Glee, cư dân mạng tỏ ra rất quan tâm và mong chờ. Tuy nhiên, khi dàn diễn viên chính được công bố, Glee vấp phải vô số ý kiến trái chiều.
Dàn diễn viên gây thất vọng
Theo ý kiến phần đông khán giả, dàn diễn viên hiện tại của bản Việt chỉ đang đáp ứng phần nhìn, trong khi yếu tố âm nhạc còn là dấu hỏi lớn.
Trong đó, Angela Phương Trinh vào vai Hạ Quyên, một cô nàng xinh đẹp nhưng chảnh chọe, kiêu kỳ và được nhiều chàng trai theo đuổi. Đây là phiên bản Việt của nhân vật Quinn Fabray. Diễn xuất của nữ diễn viên không có gì đáng bàn cãi, tuy nhiên, trong bản gốc Quinn Fabray làm say lòng người bằng giọng hát ngọt ngào, giàu cảm xúc. Và trong buổi họp báo công bố dự án, nữ diễn viên cũng thú thực giọng hát không phải thế mạnh của mình.
Tương tự Angela Phương Trinh, Rocker Nguyễn thủ vai Đăng Phương (Finn Hudson) và Hữu Vi vai Phi Long (Puck) cũng đều không được đánh giá cao về giọng hát. Đặc biệt, nhân vật quan trọng nhất là Rachel Berry được giao cho Cindy, một gương mặt khá mới mẻ, chưa tạo nhiều dấu ấn, dù cô từng tham gia chương trình X-Factor.
Khán giả bày tỏ ý kiến trái chiều xoay quanh dàn diễn viên của bộ phim. |
Đổi lại, những nhân tố như Á quân Vietnam Idol Bích Ngọc (vai của Mercedes Jones), Thái Trinh (Tina), Hoà Mizy (Santana), Lynk Lee (Artie Abrams) có thế mạnh giọng hát, ngoại hình khá hợp vai… tuy nhiên, vấn đề khiến khán giả nghi ngờ ở họ lại là diễn xuất.
Một số nhân vật khác như Yaya Trương Nhi vào vai Sue Sylvester, một giáo viên khó tính, dữ dằn hay Thế Bảo vai Mike Chang thậm chí còn bị chê vừa không hợp vai, vừa diễn xuất quá non so với bản gốc.
Với dàn diễn viên kể trên, Glee bản Việt hoàn toàn lấn át các dự án khác về phần nhìn và độ nổi tiếng. Tuy nhiên, phản ứng của hầu hết khán giả lại là thất vọng, thậm chí chán nản không muốn tiếp tục chờ đợi dự án này.
"Ý nghĩa của Glee là nhiều cá nhân có hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt và bị định kiến ảnh hưởng, tìm đến với nhau qua âm nhạc. Dàn diễn viên thế này có bảo toàn được ý nghĩa đó không trời. Với lại cơ bản, dàn cast phải vừa hát được nhảy được, vậy mà đưa mấy người này lên", khán giả Alex Đoàn tỏ ra nghi ngờ về chất lượng bộ phim.
Có chung quan điểm, bạn Trần Ngọc Minh Nguyệt bày tỏ: "Xác định khỏi coi nổi vì trong dàn diễn viên, số người hát được đếm trên đầu ngón tay".
Khác biệt văn hóa: Thử thách lớn của ê-kíp
Nói chung, việc chuyển thể một dự án nước ngoài là thử thách rất lớn, bởi thành công của bản gốc luôn là cái bóng mà các phiên bản sau đó không dễ gì vượt qua. Đặc biệt, với một bộ phim âm nhạc đòi hỏi cân bằng giữa giọng hát và diễn xuất, trong khi làng giải trí Việt không nhiều người vừa hát hay vừa diễn tốt, đơn vị sản xuất sẽ khó tránh khỏi tranh cãi.
Tuy nhiên, khi chọn lựa Việt hóa một bộ phim Mỹ, đơn vị sản xuất sẽ không chỉ gặp trở ngại trong khâu diễn viên mà còn phải đối mặt với khác biệt văn hóa.
Ở phiên bản gốc, Glee đề cập khá thẳng thắn đến các vấn đề giới tính, tình dục của giới trẻ và điểm hấp dẫn là các nhân vật có tính cách, lời thoại tự nhiên, đúng như độ tuổi học sinh trung học. Trong khi đó, phim Việt nhiều lần bị chê lời thoại khô cứng, nặng triết lý. Chưa kể, các vấn đề giới tính của giới trẻ cũng là câu chuyện khá nhạy cảm với văn hóa Việt.
Angela Phương Trinh thừa nhận bản thân không có thế mạnh thanh nhạc, vũ đạo nên thời gian qua cô đã dành nhiều thời gian để luyện tập cùng vũ đoàn và ê-kíp làm phim.Ảnh: Nguyễn Thành. |
"Nhân vật dựa từ phiên bản Glee gốc bên Mỹ của đài Fox. Vậy khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo giải quyết sao? Chưa nói phim này kể về giới trẻ thì ngôn ngữ nói chuyện nó cũng khác. Lâu nay chưa xem được phim Việt Nam vì cái phần lời thoại quá giả tạo, thằng du côn, xã hội đen mà thơ văn bay bổng, đứa con nít 4 tuổi thì lời thoại với bạn bè như trích dẫn cả lời nhạc Trịnh Công Sơn, nói chung lời thoại chưa bao giờ tự nhiên. Làm phim về giới trẻ mà không làm lời thoại cho giống giới trẻ thì thất bại là chắc", khán giả Vũ Nguyễn bình luận.
Trước Glee, Việt Nam từng có một dự án phim âm nhạc đó là Bếp hát. Cũng quy tụ dàn diễn viên đẹp, nổi tiếng nhưng dự án này lại không thành công như mong đợi với lý do âm nhạc trong phim chưa thể gắn kết với nội dung dẫn đến tổng thể phim lỏng lẻo. Chưa kể dàn diễn viên tay ngang hát nhảy khá tốt nhưng diễn xuất lại gượng gạo.
Thất bại của Bếp hát càng khiến khán giả lo lắng cho tương lai của Glee. Tuy nhiên, ở thời điểm này, bộ phim vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Và việc tạo được làn sóng bàn luận trên mạng xã hội như Glee, không phải dự án nào cũng làm được.
Theo Lan Phương (Tri Thức Trực Tuyến)