Kịch bản cũ mèm
Khi Tuổi Thanh Xuân 1 lên sóng, phim nhanh chóng thu hút khán giả bởi nội dung tươi trẻ: cô gái Việt Nam thần tượng nhóm nhạc Hàn Quốc nên yêu luôn cả đất nước ấy. Cô đến Hàn Quốc, gặp gỡ và yêu một chàng trai người Hàn và chuyện tình đó là khoảng thời gian đẹp nhất của Tuổi Thanh Xuân. Với nội dung khá hấp dẫn như vậy nên khán giả rất trông đợi khi nhà sản xuất thông báo sẽ tiếp tục làm phần hai của phim. Thế nhưng trái với sự trông đợi của khán giả, kịch bản của phần hai cũ đến mức không thể cũ hơn.
Ở phần hai, Linh và Junsu chia cắt bởi lý do: Junsu bị tai nạn mất trí nhớ, nhớ tất cả trừ Linh. Mô típ gặp tại nạn và mất trí nhớ đã quá quen thuộc với những ai yêu mến phim truyền hình Hàn Quốc… từ thập niên trước. Trong khi giờ kịch bản phim Hàn đã triển khai rất nhiều đề tài mới lạ từ người thật xuyên không vào truyện tranh cho đến yêu tinh, thần chết thì Tuổi Thanh Xuân 2lại chọn kịch bản không hề hợp thời. Chỉ cần biết thấy Junsu gặp nạn và mất trí nhớ, khán giả không cần là mọt phim cũng có thể đọc luôn diễn biến tiếp theo của phim rồi: nam chính yêu người mới, nữ chính đau khổ, cuộc chiến giành giật người yêu giữa hai người phụ nữ…
"Cứ khóc đi, khóc đi đừng ngại ngần"
Một điều dễ dàng nhận thấy trong Tuổi Thanh Xuân 2 là nước mắt nữ chính rơi quá nhiều. Mắt Linh như vòi nước vậy, chỉ cần mở vòi là nước cứ thế tuôn ra. Vui khóc, buồn khóc, gặp lại người yêu khóc, xa người yêu khóc, tóm lại ngồi không cũng có thể khóc! Chứng kiến cảnh Linh khóc quá nhiều trong trường hợp không nghiêm trọng khiến người xem cảm giác Linh quá bánh bèo (dù đã men hơn phần một rất nhiều rồi đấy!). Cùng với việc máy quay thường xuyên chiếu cận cảnh mặt nhân vật nên lúc lúc người xem lại thấy mặt Linh chình ình trên màn hình không khóc thì đang mếu, bảo sao không thấy mệt.
Mặt đơ |
Mếu |
Nước mắt sắp ra rồi |
Ok, tuôn rơi không ngừng |
Nhạc phim dọa khán giả
Dễ dàng nhận thấy những phân đoạn gay cấn trong Tuổi Thanh Xuân thường xuyên dùng nhạc dồn dập quá mức cần thiết. Dù là gay cấn (thì cũng chỉ là Cynthia (Jung Hae Na) phát hiện LinhSu lén gặp gỡ, Linh bắt gặp Cynthia qua đêm tại nhà Junsu) nhưng Tuổi Thanh Xuân 2 là phim tình cảm, không phải phim hành động, càng không là kinh dị nên không cần thiết phải dùng nhạc mạnh mẽ đến vậy. Nhiều khi người xem đang hồi hộp hoặc lo lắng cho nhân vật nghe thấy nhạc phim là tụt mood.
Quảng cáo quá lố
Quảng cáo trong phim truyền hình không phải là chuyện lạ, nhưng quảng cáo nhãn hàng bằng cách nhét vào lời thoại nhân vật thì có lẽ chỉ có một Tuổi Thanh Xuân 2 làm vậy. Không dưới năm lần các nhân vật trong phim tự mình khen ngợi sản phẩm (dù không hề liên quan đến tình tiết phim): từ cửa số, bánh trái cho đến quần áo. Bên cạnh quảng cáo sản phẩm, Tuổi Thanh Xuân 2 cũng nhiều lần quảng cáo cho những danh lam thắng cảnh, món ăn của Việt Nam nhưng vẫn rất phô: giới thiệu bằng lời nói. Trong khi đó, chỉ bằng những góc máy quay đẹp cũng có thể khiến Việt Nam lên phim đẹp và hấp dẫn đến thế nào rồi.