Con “ma” quá phèn
Bóng đè là tác phẩm được Lê Văn Kiệt lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm bóng đè thời thơ ấu của anh. Bộ phim kể về ba bố con gà trống nuôi nhau quyết định chuyển từ phố về làng để hàn gắn nỗi đau mất mẹ. Tại đây, hai cô con gái nhỏ liên tục bị bóng đè, lúc thì thấy có người chạy trong nhà, lúc thì thấy bóng ma lấp ló xung quanh. Đến đây, mọi chuyện vẫn coi như trôi chảy, nhưng đùng một cái, người xem ngã ngửa khi đạo diễn tiết lộ “không có ma”.
Tưởng là một cú ngoặt khiến kịch tính phim bị đẩy cao, nhưng từ sau đó, mọi tình tiết của phim bị khán giả bình là “đi vào lòng đất” khi các tình huống hù dọa thì “giả trân”, kỹ xảo “như phim Hồng Kông những năm 2000”, còn con ma thì “phèn không chịu nổi” khiến người ta đi xem phim kinh dị mà “buồn ngủ từ đầu đến cuối”.
Đây không phải lần đầu tiên Lê Văn Kiệt làm phim kinh dị. Trước đó, anh từng có “Ngôi nhà trong hẻm” (2012) cùng hai phim bị cấm chiếu ở Việt Nam là “Rừng xác sống” và “Bẫy cấp ba”. Với “Bóng đè”, vị đạo diễn của “Hai Phượng” được kỳ vọng sẽ lần nữa đem lại kỷ lục doanh thu phòng vé, và quả thật sau hai ngày công chiếu, lượt người xem “Bóng đè” rất khả quan. Thế nhưng người xem đến rạp càng đông, sự thất vọng tích tụ cũng càng nhiều. Chỉ sau mấy tiếng đăng bình luận, những bài nhặt sạn “Bóng đè” đều nhận về hàng nghìn chia sẻ và biểu tượng dislike.
“Hết phim rồi mà vẫn còn ngỡ ngàng không biết đây là đâu, tôi là ai luôn”. “Tình tiết cắt ghép không liên quan. Các pha hù dọa cũ kỹ”. “Vừa xem phim này hôm qua, công nhận phí luôn tô phở”... là những bình luận nhận được nhiều đồng thuận nhất.
Thậm chí khi một số người vào “nói lời công đạo” thì cũng nhận lại phản ứng gay gắt. “Khán giả dễ dãi quá nên mới có phim dở phim nát” - bình luận của Huy Kiệt nhận được hơn 2.000 like.
Số phận của “Bóng đè” khá trúc trắc. Ban đầu khi công bố dự án, nhiều độc giả đã đăng đàn phản đối việc ê kíp chọn tên tác phẩm trùng tên với truyện “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu. “Ngay tên phim còn không sáng tạo nổi thì chờ mong gì” là ý kiến được chia sẻ nhiều nhất ở thời điểm ấy. Việc trùng tên chưa qua, Công ty New Arena (đơn vị sản xuất “Bóng đe”) lại bị nam diễn viên Dustin Nguyễn kiện về việc bất ngờ cắt vai của anh. Sau đó phía Công ty New Arena phải xin lỗi và bồi thường cho Dustin Nguyễn 80 triệu đồng. Chưa hết, bộ phim đóng máy vào năm 2000 nhưng vì dịch bệnh, mãi đến 18/3 vừa rồi phim mới chính thức ra rạp.
May còn có hai diễn viên nhí
“Bóng đè” đánh dấu sự trở lại của 2 gương mặt nhí là Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vy - những diễn viên từng được yêu thích từ các dự án điện ảnh trước đó. Đây có thể coi là điểm sáng duy nhất của phim bởi diễn xuất của Thanh Mỹ và Cát Vy khá tốt, biểu cảm tự nhiên, gây ra một đối trọng không cân sức với hai vai người lớn của Quang Tuấn và Diệu Nhi. Quang Tuấn vào vai ông bố khiến khán giả nhàm chán vì biểu cảm trợn trắng từ đầu đến cuối, còn Diệu Nhi đảm nhận vai bác sĩ tâm lý càng về sau càng hời hợt, khiến người xem không hiểu sự xuất hiện của cô có tác dụng gì với nội dung câu chuyện.
Sự cố tình tạo mối liên quan giữa hiện tượng bóng đè, mộng du và bệnh tâm thần của kịch bản nhằm tăng thêm tình tiết gay cấn cũng bị khán giả “phang” thẳng tay. “Phim nhanh chóng rơi vào trạng thái rối bù hơn cả tóc con ma, khi cố đánh đồng ba khái niệm không mấy liên quan. Trong khi bóng đè là trạng thái tự nhiên khi cơ thể quá mệt mỏi, thì mộng du lại là chứng bệnh có thể gây nguy hiểm.
Ngoài đời thực, những người mộng du thường vô hại và không có những hành động phức tạp, thì ở đây các nhân vật bị gắn với căn bệnh này lại có những hành xử đáng sợ, chỉ có thể đến từ bệnh tâm thần. Đây lại là tình tiết mang tính sắp đặt khiên cưỡng, vì những người tâm thần cũng chỉ có thể di chuyển theo một số thói quen nhất định, chứ không thể “hù ma”, thoắt ẩn thoắt hiện một cách đầy tính toán như vậy” (Lê Thanh Hải).
Mấy năm nay, dòng phim kinh dị Việt Nam ngày càng nở rộ. Mảnh đất màu mỡ này thu hút nhiều nhà sản xuất vì kinh phí không cao, do bối cảnh thường tập trung ở một khu nhà hoặc một vùng đất nào đó, mà chỉ cần đầu tư vào kịch bản, diễn xuất, hóa trang và kỹ xảo. Chưa kể, trước đây, phim kinh dị Việt gặp nhiều rào cản trong khâu duyệt, tuy nhiên, hiện nay việc này đã thông thoáng hơn khiến người ta càng muốn tranh phần miếng bánh.
Tuy nhiên, chất lượng các phim vẫn chưa hề được cải thiện, trước đó mấy tháng “Chuyện ma gần nha” đã gây thất vọng cho các mọt phim, đến nay “Bóng đè” lại tiếp tục khiến cho khán giả dỗi. “Đừng để đến lúc khán giả quay lưng rồi lại kêu gọi giải cứu” - lời nhắn của admin trang Review phim được nhiều người dẫn lại “thay cho lời muốn nói” khi được hỏi về cảm nhận phim “Bóng đè”.
Theo Hạ Đan (Tiền Phong)