Duyên với cô Đẩu
Trong câu chuyện về hậu trường Táo quân, NTK “n trong 1” (Đức Hùng vừa là đạo diễn, diễn viên, nhà thiết kế...) nhiều lần nhắc đến vai cô Đẩu của Công Lý với một sự âu yếm đặc biệt: em có thấy Lý diễn duyên dáng không, cái vai yêu đến thế! Chỉ tiếc là năm nay vì lý do sức khỏe, Công Lý không thể đảm nhận vai cô Đẩu.
Trong dàn Táo, trang phục của cô Đẩu luôn nổi bật nhất, nhiều bất ngờ nhất, đồng nghĩa được đầu tư nhiều nhất, nhiều đến mức nhiều người đồn đoán NTK yêu Công Lý. Nghe chuyện ấy, Đức Hùng chỉ cười. Anh có duyên với vai diễn này ngay từ lần đầu tiên tham gia Táo quân với tư cách nhà thiết kế trang phục sân khấu.
“Lúc đó đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhờ tôi giúp cho phần trang phục của cô Đẩu, sao cho phù hợp, lung linh nữa thì càng tốt. Dần dần tôi phụ trách luôn trang phục cho toàn bộ diễn viên, từ các Táo đến các nhân vật phụ. Tính đến nay là 10 năm rồi”, anh kể.
Sở dĩ trong cả dàn Táo, người ta chú ý đến cô Đẩu nhiều nhất ngoài cá tính đặc biệt của nhân vật này và diễn xuất được khen là xuất sắc của Công Lý, còn vì trang phục của cô Đẩu luôn đặc biệt và tiềm ẩn bất ngờ.
2016 là năm đánh dấu sự “công khai giới tính” của Bắc Đẩu với một câu thoại nổi tiếng: “Lúc trước mọi thứ còn chưa rõ ràng, mình còn phải e ấp, còn phải giấu mình đi, bây giờ đã được thông qua rồi thì tội gì mà mình không bung lụa”. Ngay sau câu nói ấy, hai dải lụa mềm có chữ “bung lụa” từ bên sườn nhân vật tung ra khiến khán giả vô cùng thích thú. Đức Hùng cho biết, để có giây phút thăng hoa ngắn ngủi ấy, anh phải làm đi làm lại tới hơn chục phương án khác nhau. Một trong những bản thử là chiếc khăn được cô Đẩu quàng ở cổ, nhưng “như thế lộ vở quá, cô Đẩu ra sân là bị đoán ra rồi”. Sau khi cân lên đặt xuống nhiều phương án, chiếc khăn được giấu trong túi kín ở hai bên sườn, và hình ảnh “bung lụa” sau đó được đánh giá là một trong những “pha để đời” của cô Đẩu.
Năm 2017, Bắc Đẩu xuất hiện trong bộ trang phục “linh hoạt giới tính” với phần trước là vest, phần sau là váy công chúa cũng “đi thẳng vào trí nhớ khán giả”. Ngay sau đó Đức Hùng được hỏi rằng, tại sao không làm một nửa vest, một nửa váy như thường lệ, anh dứt khoát: “Còn lâu, thế thì còn gì là ngỡ ngàng, bật ngửa nữa”.
Cũng trong năm này, lần đầu tiên Đức Hùng có một vai diễn trong Táo quân, trùng hợp nhân vật lại là cháu họ hàng xa thi đại học 3 môn được 7 điểm của cô Đẩu. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn nhớ và gọi anh là Nhộng Biển – nhà thiết kế trượt đại học ở quê nhà, nhưng lại có bằng thời trang quốc tế ở Xì – cốt – len và nhờ thân tín làm tay trong mà được đặc cách lên thiên đình.
“Không phải chỉ Công Lý đâu, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng... tôi cũng yêu vô cùng. Chỉ là vai cô Đẩu hơi đặc biệt, luôn được khán giả chờ đợi mỗi lần xuất hiện. Nhiều người tò mò năm nay Bắc Đẩu sẽ mặc gì, nên tôi chú trọng đến tạo hình của nhân vật này. Nhưng điều đó không có nghĩa trang phục của Bắc Đẩu được chăm chút kỹ nhất”, Đức Hùng khẳng định.
Có khi ý tưởng sáng tạo bật ra từ một câu thoại
Nhiều nhà thiết kế xem trang phục của các Táo qua nhiều năm cho rằng Đức Hùng đã tính toán rất tốt hiệu ứng và tính ước lệ của sân khấu. Điều đó không lạ, bởi Đức Hùng chính là “dân trong nghề” (hiện anh là Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long), được đào tạo bài bản về thiết kế trang phục biểu diễn.
“Thiết kế đồ cho Táo quân không giống làm một bộ sưu tập. Ở đây, trang phục phải phục vụ cho nhân vật và kịch bản, thậm chí đặc điểm riêng của diễn viên. Tôi phải tìm ra ý tưởng và cảm hứng từ kịch bản (thường là 100 trang) và có khoảng 3 tháng để hoàn thiện một lượng việc khổng lồ. Táo quân không chỉ có áo chầu, còn có mũ, hia, đai... Tất cả đều phải thêu tỉ mỉ cho nên áp lực về thời gian của tôi mỗi năm đều rất lớn”, NTK chia sẻ.
Cũng vì yêu cầu “phải bám sát kịch bản” nên ngoài đạo diễn và diễn viên, Đức Hùng là người thuộc kịch bản “đến từng câu thoại”. Rất nhiều năm, cảm hứng sáng tạo của anh đều được những câu thoại gợi ý. Chẳng hạn, năm ngoái, khi thiết kế trang phục cho Táo Robot (bản sao của cô Đẩu), bộ trang phục xanh phủ voan được anh nảy ra từ lời bình luận của các Táo: “Trông nó như con sâu rau ấy nhỉ!”.
Tính cầu toàn và chơi sang của trai phố cổ vận vào trang phục Táo quân rất rõ ràng: Đức Hùng tỉ mỉ từng chi tiết trên trang phục, mỗi năm đều làm mới chứ không hề dùng lại. Đồ của Táo quân trong 10 năm đều được nhà thiết kế bảo quản cẩn thận. Đức Hùng gọi đó là “bảo bối của anh”!
Một thú vị khác, do chính những khán giả yêu thời trang phát hiện ra, trang phục Táo quân mỗi năm đều tiệm cận với xu hướng thời trang thế giới, năm thì đồ đôi, năm đắp hoa nổi... Đức Hùng giải thích, điều đó là đương nhiên bởi bản thân Táo quân là một chương trình bám sát thời sự, cho nên trang phục không thể lạc hậu.
Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bên cạnh việc làm ra những trang phục lộng lẫy để dàn Táo lên chầu Ngọc Hoàng, Đức Hùng còn làm thêm khẩu trang thêu tay cho hợp phong cách mùa dịch. Tất cả khẩu trang của các Táo đều được thêu tay tỉ mỉ trên chất liệu gấm, nhung the. Khẩu trang của Bắc Đẩu có hình hoa đào - hoa mai của miền Bắc, miền Nam và chú chim én bay trên bầu trời, khẩu trang của Táo Y tế màu đen, thêu kim tuyến trở thành điểm nhấn khi kết hợp với bộ trang phục trắng...
Mặc dù suốt 10 năm cày xới trên cùng một dạng kịch bản, một hệ thống nhân vật lẫn diễn viên nhưng Đức Hùng khẳng định, anh không chịu bất cứ áp lực nào về mặt sáng tạo. Trái lại, làm đồ cho Táo quân “giống như sân chơi của mình, tôi như cá trong nước, thích lắm, vui lắm”!
Cũng vì thích cho nên cầu kỳ, cho nên tỉ mỉ, cầu toàn. Anh bảo: “Nhớ năm nào chỉ làm bộ đồ tắm cho Nam Tào xuất hiện trong phút mốt thôi, tôi cũng dùng chất liệu gấm nhất thể của Nhật Bản. Đơn giản tôi nghĩ họ là vua chúa không phải người thường. Đồ để diễn trong một chương trình mà dân cả nước chờ mong tôi không thể không kỹ lưỡng”.
Theo Hạ Đan (Tiền Phong)