Hình ảnh Karlie Kloss vào vai một geisha trong bộ ảnh đậm chất Nhật Bản trên tạp chí Vogue - chủ đề tôn vinh vẻ đẹp đa dạng, bị chỉ trích gay gắt vì phân biệt chủng tộc.
Karlie Kloss đã lên tiếng xin lỗi vì tham gia chụp ảnh chủ đề Nhật Bản cho Vogue tháng 3.2017 |
Tạp chí Vogue tháng ba nhằm tôn vinh vẻ đẹp đa dạng của phụ nữ có sự góp mặt của nhiều người mẫu với sắc tộc khác nhau, chủng tộc khác nhau và vóc dáng khác nhau như siêu mẫu Gigi Hadid, Kendall Jenner, người mẫu ngoại cỡ Ashley Graham, Liu Wen từ Trung Quốc, Vittoria từ Ý, Adwoa từ Anh và Imaan từ Hà Lan. Tuy nhiên, đã không được khen ngợi thì chớ, Vogue còn vướng vào tranh cãi khi để Karlie Kloss - một phụ nữ da trắng, “giả” làm geisha.
Nữ người mẫu 24 tuổi xuất hiện trong bộ ảnh với trang điểm, kiểu tóc, phụ kiện, trang phục phong cách geisha, giữa quang cảnh đậm chất xứ sở hoa anh đào và có cả võ sĩ sumo. Được biết, nhiếp ảnh gia Mikael Jansson thực hiện bộ ảnh này tại Nhật Bản coi đây là thể hiện sự tôn kính đối với bộ ảnh Vogue năm 1966 do Richard Avedon bấm máy cho người mẫu Đức Veruschka (cũng sử dụng nhiều chất liệu Nhật Bản).
Sau khi ảnh được công bố, dân mạng thắc mắc rằng tại sao Vogue mời Liu Wen chụp ảnh bìa rồi mà không nỡ để người mẫu châu Á này thực hiện bộ ảnh thay vì để Karlie Kloss vào vai geisha một cách khiên cưỡng như vậy. Cư dân mạng không tiếc lời chỉ trích cả Vogue và người mẫu Karlie Kloss trên Twitter.
Bị lên án vì để Karlie Kloss - một phụ nữ da trắng, “giả” làm geisha, Vogue đã dỡ bộ ảnh khỏi trang web của mìnhẢNH: REUTERS/TWITTER |
Những phê phán gay gắt do công chúng đang nhạy cảm với những biểu hiện phân biệt chủng tộc trong văn hóa. Nếu Hollywood bị lên án vì chiến dịch “tẩy trắng” (whitewashing) điện ảnh những năm gần đây khi Scarlett Johansson đóng vai một người Nhật trong Ghost in the Shell, Emma Stone được chọn vào vai Allison Ng trong Aloha hay Matt Damon làm diễn viên chính trong phim thời cổ đại Trung Hoa…, thì những bức ảnh như Vogue thực hiện tất nhiên khiến họ cực kỳ khó chịu.
Trước quá nhiều chỉ trích, tạp chí Vogue đã dỡ bỏ các bức ảnh khỏi trang web, Karlie Kloss cũng xin lỗi trên Twitter. Cô viết: "Tôi thực sự xin lỗi vì đã tham gia buổi chụp hình. Mục tiêu của tôi là, và sẽ luôn là, trao quyền và truyền cảm hứng cho phụ nữ. Tôi đảm bảo những bộ ảnh và dự án tương lai của tôi phản ánh sứ mệnh đó".
Ngoài ra, Vogue với chủ đề “đa dạng” cũng bị lên án vì ảnh bìa tôn vinh vẻ đẹp của những người đẹp ở mọi cỡ nhưng lại để người mẫu ngoại cỡ Ashley Graham là cô gái duy nhất trong nhóm dùng tay che bớt đùi trong nhóm người đẹp và lạm dụng photoshop nhiều đến nỗi tay của Gigi Hadid bị biến dạng.
Trước phản ứng tiêu cực này, người mẫu Ashley Graham đã lên tiếng minh oan cho Vogue. Cô chia sẻ trên Instagram: “Tôi chọn kiểu tạo dáng như thế mà. Không ai nói tôi phải làm bất cứ điều gì cả”.
Karlie Kloss từng liên can trong cuộc tranh cãi văn hóa khi đội chiếc mũ của thổ dân da đỏ tại Victoria’s Secret Fashion Show 2012 ẢNH: REUTERS |
Nhưng nói gì thì nói, chuyện tạp chí tháng ba lần này đã tổn hại không nhỏ đến uy tín của Vogue, ngược lại với người em của nó - Teen Vogue, đang được khen ngợi vì trang bìa chính trị rất “chất”.
Đây cũng không phải lần đầu Karlie Kloss vướng vào rắc rối vì liên can trong cuộc tranh cãi văn hóa. Tại Victoria’s Secret Fashion Show 2012, cô mặc bộ đồ lót có chiếc mũ lấy cảm hứng từ trang phục chiến tranh chỉ dành riêng cho phái mạnh của thổ dân da đỏ.
Đối với người Mỹ bản địa, để một phụ nữ da trắng đội chiếc mũ là một hành động đặc biệt xúc phạm. Victoria’s Secret Fashion Show khi ấy phải đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt và phải hứa sẽ cắt những cảnh quay có liên quan ra khỏi chương trình phát sóng trên truyền hình.
Karlie Kloss cũng đã phải lên tiếng xin lỗi: “Tôi thành thật xin lỗi nếu bộ trang phục tôi mặc trong chương trình Victoria’s Secret xúc phạm bất kỳ ai. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định loại bỏ các trang phục này khỏi bản phát sóng của Victoria’s Secret”.
Theo Tạ Ban (Thanh Niên Online)