Johnny Trí Nguyễn xin giảm án phạt 76 triệu đồng

01/10/2015 09:29:28

Johnny Trí Nguyễn cho rằng, việc xảy ra với võ đường Liên Phong vừa qua đã bị thổi phồng quá mức. Anh chỉ tổ chức một buổi lên cấp cho học viên chứ không phải thi thố.

Johnny Trí Nguyễn cho rằng, việc xảy ra với võ đường Liên Phong vừa qua đã bị thổi phồng quá mức. Anh chỉ tổ chức một buổi lên cấp cho học viên chứ không phải thi thố.

 

Johnny Trí Nguyễn khẳng định, không ai làm giàu được từ võ đường.

 
- Sau khi nhận quyết định phạt 76 triệu vì tổ chức thi đấu võ thuật không có giấy phép, tâm trạng của anh thế nào?

- Tôi cảm giác mọi thứ bị thổi phồng quá lên, mọi người nhìn tôi như mắc tội gì đó lớn lắm. Tôi tổ chức buổi lên cấp cho học viên của Liên Phong thôi. Tôi thấy những bạn trẻ đam mê võ thuật nhưng không có nơi để cọ xát, họ tổ chức ở sân trường học, ở nhà hoặc đường phố như thế rất nguy hiểm. Vì thế, tôi tạo ra sân chơi cho các học viên.

- Theo như quyết định của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thì quy mô tổ chức của Liên Phong khá lớn vì có tài trợ, bán vé, như một giải đấu thật sự. Anh nói sao về chuyện này?

- Vì tôi là diễn viên điện ảnh, người làm nghệ thuật nên muốn dù chỉ là buổi lên cấp cũng phải có hình thức đẹp đẽ một chút, giúp các học viên phấn khích. Họ thấy ngày lên cấp long trọng thì cảm giác sự lên cấp của mình cũng ý nghĩa hơn. Việc thiết kế poster không phải tôi đi thuê mà do một bạn học viên của Liên Phong thiết kế. Còn nói là nhà tài trợ thì không phải là gì đó quá to tát. Thật ra, tài trợ chính là gia đình tôi - hãng phim Chánh Phương, giúp dời võ đài từ trong góc ra giữa, rồi có 2 anh quay phim tới ghi lại buổi thi đấu. Nhạc thì cũng do học viên của tôi chơi, còn tôi đảm nhận vai trò MC…

Các em học viên quá hào hứng nên kêu gọi thêm bạn bè, gia đình tới xem. Tiền vé mà cơ quan chức năng nói thực ra chỉ là phụ thu.  Với học viên của Liên Phong là 120.00 đồng và người ngoài là 200.000 đồng để tính vào chi phí thuê ghế, nước uống. Trong buổi đó, có một hãng tài trợ nước uống nhưng chỉ là tặng nước cho học viên chứ không phải đầu tư tiền bạc gì.

- Mở Liên Phong mấy năm rồi hẳn anh phải lường trước được điều này và biết đến những quy định liên quan đến quy định về võ thuật?

- Từ ngày mở Liên Phong, cứ 6 tháng một lần tôi tổ chức lên cấp. Năm nay cũng như vậy, nhưng các bạn học viên thì hào hứng hơn, muốn tổ chức long trọng hơn một chút thì kêu gọi bạn bè, gia đình tới xem. Tất cả trên tinh thần cho vui, chứ nếu muốn tổ chức một giải đấu thật sự, thì tôi phải thuê nhà thi đấu, phải quảng bá rầm rộ chứ. Ở Liên Phong thì được mấy người? Đó là chưa kể, tôi mời những võ sư ở những võ đường khác về đây dự, cũng phải có khoản chi phí cho họ. Tôi muốn các học viên của võ đường thấy ngày lên cấp của mình thật ý nghĩa.

- Bị cơ quan nhà nước phạt và báo chí đưa tin nhiều về chuyện này, anh có sợ  ảnh hưởng tới uy tín của võ đường cũng như bản thân mình?

- Tôi không nghĩ bị ảnh hưởng. Ai tới Liên Phong đều biết, chúng tôi tập võ chứ không phải tập trung để cá độ hay làm gì phạm pháp. Bây giờ, học viên vẫn tập bình thường như trước khi có lệnh phạt.
 

Johnny Trí Nguyễn được đánh giá là ngôi sao võ thuật hàng đầu của điện ảnh Việt Nam.

 
- Qua chuyện này, anh rút ra điều gì?

- Những lần trước tôi tham gia vào khâu tổ chức nhiều nhưng lần này để học viên làm nên để xảy ra sai sót đáng tiếc. Tuy nhiên, tôi nghĩ sai sót đó không có gì lớn lao. Tôi đã gửi đơn xin giảm mức phạt. Tôi thấy mức phạt đó quá cao với một võ đường. Mức phạt đó hợp lý nhưng không có sự khuyến khích với phong trào tập võ.  Tôi có người bạn tổ chức chương trình ở một quán bar nhưng không có giấy phép mà chỉ bị phạt 50-60 triệu. Trong khi đó, doanh thu của quán bar tới 10.000 USD/ngày thì học phí học viên của võ đường Liên Phong chỉ từ 300 -1.8 triệu/ tháng.

Tôi khẳng định, không có một võ đường nào có doanh thu lớn như thế, một năm võ đường cũng không được số tiền đó. Nhỏ đến lớn, tôi học ở nhiều võ đường, chưa có sư phụ làm giàu được bằng võ. 

- Để có võ đường Liên Phong như ngày hôm nay, hẳn anh đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức?

- Ngày xưa, Liên Phong là khu lau sậy và nước. Tôi thích võ nên mượn đất của ba mẹ xây dựng võ đường. Tôi chỉ tốn công sức chứ đầu tư không nhiều vì tất cả đều là nhà tranh, mái lá. Có điều, mỗi năm, tôi phải đầu tư, “bảo dưỡng” nó. Có những bạn ở tỉnh xa đến tập thì xây nhà trọ cho các bạn ở. Nói thật, tôi thu học phí chỉ là để trang trải cho việc thuê nhân viên thôi, còn tiền sửa chữa tôi lấy từ tiền cát xê đóng phim, quảng cáo. Mấy tháng trước, tôi bán cả chiếc xe mình dùng đi đóng phim để đầu tư xây hồ bơi thủy sinh cho học viên tập xong có thể xuống bơi.

- Cả ngày ở võ đường, vậy mỗi khi căng thẳng, anh thường làm gì?

- Tôi là người có suy nghĩ lạc quan nên không quen để mình buồn bã quá lâu về chuyện gì đó. Tôi quan niệm, đau đầu hay mất ăn mất ngủ cũng đâu giúp ích được gì nên tốt nhất cứ thoải mái đón nhận mọi thử thách. Suy nghĩ ung dung này có lẽ bắt đầu từ võ thuật mà ra. Tập cả ngày vất vả, mướt mồ hôi, vượt qua được sự kìm kẹp của đối phương còn làm được thì khó khăn của cuộc sống đâu phải là gì đó quá ghê gớm. Tôi đối diện với khó khăn khá bản lĩnh, mạnh mẽ.

- Lâu nay anh ít đóng phim, tham gia sự kiện. Anh không còn mặn mà với điện ảnh nữa sao?

- Điện ảnh cũng là đam mê, làm sao tôi bỏ được. Tôi đang cùng ê kíp chuẩn bị quay phim Tèo em 2. Rắc rối với Bụi đời chợ Lớn thời gian trước không làm tôi nản chí. Ai làm phim mà không từng gặp rắc rối. Rút kinh nghiệm từ Bụi đời chợ Lớn, lần này phim Tèo em 2, chúng tôi sẽ gửi kịch bản tới Cục điện ảnh duyệt trước khi bấm máy.
 
>> Johnny Trí Nguyễn: "Tôi sốc vì võ đường bị phạt 76 triệu
>> Vì sao võ đường của Johnny Trí Nguyễn bị ngưng hoạt động?

Theo Hằng Nguyễn (Zing.vn)

Nổi bật