"Hùng cá rô sẽ trở lại trong tập cuối Người phán xử"

03/08/2017 15:23:00

Võ sư Vũ Hải - người vào vai Hùng cá rô trong phim “Người phán xử” bật mí nhân vật Hùng cá rô sẽ xuất hiện ở tập cuối.

Võ sư Vũ Hải - người vào vai Hùng cá rô trong phim “Người phán xử” bật mí nhân vật Hùng cá rô sẽ xuất hiện ở tập cuối.

Hùng cá rô là nhân vật được nhiều khán giả yêu thích trong phim "Người phán xử".

Cho đến bây giờ, nhiều khán giả vẫn nhắc tên Hùng cá rô. Một nhân vật không xuất hiện quá nhiều trong phim “Người phán xử” nhưng lại có những chi tiết vô cùng đắt giá. Thậm chí, cảnh Hùng cá rô dùng dao tự đâm mình tới chết đã gây ám ảnh và tác động mạnh tới cảm xúc của người xem.

Theo đó, từ tập 23 “Người phán xử”, Hùng Cá Rô cùng Lương Bổng là đối tượng nằm trong kế hoạch truy sát của Thế Chột. Bị hàng chục tên giang hồ truy sát tại nhà một người anh em, dù ra sức chống trả nhưng Hùng Cá rô nhanh chóng bị hạ gục. Cố chạy về căn lán của mình, Hùng Cá rô bình tĩnh ngồi xuống bàn, tu hết chai rượu rồi lấy dao tự đâm liên tiếp vào ngực mình đến chết trước sự chứng kiến của những tên sát thủ.

Dù hết vai từ tập 23 nhưng từ đó, Hùng cá rô trở thành biểu tượng của lòng trung thành. Cái chết của hắn khiến nhiều người liên tưởng đến câu nói của ông trùm Phan Quân “thà chết còn hơn sợ chết”.

Về sau, trong những tình huống nguy cấp của Phan Thị, khán giả vẫn nhắc tên Hùng Cá Rô và bày tỏ mong muốn nhân vật này sẽ quay trở lại. Trò chuyện với võ sư Vũ Hải - người vào vai Hùng cá rô, anh xác nhận nhân vật này sẽ xuất hiện trong tập cuối của bộ phim “Người phán xử”.

hùng cá rô - ảnh 1

Võ sư Vũ Hải ngoài đời thực thân thiện và cởi mở.

Gặp gỡ võ sư Vũ Hải ngoài đời anh rất khác so với Hùng cá rô trong phim. Không còn là tay giang hồ cộm cán, lạnh lùng và sẵn sàng xuống tay như ở “Người phán xử”, võ sư Vũ Hải thân thiện và vui vẻ. Thậm chí, anh khá rụt rè và khiêm tốn khi nói về bản thân mình.

Cơ duyên anh đến với vai Hùng cá rô trong phim “Người phán xử” như thế nào?

Thứ nhất, tôi mong muốn đưa võ cổ truyền vào phim. Thứ hai, nhân vật Hùng cá rô theo kịch bản mà tôi nhận là một nhân vật hảo hán, rất trượng nghĩa, đúng tích chất con nhà võ. Đó là hai lý do tôi quyết định nhận vai Hùng cá rô trong phim “Người phán xử”.

Cá nhân anh ấn tượng như thế nào về nhân vật này?

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều khán giả hay nhắc đến chi tiết Hùng cá rô quỳ một chân để tiễn biệt ông chủ và cái chết của Hùng cá rô ở tập 23 của bộ phim. Đây là 2 phân đoạn mà tôi thích nhất.

hùng cá rô - ảnh 2

Cái chết của Hùng cá rô ở tập 23 "Người phán xử" đã gây ấn tượng mạnh với người xem.

Hai chi tiết này là dụng ý của đạo diễn hay đó là ý đồ của anh?

Đây là dụng ý của đạo diễn và tôi có tham gia bàn bạc. Bởi tôi muốn khắc họa rõ nét tính chất con nhà võ của nhân vật Hùng cá rô. Hơn nữa, tôi cũng là người có kinh nghiệm trong nghề nên tôi hiểu được diễn biến tâm lý của nhân vật. Hắn là người trượng nghĩa, mang ơn ông trùm đã cứu mạng. Chi tiết quỳ một chân trái, cúi đầu khi ông trùm quay bước đi thể hiện sự trung thành tuyệt đối. Còn cái chết của Hùng cá rô thì rõ ràng nó mang hơi hướng của hảo hán thời xưa rồi.

Cùng phải nói rằng, Khải Anh và Mai Hiền là hai đạo diễn giỏi. Họ cũng là người nhìn thấu nhân vật và biết nhấn vào những chi tiết đắt giá.

Cảm xúc của anh thế nào khi Hùng cá rô hết vai ở tập 23?

Thực sự tôi cảm thấy tiếc nuối và có chút bâng khuâng.

Rất nhiều khán giả mong có một phép màu để Hùng cá rô trở lại?

Tôi rất cảm động vì sự yêu mến mà khán giả dành cho tôi. Đó là động lực để tôi cố gắng hơn trong những bộ phim sau. Tôi sẽ trở lại thật đấy!

Đó là sự thật sao, thưa anh?

Đúng vậy, Hùng cá rô sẽ xuất hiện lại ở tập cuối “Người phán xử”. Các bạn cùng chờ xem nhé.

Anh là một võ sư nhưng khá có duyên với phim ảnh. Anh đã tham gia bao nhiêu bộ phim rồi?

Tôi tham gia khoảng 40 bộ phim và chỉ đạo võ thuật cho nhiều phim.

Đâu là bộ phim anh ấn tượng nhất?

Bộ phim đầu tiên tôi chạm ngõ điện ảnh là “Đầm lầy bạc” với vai Dũng “gậy”- một tay giang hồ với những pha đánh đấm do mình tự thực hiện. Sau đó là một số bộ phim và thường gắn với nhân vật giang hồ, đại ca sừng sỏ như: Bản di chúc bí ẩn (Túc “gù”), Hạt mưa sa (ông chủ Hải), Hoa bay (Ngôn “trọc”), Câu hỏi số 5 (Hoàng đại ca) và mới nhất là Người phán xử (Hùng cá rô).

Và bộ phim thực sự để lại ấn tượng cho tôi chính là “Người phán xử”. Lần đầu tiên, tôi vào vai phản diện nhưng lại được khán giả yêu mến, thậm chí có cả nước mắt cho hình tượng nhân vật này.

Còn những diễn viên trong phim “Người phán xử” thì sao?

Tôi khá ấn tượng với các vai diễn như: Phan Quân của NSND Hoàng Dũng và Lương Bổng do NSƯT Trung Anh đảm nhận. Họ là những diễn viên gạo cội làm ra chất của các hình tượng nhân vật trong phim. Ngoài ra, với lớp diễn viên trẻ thì tôi ấn tượng với Bảo Anh (Bảo Ngậu), Việt Anh (Phan Hải), Hồng Đăng (Lê Thành)… Ở họ có sự nhiệt tình, đam mê nghề thực sự. Đặc biệt là Bảo Anh (Bảo Ngậu), cậu ấy là người gặp chấn thương nhiều nhất nhưng cũng là người dễ thương nhất. Bảo Anh là người khá dân dã, gần gũi với mọi người trong đoàn phim.

Ngoài là một diễn viên trong phim, anh còn là người chỉ đạo võ thuật của “Người phán xử”. Theo anh,  khó khăn khi đưa võ thuật vào phim là gì?

Không chỉ “Người phán xử” mà khó khăn chung của việc đưa võ thuật vào phim Việt là hầu hết các diễn viên chỉ có thể diễn xuất tốt thôi. Vì vậy, các cảnh va chạm, đánh đấm phải sử dụng tới bộ phận  cascadeur, nói cách khác là người đánh thế.

Có thể nói “Người phán xử” là bộ phim được đầu tư về võ thuật. Thế nên, chúng tôi cũng hết mình luôn. Có những lúc tôi huy động khoảng 300 quân để vào vai quần chúng trong phim. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá võ cổ truyền bên cạnh việc làm cho bộ phim có những cảnh quay chất lượng, đã mắt.

Theo Đỗ Quyên (Tiền Phong)

Nổi bật