Hồng Diễm là một trường hợp đặc biệt của điện ảnh phía Bắc. Không được đào tạo bài bản, cũng không xuất hiện quá nhiều, song nữ diễn viên sinh năm 1982 luôn được VFC ưu ái dành cho các vai nữ chính với hình tượng nữ hoàng sầu muộn. Lối diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng cùng vẻ đẹp nhu mì của Hồng Diễm chiếm lĩnh tình cảm của khán giả màn ảnh nhỏ.
Thế nhưng phải đến Khuê của Hoa hồng trên ngực trái, người hâm mộ mới cảm thấy "đã" với Hồng Diễm. Không còn thuần túy dịu dàng, cam chịu, Khuê lột tả mọi trạng thái tâm lý rất đời của một người đàn bà không hoàn hảo, một kiểu đàn bà rất… "đàn bà".
Anh Quỳnh là người đàn ông đầu tiên đánh tôi
Khi nhận được kịch bản Hoa hồng trên ngực trái từ tay đạo diễn Vũ Trường Khoa, chị nghĩ gì về Khuê?
Thực tình đọc 5 tập đầu tiên, tôi có ý định không làm. Vì Khuê giống Dung quá (nhân vật trong phim Cả một đời ân oán - PV). Cũng là kiểu phụ nữ của gia đình, không đi làm, có một người mẹ lúc nào cũng nhắc chuyện tiền nong, có một em trai việc gì cũng gọi tới chị. Tôi sợ nếu nhận vai này thì khán giả nhìn thấy Hồng Diễm sẽ chán mất. Tuy nhiên, đọc đến tập 7, đoạn Khuê say, thì tôi thấy "à, có cái cho mình làm khác đi".
Khuê "đời" hơn những nhân vật mà tôi từng diễn. Cô ấy giống như vô vàn những người đàn bà khác ở ngoài kia. Ở nhà 10 năm chăm chồng, chăm con, phục vụ mẹ chồng, không giao tiếp nhiều với xã hội bên ngoài, cô ấy có sự ngô nghê, vụng về, ngờ nghệch nhất định. Cô ấy cũng có khả năng nhẫn nhịn, chịu đựng rất lớn nhưng trong thâm tâm chứa đầy sóng ngầm. Đoạn Khuê say và được Bảo đưa về, cô ấy bảo với Thái: "Anh đừng tưởng tôi ở nhà mà tôi không có bồ nhé". Rõ ràng, trong lòng cô ấy luôn có sự nổi loạn. Cái cách cô ấy chứng minh giá trị với chồng tuy ngô nghê nhưng rất rất đàn bà.
Cảnh Khuê say được xem là cảnh đắt giá nhất thể hiện khả năng nhập vai "xuất thần" của Hồng Diễm. Để thực hiện được phân đoạn này, chị có phải uống rượu không?
Cảnh đó tôi phải quay làm 4 buổi khác nhau vì trải dài qua 4 bối cảnh: Ở nhà Bảo, ở công viên, ở sân chung cư và trong nhà Khuê - Thái. Hôm đầu tiên quay ở công viên thì đạo cụ có chuẩn bị một chút rượu vang. Đạo cụ cho uống gì thì uống nấy (cười).
Nhưng diễn được như thế thì không phải nhờ rượu mà nhờ anh Công Lý. Khi đọc kịch bản tôi rất thích, nghiên cứu cũng kỹ lắm, xong ra tới hiện trường thì không biết phải diễn thế nào. Bình thường nếu tôi say thì tôi sẽ ngủ, chứ không thể nói nhiều được như thế. Nhưng anh Lý bảo không phải, có rất nhiều kiểu say khác nhau. Khuê là người không biết uống rượu nên chỉ cần một chút rượu thôi sẽ thành con người khác, nói gì, làm gì không kiểm soát được và hôm sau thì không nhớ gì hết.
Sau hôm được anh Công Lý thị phạm ở công viên thì tôi đã có kinh nghiệm hơn cho buổi quay ở nhà Khuê. Cơ thể tôi thả lỏng hoàn toàn, kệ ai muốn đỡ đến đâu thì đỡ, muốn thả thế nào thì thả. Kết quả là quay xong, anh Quỳnh và cô Cúc còn mệt hơn cả tôi. Anh Quỳnh bảo: "Em thả vào người anh thì được chứ đừng thả với u Cúc. Không thì khổ thân u."
Đến thời điểm hiện tại, đâu là cảnh quay khó khăn nhất với chị? Có phải là 4 lần say rượu đó không?
Không, cảnh quay khó nhất với tôi lại là cảnh bị Thái tát. Thực sự để nói về cảm giác biết là mình sẽ bị tát mà vẫn phải đứng im chịu cái tát đó diễn ra nó rất khó tả. Không thể diễn đạt được. Từ bé tới lớn, tôi chưa bao giờ bị bố mẹ đánh. Đàn ông đánh thì càng không. Tính tôi lại ít va chạm. Anh Quỳnh chính là người đàn ông đầu tiên đánh tôi.
Theo yêu cầu thì tất cả các cái tát trong phim phải thật. Đạo diễn chỉ hướng dẫn cách tát là dùng 5 đầu ngón tay thay vì dùng cả bàn tay tạt vào mang tai để tránh cho bạn diễn bị ngất. Nhưng thực sự là anh Quỳnh đã thiếu chủ động về lực nên đã tát tôi rất mạnh. Tôi bất ngờ "á" lên một tiếng. Tôi kêu đau thật sự chứ không còn là diễn nữa. Vừa bị đau lại vừa chịu cảm giác tồi tệ chưa bao giờ mình gặp phải trong đời. Nó gần giống như một cú sốc vậy.
Trong phim, Khuê và Thái thường xuyên tranh cãi, mâu thuẫn gay gắt. Chị có phải giữ khoảng cách với Ngọc Quỳnh ở hiện trường để tạo cảm xúc chân thật mỗi khi bấm máy không?
Chúng tôi đều là diễn viên chuyên nghiệp nên cũng không cần thiết phải cố tạo xung đột ngoài ống kính. Tuy vậy, những ngày quay ở bối cảnh nhà Khuê, toàn cảnh cãi vã, nước mắt, mỗi lần nghỉ quay để ăn trưa, vì vẫn còn mang theo cảm xúc hậm hực, uất ức của Khuê nên tôi nói chuyện với anh Quỳnh nhấm nhẳng, cấm ca cấm cảu, không bình thường được. Anh ấy cũng phải khó chịu hỏi lại: "Ơ con này nó ghét mình thật hay sao?".
Chưa chán yêu Hồng Đăng trên phim
Hoa hồng trên ngực trái là bộ phim đầu tiên mà bạn diễn của chị không phải "soái ca". Chị ấn tượng thế nào về nhân vật Thái?
Trước khi vào quay tôi khá hồi hộp. Tôi chỉ biết anh Quỳnh chứ chưa bao giờ làm việc chung, chưa biết tính cách thế nào. Nhìn mặt anh Quỳnh, tôi nghĩ anh này không hợp vai. Nhưng giờ thì đúng là không ai đóng Thái hợp hơn anh ấy.
Một lần nữa, chị vẫn không thoát được "người tình màn ảnh" của mình là diễn viên Hồng Đăng. Chị và Hồng Đăng đến giờ là yêu nhau qua 4 bộ phim. Khán giả đùa anh chị như Dạ Hoa và Bạch Thiển của Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, yêu nhau từ kiếp này sang kiếp khác vẫn chưa xong. Chị có chán không khi phim nào cũng phải yêu Hồng Đăng?
Khi nào khán giả chán thì Hồng Diễm mới chán (cười). Tôi nghĩ vì anh Hải không cho tôi và Hồng Đăng đến được với nhau nên khán giả còn xem, chứ hai người có cái kết có hậu thì chắc khán giả đã chán rồi. Yêu nhau từ phim này qua phim khác, sợ nhỉ? Lắm lúc không hiểu tại sao lại như thế!
Phim này thì sao, Khuê và Bảo có đến được với nhau không?
Tôi cũng chưa hề biết luôn. Thề đấy. Vì phim vẫn đang quay và kịch bản vẫn đang viết.
Mối quan hệ của chị và "tiểu tam" Trà ở ngoài đời thế nào?
Không có drama gì đâu bạn. Lương Thanh vẫn gọi tôi là mẹ theo thói quen từ "Cả một đời ân oán". Tôi có cấm bạn ấy không được gọi tôi như thế vì người ngoài nghe được sẽ nghĩ tôi nhiều tuổi lắm nhưng bạn ấy vẫn gọi. Mấy tập đầu, để vào cảnh đánh ghen, tôi hoàn toàn thoải mái còn Lương Thanh thì không. Bạn ấy đeo tai nghe và cố tình không nói chuyện với tôi, đụng mặt tôi còn quay lưng đi. Sau đó thì bạn ấy thổ lộ: Con sợ buồn cười không diễn được. Giờ thì nhờn rồi.
Hai diễn viên nhí vào vai bé Bống bé Mun có vẻ như hợp tác với chị ăn ý hơn hẳn bé Nguyên An trong "Cả một đời ân oán"?
Đúng vậy. Trong Cả một đời ân oán, bé đóng vai Nguyên An mới 1 tuổi rưỡi. Con rất bám bà nên mỗi khi nhìn thấy tôi hay máy quay chĩa đến là khóc quá trời. Những lúc giải lao tôi mon men làm quen với con nhưng con cũng không cho mình làm quen luôn. Bống và Mun thì khác. Hai bé rất chuyên nghiệp. Bé Bống có kinh nghiệm diễn xuất nhiều rồi nên rất giỏi, thậm chí còn lấy cảm xúc nhanh hơn cả tôi. Nhiều khi diễn cảnh mẹ con, chỉ cần nhìn vào gương mặt biểu cảm của con là tôi diễn được mà không cần chuẩn bị gì cả. Riêng bé Mun, tôi nghĩ nếu sau này con lớn và được trời phú cho ngoại hình thì con sẽ là một ngôi sao. Cách suy nghĩ, cách diễn của con khiến đoàn phim phải ngỡ ngàng.
Phụ nữ ở nhà nội trợ, lo cho chồng cho con là phước phần của họ
Các vai diễn của chị từ trước tới nay luôn khá tương đồng với bản thân chị ngoài đời. Với Khuê thì sao?
Tôi và Khuê cũng có nhiều điểm giống nhau. Bản thân tôi cũng là người hướng về gia đình, luôn đặt gia đình lên trên mọi quyết định của mình. Cảnh Khuê say cũng là một phần con người tôi ngoài đời. Chồng tôi vẫn bảo tôi không phải người bình thường, điên điên, dở hơi.
Nếu ngoài đời chị rơi vào tình cảnh của Khuê, chồng ngoại tình và luôn phủ nhận công sức của vợ khi ở nhà nội trợ, chị có chọn cách đánh ghen và sống chết giữ lại gia đình cho con hay không?
Tôi sẽ không bao giờ đánh ghen. Bởi vì nếu có chuyện chồng ngoại tình bên ngoài thì tôi cho rằng đó là lỗi của chồng tôi. Nếu chồng mình không muốn thì chuyện đó không thể xảy ra. Còn giữ lại gia đình hay không thì tôi không biết được. Ngoài đời khó nói lắm. Nhưng nếu là Khuê, tôi sẽ dừng lại.
Vừa rồi trên mạng xã hội có rộ lên câu chuyện về một người phụ nữ âm thầm lên kế hoạch ly hôn trong suốt 10 năm trời vì người chồng vô tâm, vô trách nhiệm. Cô ấy chờ đợi 10 năm để con lớn mới chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc trong sự ngỡ ngàng của chồng. Khuê cũng đã từng thuyết phục Thái rằng hãy chờ con lớn lên mới ly hôn, những việc khác cô chấp nhận hết. Chị nghĩ sao về cách làm của hai người phụ nữ này?
Người phụ nữ kia hơi ác nhỉ? Bạn có thấy thế không? Khuê khác. Cô và Thái cùng thỏa thuận về việc sẽ chung sống vì con. Dù là giả dối nhưng nếu cả hai cùng cố gắng thì không hẳn là không tốt. Còn nếu người phụ nữ kia lên kế hoạch 1 mình, không ai biết cả, 10 năm âm thầm chuẩn bị, thì tôi nghĩ cô ấy là con người rất lạnh lùng. Một người tình cảm sẽ không thể làm như thế. Nếu là tôi thì chỉ cần 1 tháng thôi tôi đã không chịu được rồi.
Có rất nhiều người phụ nữ xem sự nghiệp của chồng cũng là của mình, họ chọn ở nhà nội trợ quán xuyến gia đình, chăm lo cho con cái, hy sinh ước vọng của bản thân vì chồng con. Theo chị phụ nữ có nên như vậy hay không?
Xung quanh tôi có rất nhiều người đã chọn cuộc sống đó, và tôi nghĩ đó là phước phần của họ. Họ tuy ở nhà nội trợ nhưng vẫn là nội tướng trong gia đình, rất có có tiếng nói, được chồng tôn trọng, biết chồng ở ngoài làm ăn ra sao, nhà có bao nhiêu tiền… Những người phụ nữ tôi thấy rất có phúc. Người chồng của họ giỏi giang và bận rộn, về tới nhà luôn muốn có bữa cơm nóng, con cái được lo lắng đầy đủ, bản thân người vợ vừa giúp chồng yên tâm làm việc, vừa chu đáo được cho con, vừa có thời gian chăm sóc bản thân.
Họ khác với Khuê. Khuê là người phụ thuộc, không được chồng tôn trọng, không có chủ động về kinh tế, không có quyền hành gì trong gia đình. Cô lại luôn mang tâm lý cam chịu, nín nhịn và mang ơn chồng vì Thái đã từng đứng ra chuộc nhà cho bố mẹ cô. Vì thế cuộc nhân của Khuê mới đi vào ngõ cụt.
Cuối cùng thì tôi nghĩ vấn đề không nằm ở chỗ phụ nữ nên ở nhà chăm chồng chăm con hay đi làm, mà là họ lấy được ai. Có thể tôi hơi duy tâm, nhưng tôi tin gặp được người đàn ông tốt là do may mắn. Tất nhiên, một phần do cách cư xử nữa, phụ nữ cũng phải như thế nào mới được chồng yêu.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Theo HH (Helino)