1. Được biết, số tiền này từ vốn đầu tư thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn huy động khác; trong đó, có trên 95 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Kiến Trung; còn lại là đầu tư một số hạ tầng kỹ thuật như hệ thống phòng chống chữa cháy, thiết bị nội thất công trình và chống sét cho công trình. Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện.
Điện Kiến Trung được khởi công xây dựng vào 2/1921 dưới triều Khải Định, đến năm 1923 thì hoàn tất.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 29/8/1945, điện Kiến Trung trở thành chứng nhân của sự kiện vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Cách mạng nước ta. Vào năm 1947, công trình bị chiến tranh phá hủy...
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo công trình di tích Điện Kiến Trung bao gồm gia cường móng bê tông cốt thép; phục hồi tường xây bằng gạch vồ; phục hồi gạch lát nền, sàn; phục hồi dầm, sàn bê tông cốt thép 2 tầng; phục hồi hệ mái ngói; phục hồi bờ nóc, bờ quyết; ô hộc, cuốn thư, chi tiết trang trí ngoại thất; phục hồi phào chỉ nội thất; phục hồi màu tường, ô hộc, lan can; phục hồi tranh tường, trần trang trí nội thất; sơn son thếp vàng... Dự án còn bao gồm việc lắp đặt thiết bị trưng bày nội thất Lầu Kiến Trung; tu bổ, bảo quản móng bao ngoài, móng tường, chân tường Đông Cung Lâu, Ngự Thư phòng; tu bổ, bảo quản móng bao ngoài, móng tường, chân tường, nền Võ Hộ giá phòng, Ngự phê phòng...
Theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế dự kiến trong tháng 10 tới, dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung sẽ được khởi công, và kéo dài trong khoảng 5 năm. “Kiến Trung là một trong năm công trình kiến trúc chính, có quy mô lớn nằm trên trục dũng đạo của Hoàng cung Huế, cùng với điện Thái Hòa - điện Cần Chánh - điện Càn Thành - cung Khôn Thái, nhưng nay chỉ còn duy nhất điện Thái Hòa. Trước khi khởi công, chúng tôi sẽ đặt một triển lãm kéo dài ngay trước di tích điện Kiến Trung để giới thiệu tường tận cho cộng đồng và du khách về dự án này”- theo TS Hải.
2. Sau chiến tranh, Quần thể di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn 400/1400 công trình nhưng trong tình trạng đổ nát, hư hỏng. Năm 1981, Tổng giám đốc UNESCO lúc đó cho rằng Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng và phát đi thông điệp, chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Quần thể di tích Cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên.
Ngày 12/2/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105/TTg phê duyệt Dự án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010 và sau này là Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020. Các quyết định này được ban hành nhằm xác định những mục tiêu cơ bản và dài hạn trong việc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế; đồng thời phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật chất, giá trị di sản văn hóa tinh thần và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, với những cố gắng tích cực, đến tháng 12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Từ đây, hệ thống di tích Huế cơ bản chuyển từ giai đoạn cứu nguy khẩn cấp sang bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. 25 năm kể từ khi trở thành Di sản thế giới cũng là thời gian đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di tích, cả về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý đối với di sản văn hóa. Đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thời gian qua, có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó tiêu biểu là: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường… Hiện các lăng Gia Long, Đồng Khánh, Thiệu Trị và Tự Đức đang được triển khai trùng tu nhiều hạng mục. Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh… đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương, cung An Định, hệ thống phòng chống hỏa, chống sét trong di tích đã cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện.
Cũng theo TS Phan Thanh Hải, việc trùng tu bảo tồn di sản Huế không chỉ làm hồi sinh các giá trị di sản văn hóa mà còn góp phần quan trọng vào chỉnh trang đô thị, phục hưng sức sống mãnh liệt của các giá trị truyền thống, khiến Cố đô Huế thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên “Con đường Di sản miền Trung”.
Theo M.Hà-Q.Việt (Daidoanket.vn)