Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày đầu năm, Hoàng Quyên bảo đôi khi cô cũng thấy mình khác quá, tức chẳng giống ai, từ âm nhạc đến cách sống.
Đồng nghiệp chăm chỉ đi sự kiện, chạy show kiếm tiền, á quân Vietnam Idol 2012 chọn cách "đi trốn". Người người đổ về thành thị, Quyên lại đang nghĩ đến chuyện sẽ "về rừng".
'Lớp kế cận các diva đi hát nhạc giải trí hết rồi'
- Kể từ live show “Rét đầu mùa”, nhiều người nói chị đã đi “tránh rét” vì chẳng mấy khi thấy xuất hiện. Sự ẩn giật ấy, với một giọng hát được nhận xét là hiếm có nói lên điều gì?
- Hình như là "ẩn" gần 3 năm, nếu tôi chẳng nhớ nhầm, kể từ Rét đầu mùa vào năm 2015. Đôi khi, tôi tự hỏi là có lâu quá không cho một sự trở lại, một sản phẩm mới đúng nghĩa. Nhưng rồi tôi tự trả lời không lâu chút nào.
Tôi chỉ xuất hiện với dự án của mình, không có, tôi sẽ ít xuất hiện. Tôi cũng không đi sự kiện, họp báo của đồng nghiệp khác. Tôi không thích như vậy, tôi dành thời gian để sống cho mình nhiều hơn là những hoạt động bên ngoài có phần xã giao.
- Showbiz thay đổi từng ngày, có ca sĩ tháng nào cũng ra MV, xuất hiện khắp mọi nơi, còn Hoàng Quyên thì chọn cách ở ẩn. Chị quá khác biệt?
- Tôi khác nhiều với họ đấy vì bước đi đầu tiên của tôi đã là con đường khác. Nhưng cũng đừng thắc mắc về họ, vì nếu không làm như họ thì không thể kiếm tiền được, tôi khẳng định đấy.
Chỉ là tôi có ý niệm khác, tất cả, với tôi đều cần sự chưng cất, không thể sản xuất công nghiệp, đại trà được.
Người làm kinh doanh, giải trí sẽ gọi là “mất tích”, nhưng tôi nghĩ đó là điểm rơi. Tôi khác lắm, đôi khi cứ phải chờ cảm xúc, chờ nguồn cảm hứng, chờ kiểu “trên trời rơi xuống” ý. Nếu rơi xuống rồi thì mình sẽ làm và sẽ hoàn thành.
Nhưng, tôi cũng trách tôi lắm. Tôi chưa làm cho khán giả biết được rằng nên tìm Hoàng Quyên ở đâu. Tôi không xuất hiện, khán giả cũng chẳng biết đi đâu để tìm. Đó là lỗi của tôi, chẳng thể chối được.
- 3 năm cho một sự chưng cất trong âm nhạc, có kỹ càng quá không?
- Tôi nghĩ là vừa đủ. 3 năm xuất hiện thì được gì, và 3 năm không xuất hiện mình sẽ thế nào. Tôi cứ tự hỏi vậy rồi trả lời bằng âm nhạc, bằng giọng hát. Quan niệm của tôi là làm điều gì cũng được, miễn là mình không hối tiếc, không hối hận.
Tôi luôn rạch ròi giữa kinh doanh và nghệ thuật. Tôi chẳng chê trách gì thị trường âm nhạc hiện tại nhưng rõ ràng có nhiều người đang làm giải trí đó chứ, với những sản phẩm không sáng tạo, lại còn phục vụ cho doanh nghiệp, nhãn hàng. Như vậy, đâu thể gộp vào nghệ thuật được!
Nếu chúng ta cứ gọi những sản phẩm như thế là nghệ thuật thì thật là một sự tổn thương cho âm nhạc và cho những nghệ sĩ như chúng tôi.
- Chị còn trẻ mà, tuổi trẻ, thường ai chả muốn sôi nổi và kiếm được thật nhiều tiền!
- Tôi nghĩ đó là lối đi bất biến trong âm nhạc. Khán giả nghe nhạc, yêu nhạc rất nhiều, và đôi khi, đó không phải là những người gõ phím trên mạng.
Nhiều người có nhu cầu nghe nhạc thực sự và họ đã đặt câu hỏi với tôi: “Ở Việt Nam hiện nay có gì nghe để nghe không?”. Tôi trả lời “Tôi sẽ làm để bạn có thứ để nghe”.
Nếu ai cũng muốn kiếm tiền thì ai sẽ viết nhạc nhẹ, ai cũng thích nổi tiếng thì ai sẽ làm nghệ thuật. Mọi người có bao giờ thắc mắc về việc tại sao Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần vẫn là gương mặt cho những chương trình mang tính nghệ thuật cao? Đơn giản vì lớp kế cận của họ đã đi hát giải trí hết rồi!
Danh xưng 'nghệ sĩ' ở Việt Nam rất lẫn lộn
- Chị có sợ phát ngôn của mình sẽ lại bị cuốn vào vòng tranh cãi giữa âm nhạc nghệ thuật và âm nhạc giải trí, vốn chẳng thể ngã ngũ?
- Không, tôi chỉ muốn nói cho rõ vì thử hỏi âm nhạc ở các nước phát triển bây giờ, không gian đúng nghĩa nhất vẫn là nhà hát. Và ở đó, có những đêm nhạc người nghe phải đặt vé hàng năm trời mới đến nghe được.
Việt Nam chả nhẽ không có được điều đó sao, hay vì chúng ta không đủ những gương mặt sáng tạo?
Nghệ thuật đâu phải là nghề bán hàng. Phải chăng âm nhạc giải trí nên được xếp vào danh sách những ngành kinh doanh chứ không phải âm nhạc nữa. Chỉ có vậy, suy nghĩ của những người làm giải trí mới không lẫn lộn, để họ biết rằng họ không phải đang làm nghệ thuật.
- Nhưng có cần thiết phải phân định như thế không khi tất cả đều phục vụ khán giả, đều được gọi là nghệ sĩ, ca sĩ?
- Lại là một chuyện đáng nói. Ở nước ngoài có "artist", tức là nghệ sĩ và pop star, tạm dịch là ngôi sao giải trí. Nhưng nghệ sĩ ở Việt Nam thì lại bao hàm trong ấy sự lẫn lộn thật khó hiểu.
Nhiều em nhỏ thậm chí còn tưởng hoa hậu, người mẫu cũng là nghệ sĩ. Đó thực là khái niệm "địa phương" và không chuẩn.
Tôi thấy nực cười lắm, sao ở Việt Nam, một số hoa hậu, người mẫu, MC, ca sĩ giải trí, thậm chí không cả đạt đến mức giải trí cũng được gọi là nghệ sĩ. Họ tự nhận bản thân đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật? Sao họ lại nghĩ buồn cười thế nhỉ?
- Như thế nào mới là một nghệ sĩ âm nhạc đúng nghĩa, theo chị?
- Đó là người phải có sản phẩm mang tính sáng tạo, có ý niệm, và phải thăng hoa trong chính ý niệm của họ. Nghệ sĩ là người có "công trình" nghệ thuật, chứ không phải là lấp lánh, xập xình, son phấn. Nghệ sĩ tinh giản lắm, thậm chí còn tối giản vì đôi khi sự đơn giản mới là đỉnh cao.
- Nếu không có ai theo đuổi con đường như vậy, liệu có sao không?
- Nó giống như đồng phục vậy, kiểu tóc giống nhau, âm nhạc giống nhau. Chúng ta chẳng còn bản sắc của riêng mình. Tôi không biết nói thêm thế nào nữa.
Nghệ thuật thì khác, nghệ thuật đúng nghĩa sẽ mang đến những ý niệm khác nhau, sẽ đưa người ta trở vào sâu bên trong con người mình khi nghe nhạc.
Chúng ta nên biết sợ sự giống nhau trong âm nhạc để khuyến khích nhau chịu khó nghe âm nhạc đúng nghĩa nhiều hơn.
- Nghe Hoàng Quyên chia sẻ, người ta sẽ thắc mắc chị kiếm tiền bằng cách nào để đầu tư cho âm nhạc khi mà bản thân luôn chắt lọc, chọn lựa, lại ngại xuất hiện?
- Tôi ít khi đi hát một chương trình public, kiểu sân vận động gần như là không bao giờ, lên sóng truyền hình cũng rất ít. Nhưng tôi có hát ở những event phù hợp, nơi mà người ta cần những giọng hát như Hoàng Quyên.
Đôi khi, nghệ sĩ vẫn phải đi kiếm tiền để cân bằng cuộc sống và để mình có kinh phí sáng tạo. Tôi coi sáng tạo là mục đích hướng tới vì nghệ thuật cần lắm sự mới mẻ.
Tôi là một người trẻ, và tôi sẽ làm hết mình cho sự sáng tạo ấy. Người ta đến một đất nước, người ta sẽ không hỏi đến những tòa nhà đâu, người ta sẽ hỏi đến bản sắc, mà bản sắc thì lúc nào cũng phải giữ gìn và sáng tạo.
- Hình như chị đang rất đau đáu với thị trường nhạc Việt hiện tại?
- Thực ra, tôi nói vậy nhưng mọi thứ đang rất ổn, ai làm việc của người ấy và kết quả sẽ hiện ra trước mắt. Tôi quan niệm những sản phẩm âm nhạc có giá trị, nghệ sĩ không cần phải buồn nếu ít khán giả.
Nếu bạn có giá trị rồi, bạn ở một mình vẫn được, làm được sản phẩm giá trị là mình đã có niềm hạnh phúc. Cần gì phải rầm rộ quảng bá?
Thú thật, có sản phẩm mà mình tâm đắc, tôi còn không muốn giới thiệu cho khán giả. Cảm giác ấy giống như việc mình có một thứ gì quý, mình luôn muốn giấu đi.
Tôi cũng không bao giờ để sản phẩm của mình cố gắng tìm đến mọi người. Khi tôi sáng tạo, tôi coi sản phẩm của mình như Sơn Đoòng vậy.
Và tôi thấy quyết định đúng đắn nhất ở Sơn Đoòng vẫn là không xây dựng cáp treo, để nếu ai muốn đến được đó thì phải cần 3 tháng luyện lặn, rèn sức khỏe, còn nếu không đến được thì chịu.
'Tôi sẽ vào rừng, và hát cho cỏ cây'
- Hiện chị sống ở đâu?
- Tôi rất hợp với Hà Nội vì sinh ra và lớn lên ở miền Bắc mà, nhưng tôi đang sống ở Sài Gòn. Tôi đi trốn. Ở Hà Nội, tôi quen nhiều người, bạn bè, đồng nghiệp nên tôi chẳng thể ở ẩn được. Đó là lý do tôi chọn ở Sài Gòn, nơi tôi thật ít bạn bè, và chắc cũng không quá nhiều người biết.
Nếu đi hát, tôi bay đi bay lại, show diễn ở đâu thì mình đến đó. Nếu làm nhạc, nhạc sĩ ở đâu, tôi đến làm ở đó. Ví như khi làm nhạc với anh Đỗ Bảo, tôi ra ngoài này, còn khi làm với anh Võ Thiện Thanh, tôi lại vào trong Nam.
Thú thật, nếu con người không chết vì đói, tôi sẽ vào rừng.
- Rừng ư?
- Ừ, có khi vào rừng, tôi lại tìm được mảnh đất của mình vì tôi vẫn đang đi tìm kiếm một nơi được gọi là nhà cho riêng mình. Tôi chưa tìm thấy nhà của mình đâu. Tôi chưa biết mình sẽ thuộc về nơi nào.
- Nhưng tại sao lại là rừng mà không phải một nơi nào khác?
- Tôi luôn nghĩ nếu cuộc sống mà chỉ có con người thì chán nhỉ. Tôi không muốn chỉ hát cho người nghe vì đâu phải có mỗi chúng ta sống với nhau trên Trái Đất này. Tôi muốn hát cho cây, cho bầu trời, cho tất cả vạn vật. Đấy là tôi nói thật.
- Nghe thật lạ nhưng cũng có vẻ mộng mơ?
- Nhưng đó là sự thật, tôi tin mọi thứ xung quanh đều có linh hồn. Tại sao bạn lại thích một cái ly, một cái cốc giữa rất nhiều cái ly, cái cốc khác.
Tất cả cảm xúc, tình cảm ấy đã được gọi tên đó, nó được truyền bằng dạng năng lượng "lớp sóng lưới", Khoa học đã chứng minh và gọi tên như thế, tôi chỉ nhắc lại thôi.
Mình không nhìn được bằng mắt thường nhưng vạn vạn đều có linh hồn. Nghe tôi nói vậy, bạn có thấy quá kỳ không? Cứ đà này, tôi vào rừng thật thôi!
Theo Lê Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)