Trong một cuộc tọa đàm mới đây tại Hà Nội, họa sĩ Lê Huy Tiếp kể về một thời kỳ các họa sĩ Việt Nam rỉ tai nhau muốn vẽ sơn dầu đẹp thì dùng dầu hỏa rửa để bút. Thậm chí còn có họa sĩ dùng hành tây xoa lên tranh… Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, việc hiểu biết bài bản về kỹ thuật sơn dầu không chỉ cần với họa sĩ vẽ sơn dầu mà cần cả với những người làm nghiên cứu mỹ thuật, người sưu tập tranh.
Chính vì thế, việc TS - họa sĩ Nguyễn Đình Đăng vừa từ Nhật Bản về nước ra mắt cuốn “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” (Đông A ấn hành) đã khiến giới mỹ thuật đặc biệt quan tâm. Cuốn sách dày hơn 400 trang, in 4 màu, được hình thành từ hơn 40 chuyên khảo của TS Nguyễn Đình Đăng. Trong đó, các kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp với những nguyên lý hóa học, vật lý học được ông nêu cặn kẽ, chi tiết. Điều này giúp họa sĩ có thể hiểu hơn về màu vẽ, toan, dầu bóng, chất bảo vệ. Việc kiểm soát màu của họ cũng sẽ tốt hơn trước thời gian.
Đồng thời, “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” là cuốn sách đầu tiên do một họa sĩ Việt viết về kỹ thuật vẽ sơn dầu được xuất bản tại Việt Nam; một “giáo trình” chi tiết, dày dặn, đúc kết những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong hơn 4 thập niên vẽ sơn dầu của tác giả. Các sinh viên mỹ thuật, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật và những người quan tâm tới hội họa sẽ tìm thấy ở đây những kiến thức chuyên sâu về sơn dầu nói chung và kỹ thuật cổ điển nói riêng như: lịch sử sơn dầu từ khởi nguyên đến đương đại, chi tiết về từng loại vật liệu được dùng trong sơn dầu và tính chất của chúng; những quy tắc an toàn và bảo quản; những phân tích cặn kẽ về phương pháp vẽ của nhiều trường phái và danh họa cổ điển...
Họa sĩ Lê Huy Tiếp cũng cho rằng, đây là cuốn sách mà “hội họa trong nước cần từ lâu”.
Thái Lê (Theo Daidoanket)