HH Thùy Dung gây tranh cãi vì mặc áo dài bị cho là giống Trung Quốc

06/07/2015 09:18:42

Bộ áo dài vai trần cách điệu do Hoa hậu Việt Nam 2008 trình diễn trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Thủy Nguyễn ở Italy bị nhà nghiên cứu Trần Quang Đức khẳng định là có “chất liệu và hoa văn Trung Quốc hiện đại”.

 Bộ áo dài vai trần cách điệu do Hoa hậu Việt Nam 2008 trình diễn trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Thủy Nguyễn ở Italy bị nhà nghiên cứu Trần Quang Đức khẳng định là có “chất liệu và hoa văn Trung Quốc hiện đại”.

Bộ sưu tập của Thủy Nguyễn được giới thiệu với mục đích mang đến không khí đậm chất Việt Nam, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phá cách – phong cách đặc trưng của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, người vốn được mệnh danh là “người đàn bà của gấm”.
 

 Hoa hậu Thùy Dung trình diễn áo dài tại Italy hôm 24/6.

 
Vải may áo dài là “hàng dệt công nghiệp Trung Quốc giá rẻ”!

Mặc dù vậy, sau khi hình ảnh Hoa hậu Thùy Dung diễn áo dài tại Italy được công bố, có một số bình luận cho rằng bộ áo dài “phảng phất nét Trung Quốc”, nhưng phần lớn đều đánh giá cảm tính dựa trên hoa văn rồng và màu sắc của bộ trang phục mà không có căn cứ thuyết phục.

Để làm rõ vấn đề, Thể thao & Văn hóa liên hệ với nhà nghiên cứu trang phục Trần Quang Đức (tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ).

Trần Quang Đức cho hay, anh đã xem các hình ảnh về bộ áo dài cách điệu này và cung cấp một đường link từ trang web thương mại trực tuyến Taobao (Trung Quốc), nơi tấm vải có hoa văn “y hệt” (từ của anh Đức) bộ áo dài được bán với giá 29 nhân dân tệ (hơn 101.000 đồng) một mét. Loại vải này do một công ty ở Giang Tô, Tô Châu sản xuất.

Cụ thể, hình dệt chính giữa màu xanh và hình con rồng uốn lượn dọc theo hai bên bộ áo dài so với hình dệt của tấm vải trên Taobao, nhìn bằng mắt thường rất giống nhau.
 

Hình ảnh tấm vải được rao bán trên Taobao

 
“Đây là hàng dệt công nghiệp hiện đại phỏng theo lối dệt của gấm Vân Cẩm, một thương hiệu gấm có tiếng của Tô Châu thời xưa” – Trần Quang Đức nói với Thể thao & Văn hóa.

Về thắc mắc “Việt Nam hay Trung Quốc?”, anh nhận định: “Họa tiết hoa văn là do người Trung Quốc hiện đại làm, không phải hoa văn cổ của cả Việt Nam hay Trung Quốc. Và nhà thiết kế của bộ áo dài đơn giản là nhập hàng từ Trung Quốc”.

Đánh giá chất lượng hoa văn và chất liệu bộ áo dài, anh Đức nói: “Đây là hàng dệt công nghiệp, họa tiết hoa văn không thật tinh tế, còn chất liệu thì phổ thông, không phải hàng chất lượng cao”.

Trong buổi trình diễn tại Italy, duy nhất mẫu này được cho là cách điệu từ áo dài, kết hợp với chiếc nón truyền thống mang dấu ấn Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, sự cách điệu dường như quá trớn, để hở toàn bộ phần vai, chỉ giữ lại mô thức xẻ vạt của áo dài, cũng là mô thức chung của các loại áo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam. Cộng thêm với chất liệu, hoa văn của Trung Quốc đương đại, thì dấu ấn Việt Nam thể hiện qua đây hoàn toàn mờ nhạt.

Vì sao thiết kế truyền thống Việt Nam gây cảm giác giống Trung Quốc?

“Trong trường hợp này, hoàn toàn nhập chất liệu từ Trung Quốc nên giống là tất nhiên” – anh Đức nói – “Còn việc các mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ truyền thống Việt Nam gây cảm giác giống Trung Quốc lại là một câu chuyện khác”.

“Thứ nhất, trong quá khứ, sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nói như người xưa, văn hóa của ta so với Trung Quốc là sự ''đại đồng tiểu dị'', đại thể thì giống, chi tiết thì khác. Cho nên nếu chỉ nhìn qua, tìm hiểu không đến nơi đến chốn, rất dễ nhầm trang phục Việt Nam và Trung Quốc”.

“Thứ hai, chính những người Việt đương đại, những người đang lấy cảm hứng truyền thống Việt, không có tinh thần cầu thị, không tìm hiểu để phân biệt cho rõ, không kỹ tính trong việc lựa chọn hoa văn chất liệu, với sự cẩu thả trong việc du nhập chất liệu, hoa văn từ Trung Quốc hiện đại, họ đã tạo ra một sản phẩm rất khác so với ý định ban đầu”.
 
>> Hoa hậu Kỳ Duyên cảm ơn tác giả bức ảnh ngủ kém duyên của mình

Theo Hạ Huyền (Thethaovanhoa.vn)

Nổi bật