Hài Tết dung tục, dễ dãi (3): Những ai 'tiếp tay' cho hài nhảm lan tràn?

09/02/2019 09:39:21

Không thể chỉ đổ lỗi nghệ sĩ “dễ dãi” tiếp tay hài nhảm, nếu xét một cách nghiêm túc thì nguyên nhân còn có lẽ còn sâu xa hơn thế.

Là sự bất chấp của nhà sản xuất

Nếu các nghệ sĩ có sự “dễ dãi” khi tham gia phim với lý do rằng diễn viên như “Thiên Lôi” chỉ đâu đánh đấy thì câu hỏi đặt ra: ai là người chỉ đạo Thiên Lôi? Đạo diễn trực tiếp và đằng sau đó là các nhà sản xuất, nhà tài trợ giật dây. Cộng với đó là việc lỏng lẻo quản lý thể loại phim phát hành trực tuyến đã khiến hài Tết đang mất dần kiểm soát.

Diễn viên trẻ Nguyễn Hà Trung (Trung Ruồi) từng tham gia hài Tết, có kinh nghiệm quản lý kênh youtube riêng thẳng thắn cho rằng: “Nói thật là sản phẩm như thế nào là do gu thẩm mỹ của người đạo diễn. Các cụ xưa vẫn có câu “người thế nào của chiêm bao làm vậy”. Khán giả thì đa dạng, kiểu phim nào thì sẽ có kiểu khán giả đó.

Tôi cũng làm đạo diễn kênh riêng, gu của tôi là sự đáng yêu, nhí nhảnh thì sản phẩm của tôi cũng như thế. Đối tượng khán giả là các bạn nhỏ, người lớn đều xem được”.

Thế nhưng trước những chỉ trích của dư luận thì chính các đạo diễn, nhà sản xuất lại rất dửng dưng. Hãng phim Bình Minh của diễn viên Trần Bình Trọng dù năm nào cũng bị truyền thông “sờ gáy” nhưng phim vẫn ra đều đặn, thậm chí “Đại gia chân đất” đã có thâm niên 9 năm và “Làng ế vợ” đã bước sang năm thứ 5. Nói về độ “hot” của hai phim này thì khỏi cần bàn cãi. Nhiều khán giả chẳng ngại ngùng buông lời: “Tên phim nói lên tất cả: tục tĩu, “xôi thịt!”

Hài Tết dung tục, dễ dãi (3): Những ai 'tiếp tay' cho hài nhảm lan tràn?
Đạo diễn Bình Trọng cùng dàn diễn viên Đại gia chân đất. Ảnh: TL

Vậy nhưng đứng trước những ý kiến đó, Trần Bình Trọng bày tỏ quan điểm hài thì phải cường điệu, phải một chút nhảm nhí. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, Châu Tinh Trì được gọi là vua hài nhảm, nhưng cả thế giới phải xem phim của ông ấy và lấy đó làm vui.

“Tôi không bao giờ làm gì thái quá hay tục tĩu mà chỉ lấy các hiện tượng thời sự, mặt trái xã hội để lên tiếng phê phán. Mọi người cần xem nhân vật trong phim ra sao và phán xét khách quan”, anh nói.

Đồng thời nam diễn viên cũng nhấn mạnh: “Người ta thấy tôi làm "Đại gia chân đất", "Làng ế vợ" thành công thì bắt chước làm "Tỷ phú đè đại gia", "Bản nhiều vợ". Họ thậm chí mời cả dàn diễn viên quen thuộc để đóng, bắt chước các trò vè trong phim nhưng cách thể hiện thiếu văn hóa, khiến nhiều người hiểu lầm là phim của tôi. Các tác phẩm của tôi đều được đăng ký bản quyền trí tuệ và tôi chẳng dại gì làm mấy cái lăng nhăng để không được duyệt”.

Còn đạo diễn Dương Ngọc Bảo - đạo diễn một loạt phim như "Tỷ phú đè đại gia", "Bản nhiều vợ" cho hay, những phim anh làm đạo diễn chỉ là những tác phẩm hài để giải trí, không có gì "đao to búa lớn".

Cụ thể đạo diễn này cho hay, phim "Bản nhiều vợ" có tính chất siêu tưởng tượng, hài hước. Với những cảnh quay “hiếp dâm con mắt” khán giả nhưng với đạo diễn lại nghĩ bộ phim cũng không hở hang gì cả cũng không nói đến một địa điểm riêng tư cụ thể nào. Đó chỉ là một bộ phim hài tưởng tượng để giải trí, chứ không phải để "dạy học".

“Những nhân vật nữ của tôi chỉ mặc bikini tắm suối, chẳng có gì hở hang cả. Đó cũng tương tự việc nhiều hoa hậu mặc bikini phát sóng trên truyền hình. Không có nghệ sĩ thành danh nào lại đi diễn một bộ phim có những cảnh như vậy. Tôi nghĩ, điều này chỉ là khán giả tự nghĩ ra. Ví dụ phân cảnh anh Chiến Thắng bế vợ lên giường là một cảnh hết sức bình thường. Tôi không buồn mà còn thấy vui vì càng nhiều người đánh giá thì bộ phim ngày càng được chú ý" - đạo diễn trần tình khi phim bị nhận xét dung tục.

Sự “chấp nhận” của khán giả

Bấy lâu nay nhiều người vẫn đi tìm câu trả lời cho sự tràn lan của hài Tết nhảm nhí và đổ lỗi cho nhà sản xuất nhưng quên mất rằng chính một bộ phận khán giả cũng đang vô tình “cổ suý” cho sự phát triển lố lăng đó.

Sự phát triển của công nghệ khiến mọi chuyện phát hành khá dễ dàng đối với nhà sản xuất, cũng như việc khán giả tiếp cận sản phẩm đơn giản hơn. NSND Quốc Anh từng nói thời đại bây giờ người người làm hài, nhà nhà làm hài, chỉ một cái điện thoại cũng làm nên chuyện. Vì thế nói đi nói lại thì dù phim hài có nhảm, có xàm thì vẫn có người xem.

Các diễn đàn, mạng xã hội thay nhau đăng bài công kích phim càng kích thích sự tò mò của khán giả. Truyền thông thay nhau lên án diễn viên, nhà sản xuất thì khán giả một mặt kêu gọi tẩy chay nhưng đâu đó cũng đã ít nhất một lần click vào phim để xem thử. Với mỗi click đó đã đem lại nguồn thu cho nhà sản xuất. Vì thế, phim càng “ồn ào” đơn vị sản xuất càng thích. Ngán gì đâu mà bỏ qua cơ hội đó?

Và sự “chi phối” của quảng cáo

Như đã nói ở trên, không phải các nhà sản xuất hay đạo diễn không nhìn nhận ra một thực tế khán giả đang rất dị ứng, la ó thậm chí tẩy chay phim, nhưng xét ở góc độ thương mại thì đó chưa chắc đã là tin buồn. “Phản ứng ngược” đang là cách truyền thông phim được ưa chuộng hiện nay. Để làm gì? Càng ồn ào thì càng chứng tỏ sức hút. Phim càng hút dư luận thì càng hút quảng cáo.

Bất kỳ khán giả nào xem hài Tết cũng sẽ nhận ra sự “đánh chiếm” lộ liễu của quảng cáo trong các sản phẩm giải trí này.

“Đại gia chân đất 1” khác xa với những “Đại gia chân đất” sau này có lẽ không phải ở nội dung mà ở lời thoại quảng cáo vô duyên hay chính những hình ảnh PR lộ liễu cho nhãn hàng. Nhiều khán giả hài hước bình luận: “Nếu muốn xem trọn vẹn “Đại gia chân đất” thì khán giả “bội thực” Thạch rau câu, phải tiêu hoá từ từ thuốc men, xe đạp, đến sơn nhà rồi cả “đắp mặt” nhanh với các loại mỹ phẩm, làm đẹp, …”

Hài Tết dung tục, dễ dãi (3): Những ai 'tiếp tay' cho hài nhảm lan tràn? - 1
Hình ảnh của nhà tài trợ trong phim hài tết. Ảnh: TL

Trần Bình Trọng từng chia sẻ với truyền thông về việc những phim của hãng phim Bình Minh hiện nay không phải đi mời quảng cáo như xưa mà toàn tự các nhãn hàng tìm đến.
Để đạt đến “đẳng cấp thượng thừa” đó đồng nghĩa với việc phim phải có độ hot, lượt view cao. Mà những điều đó dân marketing không thể nào bỏ qua những chiêu trò. Hết lựa thoại nhảm nhí, dung tục, vô duyên thì tiến lên một cấp cao hơn đó là hình ảnh. 

Từ nhân vật nữ vô danh đến những diễn viên trẻ sẵn sàng “hết mình” cho nghệ thuật đến cả những hot girl tai tiếng. Bất cứ chiêu nào hút khách đều có thể được sử dụng triệt để. Truyền thông, khán giả càng la ó, chửi bới phim càng thành công. Hút dư luận là có quảng cáo rồi.

Còn nhớ “Ván cờ vồ” - hài võ thuật mời top 10 HHVN Trương Tùng Lan vào vai nữ chính. Với diễn xuất “không thể đánh giá” của người đẹp này mà muốn nghĩ theo chiều hướng tích cực cũng khó. Dù trước đó đạo diễn phim Lê Hồng Quang có thanh minh rằng mời người đẹp này vì muốn tìm sự đột phá, mới mẻ.

Xuân Hinh từng bày tỏ sự cảm thông với các nhà sản xuất là khán giả cũng nên cảm thông vì nếu không có tài trợ họ không thể làm phim, khán giả không có món giải trí mà lựa chọn. Nhưng thành ý đó sẽ tốt nếu mọi sự là vừa đủ.

Còn hiện nay, tất cả chỉ là nguỵ biện của các nhà sản xuất. Phim đang hướng đến mục đích thương mại quá nhiều chứ không còn đơn giản là nhu cầu phục vụ khán giả dịp Tết đến xuân về. Thử hỏi với loại phim “ép” khán giả “ăn” quảng cáo thì xem phim hay không có khác gì nhau? Là giải trí hay trò “cân não” với phim?

Theo An Khánh (Gia Đình & Xã Hội)