Hài miền Bắc 2017 có nhiều tác phẩm chứa đựng thông điệp xã hội sâu sắc nhưng điểm trừ là kịch bản cũ kỹ và lối gây cười “cơ học”.
Hài kịch có live show Năm con kê, cười cho nó phê vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô; Táo Cười đón Xuân của Nhà hát Tuổi trẻ (công diễn đến hết Rằm tháng Giêng). Sau khi kết thúc Táo Cười, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ lại tiếp tục biểu diễn chuỗi chương trình hài kịch với Quẫn, Đàn ông cũng khóc.
Đặc biệt, Tết Đinh Dậu 2017 đánh dấu sự bùng nổ của phim hài Tết với hơn 10 tác phẩm. Nhiều đài địa phương mua bản quyền những bộ phim này để phát sóng trong dịp Tết. Nghịch cảnh là đĩa hài không bán được nhưng phim lại được đầu tư hơn cùng với sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất mới.
Táo quân 2017 được nhận xét là bao quát khi đề cập đến một loạt vấn đề nổi cộm trong năm. Đây cũng là một trong những chương trình mang bản sắc của hài Bắc, đó là tạo những tiếng cười trào phúng, sâu sắc. Ảnh: VFC, Thiết kế: Phượng Nguyễn. |
Ưu điểm với hài chính luận, thông điệp sâu sắc
Nhìn chung, ưu điểm của tác phẩm hài do các đơn vị phía Bắc sản xuất là tập trung khai thác các vấn đề thời sự nổi cộm trong năm. Táo quân 2017 của VFC và VTC đều đề cập đến thảm họa môi trường, vấn nạn “con ông cháu cha”, “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”.
Trong các phim hài như Giời rụng, Chôn nhời 4, chuyện “chọn cá hay chọn sắt”, kinh doanh thực phẩm bẩn, gạt tay trúng má, tệ nạn tham ô móc ngoặc cũng được châm biếm thông qua những tình huống dở khóc dở cười, tạo nên sự trào phúng cho tác phẩm.
Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng giám đốc VTC Nguyễn Văn Bình, người chỉ đạo thực hiện chương trình Táo quân VTC 2017, và Hằng Ly, nhà sản xuất phim Giời rụng, đều cho biết dù đề cập đến những vấn đề nóng hổi và nổi cộm, đoàn làm phim không gặp bất cứ khó khăn gì trong quá trình thực hiện.
Khâu biên tập tác phẩm cũng không có chuyện bị tác động hay can thiệp. Các nhà làm phim được thoải mái sáng tạo dựa trên chất liệu của những thông tin đã được báo chí đăng tải trong năm 2016.
Tuy vậy, chương trình Táo quân 2017 của VFC (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) vẫn bị cắt tương đối nhiều so với hôm ghi hình.
Một số nghệ sĩ như Vân Dung, Xuân Bắc đều lên tiếng trên trang cá nhân về việc tác phẩm nghệ thuật tâm huyết không được toàn vẹn. Trong khi đó, Chí Trung lại cho rằng “Nấu một nồi cơm, bạn chỉ ăn được một bát! Không 'cắt gọt' để vừa bát cơm của bạn chắc phải cố cả nồi à?”.
Chí Huy vào vai một người nhân vật ngắn lưỡi trong tiểu phẩm Thử thách tình yêu. Ảnh: Hạnh An An. |
Còn những kịch bản cũ kỹ, gây cười “cơ học”
Ngoài ưu điểm là tạo tiếng cười thâm thúy và bối cảnh ngày càng được đầu tư, các tác phẩm hài phía Bắc được đánh giá là ít kịch bản mới.
Live show hài kịch Năm con kê, cười cho nó phê diễn ra vào tối mùng 8 Tết tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội giới thiệu 4 tác phẩm là Thử thách tình yêu, Nắng chiều, Đặt tên cho con và Đồng nghiệp. Tất cả đều bị nhận xét quá cũ.
Đặt tên cho con với diễn xuất của Vân Dung, Công Lý, Quang Thắng đề cập đến chuyện sinh con trai "nối dõi tông đường". Kịch bản này đã xuất hiện trên sân khấu hài hàng chục năm nay, nhiều khán giả thậm chí còn nằm lòng từng chi tiết từ tình huống người vợ bị chồng đánh đến việc thầy lang dởm bán thuốc “đẻ thằng cu” với giá cắt cổ.
Bên cạnh kịch bản cũ kỹ, dàn diễn viên ít gương mặt mới, hài Bắc còn có xu thế ngày càng nhảm với lỗi diễn "cơ học" từ tạo hình răng vẩu (răng hô), nói ngọng, thậm chí lấy người bị tật bẩm sinh, người dân tộc thiểu số để gây cười.
Làng ế vợ có hẳn một nhân vật tên Cóc vẩu (Trần Bình Trọng thủ vai) với tạo hình "làm lố", phản cảm “ăn đu đủ không cần thìa” và Nhật Tinh ngao (Chiến Thắng) nói ngọng, nói lắp.
Trong Gala Cười 2017, “nụ cười răng vẩu” lại tiếp tục được mang ra để thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả với diễn xuất của diễn viên Quân Anh trong tiểu phẩm Cướp trên dàn mướp.
Bên cạnh đó, tiểu phẩm Thử thách tình yêu trong live show Năm con kê, cười cho nó phê, diễn viên Chí Huy vào vai một nhân vật ngắn lưỡi gây cười trong việc phát âm. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tật ngắn lưỡi bị được đem ra với mục đích gây cười trên sân khấu.
Bình Trọng (bên trai) vào vai Cóc vẩu, còn Chiến Thắng vao vai Nhật Tinh ngao (nói ngọng) trong Làng ế vợ. Ảnh: ĐPCC. |
Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Trần Bình Trọng, tác giả của kịch bản Làng ế vợ, Đại gia chân đất, đồng thời cũng là người đóng vai Cóc vẩu, cho biết hài là để giải trí. Do vậy chỉ cần khán giả cười và thích là được, không cần phải đưa những thứ quá cao siêu vào hài.
“Tôi từng đầu tư cho những kịch bản sâu cay nhưng không thành công. Từ đó, tôi đi đến kết luận, với hài, người xem cười là đạo diễn đã làm tốt công việc của mình. Cười ít thành công ít, cười nhiều thành công nhiều”, nam đạo diễn cho biết.
Trái ngược với quan điểm đó, NSND Lê Hùng khẳng định những kịch bản mang răng vẩu, bệnh trĩ ra để gây cười là những tác phẩm nhạt. Tác phẩm nhạt cũng là biểu hiện của một nền nghệ thuật lẽo đẽo chạy theo sau khán giả. Và nếu cứ giữ mãi như thế thì khán giả chắc chắn sẽ quay lưng.
Theo Khuê Tú (Zing.vn)