Hà Trần từ lâu đã được biết tới là một trong những nghệ sĩ có chiều sâu nghệ thuật và tư duy âm nhạc hàng đầu Việt Nam. Cô cũng được gọi tên trong bộ tứ Diva nhạc nhẹ Việt Nam, cùng với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh.
Việc gọi tên Hà Trần vào bộ tứ Diva nhạc nhẹ Việt Nam từng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, Hà Trần chưa xứng đáng vì giọng hát không nổi trội như 3 đàn chị.
Nhưng bản thân Hà Trần chưa bao giờ tự nhận mình là Diva mà luôn muốn được gọi là "nghệ sĩ" (artist) vì đó mới chính là bản ngã nghệ thuật của cô. Trải qua 30 năm sự nghiệp, Hà Trần đã có nhiều đóng góp lớn với nền âm nhạc Việt Nam đương đại và tự định nghĩa mình là một nghệ sĩ đích thực, chứ không chỉ là một Diva cầm mic khoe giọng.
Tiếng hát tinh khôi của sự khổ luyện, khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xúc động ví như thiên thần
So với các Diva còn lại, Hà Trần không có thế mạnh về âm sắc giọng hát. Màu giọng bẩm sinh của cô không quá đặc biệt và gây ấn tượng với người nghe từ đầu.
Chính vì vậy, Hà Trần đã phải khổ luyện, mài dũa và cố gắng gấp nhiều lần ca sĩ khác, để khắc phục bất lợi về màu giọng bẩm sinh đó, trở thành một giọng hát điêu luyện, bậc thầy như hiện tại.
Tuy nhiên, cần làm rõ rằng, Hà Trần chỉ không có lợi thế về màu giọng, còn giọng hát bẩm sinh vẫn nhiều thế mạnh thuộc về năng khiếu, thiên bẩm chứ không phải ca sĩ từ số 0 đi lên như truyền thông đồn thổi. Cụ thể, Hà Trần vẫn có màu giọng khá đẹp và quãng giọng rộng bẩm sinh hiếm ai có. Gần như chưa có một nữ cao nào tại Việt Nam có thể xuống tận B2 rõ lời rõ chữ và lên tận C6 mixed voice như Hà Trần. Đây rõ ràng là thiên bẩm của một Diva, khó lòng có được chỉ nhờ khổ luyện.
Giọng hát Hà Trần thuộc type light lirico soprano nên sáng mảnh, trữ tình và mềm mại. Thế mạnh trong giọng hát tự nhiên của Hà Trần chính là rất sáng, bay và thuần khiết.
Năm 20 tuổi, Hà Trần theo chân nhạc sĩ Quốc Bảo tới nhà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tặng ông đĩa nhạc mới thu của mình.
Trịnh Công Sơn mở đĩa nhạc và ngồi lặng nghe, vẻ rất xúc động và bảo cô: "Nhạc của mình rất nhiều người hát nhưng chưa bao giờ mình được nghe một giọng hát trong trẻo, tinh khôi như thế này, như tiếng hát từ một thiên thần".
Suốt cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn đã nghe, làm việc với nhiều ca sĩ trong nước và quốc tế, đều là những tượng đài với giọng hát đặc biệt. Vậy nhưng đến cuối đời, Trịnh Công Sơn lại vẫn ấn tượng tới mức ngồi lặng đi khi nghe tiếng hát Hà Trần, chứng tỏ giọng hát này có sức hút và dấu ấn rất lớn.
Là con nhà nòi, con gái của hai nhà sư phạm thanh nhạc hàng đầu là NSND Trần Hiếu và nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền (nguyên trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội) nên Hà Trần từ nhỏ đã được tiếp xúc và đào tạo về âm nhạc. Trong thời gian học phổ thông trung học, cô cũng từng đi thi tại một số cuộc thi ca hát để cọ xát và giành giải cao. Điều đó cho thấy, Hà Trần từ sớm đã bộc lộ tố chất một nghệ sĩ bài bản, bản lĩnh.
Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ để Hà Trần hài lòng về bản thân, cô rất khắt khe với chính mình nên quyết tâm thi vào Nhạc viện. Tại đây, Hà Trần được đào tạo bải bản về thanh nhạc và các kiến thức âm nhạc chuyên sâu. Trong những năm học tại Nhạc viện, Hà Trần được đánh giá là một sinh viên chăm chỉ, thường xuyên đạp xe nhiều cây số mỗi ngày để tới trường luyện thanh với cái bụng đói. Có những hôm, Hà Trần suýt ngất vì kiệt sức khi luyện thanh, nhưng vẫn kiên trì.
Nhờ đó, Hà Trần luyện được nhiều kỹ thuật thanh nhạc chuẩn chỉ. Dù hát nhạc nhẹ, nhưng cô vẫn sở hữu các kỹ thuật và hát được một số aria cổ điển (bằng head voice). Nếu ngày đó Hà Trần không đi theo nhạc nhẹ, cô sẽ là giọng soprano cổ điển tiềm năng của Việt Nam.
Nhật thực và cú nổ lớn tiên phong cho âm nhạc Việt Nam đương đại
Giống như nhiều ca sĩ cùng thời, Hà Trần bắt đầu sự nghiệp bằng những bản nhạc Pop Ballad ngọt ngào, nhẹ nhàng. Cô ghi dấu ấn với khán giả qua những bài nhạc phim bất hủ như Lời ru cho con, Phía trước là bầu trời. Từ thời điểm đó, Hà Trần đã được giới chuyên môn đánh giá là một giọng hát chất lượng, dù còn trẻ nhưng hát rất sâu sắc, trưởng thành.
Cùng với các đàn chị, Hà Trần là một trong những ngôi sao nhạc nhẹ nổi tiếng hàng đầu thời điểm Làn Sóng Xanh cuối thập niên 90, với nhiều bài hit nhạc trẻ đình đám. Điều đó cho thấy, Hà Trần không hề cực đoan hay khép mình mà rất hiểu thị trường, biết cách chiếm trái tim đại chúng.
Hai album đầu đời là Em về tinh khôi và Bài tình ca cho giai nhân của Hà Trần đã thắng lớn về mặt thị trường, đại chúng, đưa tên tuổi cô đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Cô đã được bầu vào top 10 ca sĩ được yêu thích trên sóng FM Làn sóng xanh liên tiếp các năm 1998–2001.
Nếu Hà Trần yên phận theo đuổi nhạc Pop thuần khiết như vậy, tên tuổi cô vẫn sẽ đi đường dài. Nhưng không ai ngờ rằng, Hà Trần bất ngờ lột xác vào năm 2001 với album Nhật thực, gây chấn động toàn bộ nhạc Việt thời điểm đó.
Nhật thực xuất hiện như một cánh chim độc lạ, chưa từng có trên bầu trời nhạc Việt, mà nếu không phải Hà Trần thì cũng không một nghệ sĩ nào dám thực hiện nó. Nó hội tụ đầy đủ phẩm chất của một album nhạc thể nghiệm tới từ nghệ sĩ đích thực với bản ngã nghệ thuật lớn lao, tóm gọn trong 4 chữ "độc, lạ, quái, chất".
Nhật thực độc và là album duy nhất tiến vào thế giới nhạc thể nghiệm lúc bấy giờ, là album nhạc đầu tiên làm theo concept, nhất quán nội dung từ đầu tới cuối, mà mỗi ca khúc là một mảnh ghép có liên quan chặt chẽ với nhau, không phải kiểu chọn các bài hát gộp thành một album như trước. Ngay cả phần phục trang, make up cũng theo chủ đề chung với album. Hà Trần không mặc phục trang biểu diễn cho đẹp mà biến phục trang thành hội họa, nghệ thuật.
Nhật thực lạ vì mang theo chất nhạc rất mới, chú trọng vào hòa thanh phối khí. Lúc này, giọng hát ca sĩ chỉ như một nhạc cụ hòa cùng âm nhạc, không phải lấy giọng đè lên nhạc như trước. Đây cũng là tôn chỉ âm nhạc đi suốt sự nghiệp của Hà Trần, biến giọng hát thành tờ giấy trắng để vẽ được mọi chất liệu lên nó.
Nhật thực quái vì nội dung, âm nhạc đều lập dị, cá tính và toát lên cái "điên" của người nghệ sĩ khi được thỏa trí sáng tạo. Hòa thanh được phối nhiều lớp lang, chồng chéo, lồng ghép phức tạp, công phu chứ không đơn giản là ca sĩ vào hát là xong. Đến ca từ cũng đậm chất thơ đương đại với những chủ nghĩa hậu hiện đại khác biệt.
Nhật thực chất là đó là một Hà Trần đậm đặc nghệ sĩ tính, chưa từng có trước đó, vươn tới hình ảnh một nghệ sĩ Indie độc lập trên thế giới. Thậm chí, sau này khi Hà Trần đi diễn, một fan hâm mộ còn đưa hình Bjork (bà hoàng nhạc Indie) cho Hà Trần vì thấy cô giống với Bjork. Cũng từ đó, Hà Trần hâm mộ và học hỏi theo Bjork.
Với những điều mới lạ trên, Hà Trần cùng Nhật thực đã tạo cú nổ lớn tiên phong cho nhạc Indie trong âm nhạc Việt Nam đương đại, mở đường cho những nghệ sĩ cá tính mạnh sau này như Tùng Dương, Ngọc Khuê…
Trưởng thành để thành công tại hải ngoại
Năm 2004, Hà Trần lấy chồng và chuyển sang định cư tại Mỹ. Để tiếp tục hoạt động âm nhạc, Hà Trần cộng tác cùng trung tâm Thúy Nga và bắt đầu lên sóng loạt chương trình Paris By Night, gặt hái nhiều thành công, đồng thời đánh dấu sự trưởng thành hơn trong giọng hát của cô.
Thời điểm này, Hà Trần tiếp nhận và được hát kho tàng nhạc xưa trước 1975, với những bản tình ca bất hủ. Cô được làm việc với những nhạc sĩ lớn như Nguyễn Ánh 9, Lam Phương… những danh ca lớn như Khánh Ly, Bạch Yến… Nhờ đó, Hà Trần như hổ mọc thêm cánh, khi kết hợp được kỹ thuật thanh nhạc chuẩn chỉ Nhạc viện của mình với lối hát sâu sắc, trải nghiệm, giàu giá trị văn hóa, thơ ca của các bậc gạo cội. Chính cô từng tiết lộ việc được danh ca Khánh Ly chỉ cho cách hát nhạc Trịnh sao cho hay và ra chất.
Tất cả những kinh nghiệm, kiến thức này được Hà Trần lĩnh hội và phát huy. Cô cùng Bằng Kiều, Ngọc Anh 3A, Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ… là thế hệ vàng tiếp theo kế thừa di sản nhạc xưa để nâng tầm nó lên đầy học thuật, sang trọng, cảm xúc.
Việc hát nhạc xưa giúp Hà Trần điềm tĩnh, trưởng thành và sâu lắng hơn, đồng thời giúp giọng hát của cô càng thêm mềm mại, ấm áp. Chính trong giai đoạn này, Hà Trần hát trầm tốt hơn, xử lý ca khúc giàu tình cảm, suy tư và "đàn bà" hơn, không còn là giọng hát tinh khôi như thời con gái.
Dù hát nhạc xưa nhưng Hà Trần lại phát hành album Đối thoại 06 tại hải ngoại, cũng là một album thể nghiệm lấy dòng dân gian đương đại làm chủ đạo, kết hợp cùng âm thanh biến ảo của nhạc điện tử, hoà âm mang đậm chất ambient/Hiphop/electronic. Hai kĩ sư âm thanh John Vestman và Max Neutra tham gia thực hiện album. Đối thoại 06 được giới chuyên môn đánh giá cao, tiên phong cho dòng dân gian đương đại tại nhạc Việt và giúp Hà Trần đoạt giải Cống hiến.
Người nghệ sĩ có năng lực sáng tạo bất tận, không ngừng biến hóa
Thành công và đắt show với nhạc xưa nhưng Hà Trần vẫn chưa dừng lại. Cô không ngừng sáng tạo và trở về nước năm 2009, tung một lúc hai album Vi sinh và Mầm hạt, cùng tập thơ Thập kỷ yêu. Ở hai album này, Hà Trần vẫn giữ vững phong độ và hướng đi rõ ràng cho mình dân gian đương đại kết hợp cùng nhiều hòa thanh mới. Vi sinh mượn không gian âm nhạc điện tử để chia sẻ những trăn trở về một xã hội văn minh. Mầm hạt là hành trình của một con người tự giải đáp những phức tạp của đời sống nội tâm để có thể tái sinh và tạo nên những mầm hạt mới.
Năm 2013, Hà Trần tiếp tục ghi dấu ấn khi thực hiện cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo album Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta. Ở album này, Hà Trần không quái, không phá cách mà quay về với Pop, nhưng là chất "Bảo Pop" đầy suy tư, cá tính và đa tầng nghĩa, đặc biệt trong ca từ. Và có lẽ, chỉ Hà Trần mới đủ năng lực truyền tải khối lượng nội dung, ca từ sâu sắc, đa nghĩa trong nhạc Đỗ Bảo. Ở Hà Trần, mỗi album là một sự chuyển mình và trải nghiệm những bản ngã mới, không lặp lại chính mình. Dù có hát lại dòng nhạc cũ thì cô cũng phải làm cho nó mới hơn.
Không như những nghệ sĩ khác, càng có tuổi năng lực làm việc của Hà Trần càng mạnh mẽ, sự sáng tạo căng tràn như cá tức trứng. Chỉ trong năm 2015, Hà Trần phát hành tới 2 album là Bóng tối Jazz (cùng Tùng Dương) và Bản nguyên. Điều đáng nói là hai album này thuộc hai dòng nhạc đối lập nhau, một Jazz một Rock. Thật khó tưởng tượng một nghệ sĩ vừa chìm lắng, suy tư trong Jazz lại cuồng nhiệt với Rock được. Hà Trần cho thấy sự đa dạng, biến hóa quá rộng trong tư duy âm nhạc của mình và quá tài tình khi dòng nhạc nào chạm tay vào cũng làm cho ra chất.
Mới đây, Hà Trần dù đã ở tuổi 46 (cái tuổi mà nhiều đồng nghiệp đã ngừng làm album, chỉ đi hát show) vẫn tiếp tục ra album mới mang tên Những con sông ngón tay. Album này tuy không quá rầm rộ về truyền thông nhưng vẫn truyền tải được trải nghiệm nghệ thuật mới của Hà Trần.
Giọng hát live đỉnh cao, biến hóa kỹ thuật và đong đầy cảm xúc
Hà Trần thực sự là một nghệ sĩ toàn diện khi hoạt động tích cực ở cả phòng thu lẫn sân khấu hát live, chăm chỉ đi show và luôn cháy vé. Nhiều người thường bị định kiến rằng giọng Hà Trần mỏng và xấu nên hát live sẽ không hay.
Nhưng ai đã nghe Hà Trần hát live sẽ phải bất ngờ vì giọng hát của cô ở sân khấu lớn rất đẹp, bay và có độ sáng lạ kỳ, nghe rất cuốn. Hà Trần không tuộc type giọng dày, nội lực nhưng có quãng giọng rộng nên hát rất đa dạng. Cô có thể hát trầm rõ lời, ấm ngang một nữ trung nhưng lên cao vẫn căng tràn, chuẩn xác ở tận E5, F5, chuyển giọng linh hoạt từ chest voice sang head voice, control giọng với agility điêu luyện. Đặc biệt, Hà Trần hát hiếm khi chênh phô và luôn rõ lời. Dù tiếng hát không dày nhưng Hà Trần vẫn đủ bản lĩnh, kỹ thuật để lấp đầy một sân khấu lớn và đem lại cho khán giả nhiều hiệu ứng âm thanh đã tai.
Và như đã nói, Hà Trần thuộc kiểu nghệ sĩ sử dụng giọng hát như tờ giấy trắng để vẽ lên nhiều chất liệu khác nhau nên sự biến hóa trong giọng hát của cô rất linh hoạt, đa dạng, giúp người nghe không cũ nhàm, cũ, luôn mới lạ từ đầu tới cuối show.
Sau 30 năm ca hát, Hà Trần không hề mất giọng mà lại đang ở tuổi chín muồi nhất của giọng hát, đẹp về âm sắc, đủ nội lực, kỹ thuật để lấp đầy sân khấu và biến hóa đa dạng. Ở thời điểm hiện nay, rất khó tìm được một giọng ca bậc thầy trong xử lý như Hà Trần.
Theo Long Phạm (Nguoiduatin.vn)