Tiếp tục "dĩ hoà vi quý"...
Không còn những màn “càn quét” giải thưởng như các năm trước, năm nay Grammy có sự chia nhỏ giải thưởng cho nghệ sĩ. Adele và Beyoncé là 2 nghệ sĩ có số lượng đề cử nhiều nhất, thế nhưng Adele chỉ chiến thắng ở Trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất, trong khi Beyoncé chỉ được gọi tên ở các giải phụ thuộc dòng R&B và dance/electronic.
Ở 4 giải quan trọng nhất cũng không có nghệ sĩ nào thắng đa số. Bất ngờ lớn nhất thuộc về nghệ sĩ gạo cội Bonnie Raitt khi bà được vinh danh ở hạng mục Bài hát của năm, điều mà các nhà phê bình cũng như chuyên gia không thể ngờ đến. Hạng mục Ghi âm của năm cũng gọi tên Lizzo với đĩa đơn About damn time “làm mưa làm gió” thời gian qua.
Harry Styles dường như là trường hợp duy nhất có 2 chiến thắng quan trọng gồm Album của năm và Album nhạc pop xuất sắc nhất. Anh cũng nối tiếp chiến thắng trước đó vào năm 2019 với album Fine line. Nghệ sĩ 23 tuổi người Mỹ
Samara Joy cũng được gọi tên ở Nghệ sĩ mới. Đây là kết quả không thể đoán trước, vì cô là đại diện của dòng nhạc jazz ít được chú ý nếu so với những tên tuổi nổi bật của nhạc Latin và alternative trong danh sách đề cử.
Đã 3 năm Grammy duy trì lối trao giải này. Điều này tuy đảm bảo rằng các nghệ sĩ sẽ không “trắng tay” sau đêm trao giải, nhưng ít nhiều nó không phản ánh trung thực tầm ảnh hưởng mà một album có thể tạo ra. Một sai sót khác mà cách trao giải này cũng tạo ra là làm sai lệch ý muốn của các nghệ sĩ khi nộp đề cử.
Vì muốn tránh sự “đối đầu” giữa các sản phẩm tương đồng về chất lượng nên việc phân chia đề cử vào các hạng mục theo thể loại suốt 3 năm qua bỗng dưng trở nên… hỗn loạn. Chẳng hạn album Star-crossed vào năm 2021 của Kacey Musgrave được cô hướng đến dòng nhạc country, thế nhưng Grammy đã tự sửa thành mục pop - hạng mục cạnh tranh nhất, dẫn đến đĩa nhạc hầu như chìm nghỉm trong danh sách đề cử.
Năm nay hạng mục Album dance/electronic hay Album Latin đương đại cũng được trao giải ở sân khấu chính, dù đây thường là các giải phụ, được trao trước đó. Nhiều người cho rằng chỉ vì có sự xuất hiện của Beyoncé và Bad Bunny, nếu không thì đây vẫn là các hạng mục nhạt nhòa.
Nếu cách trao giải này không thay đổi, những năm sau Grammy có thể trở thành “bàn tiệc xã giao”, thừa mứa “dĩ hòa vi quý” nhưng thiếu vắng chất lượng thực sự.
Vẫn gây tranh cãi
Đêm trao giải năm nay lại được đánh giá là dài lê thê. Cả 3 nghệ sĩ lớn Adele và Beyoncé và Taylor Swift đều không trình diễn.
Trước đêm trao giải, ban tổ chức cũng đã úp mở về sự có mặt của một nữ nghệ sĩ được nhiều người yêu thích không thuộc danh sách đề cử, song thực tế không hề có màn trình diễn này. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu ban tổ chức có đang sử dụng “sức nóng” của các nghệ sĩ để “dụ” khán giả.
Những năm trước, người hâm mộ của BTS cũng từng chỉ trích Grammy vì liên tục bỏ qua cống hiến của nhóm nhạc này, dù vẫn dùng họ như một “phương tiện” thu hút lượt xem.
Nỗ lực đổi mới format của Grammy cũng được đánh giá là không hiệu quả. Trong chương trình xen kẽ với đêm trao giải, các thước phim về cuộc đối thoại giữa các fan trình bày lý do vì sao “thần tượng” của họ xứng đáng chiến thắng đã quá cũ kỹ. Nhiều khán giả cho rằng thay vì để fan nói những điều chung chung, ban tổ chức nên lý giải vì sao mình lại bỏ phiếu cho các đề cử. Yêu cầu này sở dĩ xuất hiện vì trước đêm trao giải, ý kiến của ban bầu chọn đã gây nhiều thắc mắc cho khán giả.
Một trang phê bình âm nhạc đã phỏng vấn 5 thành viên giấu tên của Viện hàn lâm về lý do họ chọn một nghệ sĩ nào đó. Thế nhưng thay vì được nghe những đánh giá chuyên môn, những người này chỉ đơn giản nói mình bỏ phiếu cho Lizzo vì Adele và Beyoncé đã liên tục thắng. Một người khác nói mình không quan tâm đến bài hát của Taylor Swift cũng như bỏ qua Harry Styles vì anh xuất thân từ nhóm nhạc nam đậm tính thị trường.
Có vẻ Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thu âm quốc gia Mỹ (gọi tắt là Viện hàn lâm) đang ngày càng cảm tính và không quan tâm đến chất lượng của các sản phẩm. Điều đó ít nhiều thể hiện ở việc gây ra tranh cãi khi Beyoncé tiếp tục bị “phớt lờ” ở hạng mục Album của năm. Suốt 3 thập niên hoạt động và là người chiến thắng nhiều giải Grammy nhất trong lịch sử âm nhạc, thế nhưng “Ong Chúa” chưa từng được vinh danh ở hạng mục này.
Nhiều chuyên trang phê bình cũng đã bầu chọn khoảnh khắc Beyoncé tiếp tục thua cuộc là khoảnh khắc tệ nhất của đêm trao giải năm nay. Album RENAISSANCE được đánh giá là đĩa nhạc hay nhất năm 2022. Dù không có bất cứ chiến lược PR hay quảng bá nào, tự thân nó cũng vào được đến các bảng xếp hạng - điều mà không phải album nào ở thời đại này cũng làm được.
Có thể thấy, dù về chất lượng hay là thành tích, RENAISSANCE vẫn là album gây được ảnh hưởng, tạo nên danh tiếng to lớn. Việc Viện hàn lâm không trao giải cho album này không chỉ đã bỏ qua cố gắng của một nghệ sĩ đã cống hiến hết mình suốt 3 thập niên, mà còn đặt ra một dấu hỏi lớn về tính liêm khiết và sự công tâm trong cách bình chọn.
Theo Ngô Minh (Phụ Nữ Việt Nam)